Chúa Nhật 24 Thường Niên, C

 

Sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 15:1-32)

 

          Bài Tin Mừng hôm nay có ba dụ ngôn được Chúa Giê-su sử dụng để nói lên tâm tình của Thiên Chúa, tâm tình mừng vui vì tìm lại được những con cái đã lạc đường, mất tích hoặc đã chết.  Dùng ba dụ ngôn để chỉ diễn tả sự mừng vui, đó là cách văn hóa Do-thái muốn nói với chúng ta rằng niềm vui gấp ba lần ấy quả thực là vĩ đại không tưởng tượng nổi.

          Để hiểu phần nào mức độ lớn lao của niềm vui, chúng ta thử nhìn vào một số chi tiết trong ba câu truyện nói về hành động tìm kiếm và hành động biểu lộ niềm vui.  Trước hết những hành động tìm kiếm nói lên giá trị của những gì đã mất đối với chủ nhân.  Thực ra xét theo khách quan, thì con chiên lạc, đồng bạc mất và ngay cả đứa con hoang đàng tự chúng không đáng để chủ nhân phải hành động “điên rồ”: người chăn chiên bỏ lại chín mươi chín con chiên khác; người phụ nữ thắp đèn, quét nhà, moi móc từng góc nhà; người cha suốt ngày đứng tựa cửa, héo hắt chờ đợi thằng con.  Nhưng ở đây chúng ta không thể xét theo giá trị khách quan, mà phải xét theo giá trị tình cảm.  Sở dĩ con chiên, đồng bạc hay người con có giá trị là vì tình cảm yêu thương của chủ dành cho chúng, nói khác đi giá trị được đo lường bằng trái tim chứ không phải bằng tiền bạc.  Vì thế, có mệt nhọc tìm kiếm là bởi chủ nhân không thể chịu đựng được những mất mát to lớn ấy.  Càng mất công tìm kiếm chờ đợi thì niềm vui khi tìm thấy càng lớn lao.

          Điểm thứ hai, hành động ăn mừng cho thấy mức độ lớn lao của niềm vui.  Sau khi tìm lại được những gì đã lạc đã mất, chủ nhân ăn mừng.  Chủ nhân muốn người khác chia sẻ niềm vui của họ.  Nghèo hèn như người chăn chiên hay người phụ nữ thì chỉ “mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: ‘xin chung vui với tôi’”.  Còn giàu có như người cha trong dụ ngôn Người con hoang đàng thì “bắt con bê đã vỗ béo làm thịt để mở tiệc ăn mừng”.  Mỗi chủ nhân tùy theo hoàn cảnh muốn cho thật nhiều người chung vui với họ, vì niềm vui quá lớn lao nên một mình không chịu nổi mà phải đem chia sẻ với người khác.

          Hành động tìm kiếm và ăn mừng ấy có thể đưa chúng ta tới nhiều kết luận khác nhau, nhưng có lẽ đẹp nhất là về tình yêu của chủ nhân đối với những gì họ đã tìm lại được.  Chúng ta ngưỡng mộ mối tương quan tốt đẹp giữa người chăn chiên với con chiên lạc, giữa người phụ nữ với đồng bạc bị mất.  Chúng ta khâm phục lòng kiên nhẫn, quảng đại và tha thứ của người cha hiền dành cho đứa con hư đoảng trở về.  Những mối tương quan thân thiết và những tấm lòng yêu thương trong ba dụ ngôn cốt là để nói lên tình Chúa yêu thương chúng ta.  Khi chúng ta bị lạc bị mất do tội lỗi và ma quỷ thì Chúa tìm đủ cách để đi tìm và dẫn chúng ta trở về.  Người muốn chúng ta xác tín rằng Người thực sự vui và cả triều thần thiên quốc cùng vui với Người mỗi khi chúng ta “đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy”.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

          Chúng ta có nghĩ rằng những dụ ngôn này vẫn xảy ra trong cuộc đời Ki-tô hữu chúng ta không?  Mỗi khi thống hối, ăn năn và đến với Bí tích Giải tội, chúng ta cứ tưởng tượng như đang thấy hình ảnh Chúa hớn hở cùng với các thiên thần và các thánh, chắc chắn chúng ta sẽ thực lòng hơn và quyết tâm sửa đổi hơn.  Chúng ta ai chẳng yếu đuối lầm lỗi.  Những tội lỗi và thiếu sót của chúng ta tuy không phải là phương tiện, nhưng luôn là những cơ hội để chúng ta thanh luyện phát triển lòng yêu mến Chúa, đồng thời để chúng ta cảm nghiệm được tình yêu lớn lao và vô điều kiện của Chúa.  Chúng ta cũng hãy nhận biết giá trị của con người chúng ta trước mặt Chúa và cố gắng sống xứng đáng với sự cao quý của chúng ta.                                   

Lm. Dominic TTL

Ngày 8-9-2010


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C