Chúa Nhật III mùa Vọng

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 3:10-18)

 

          Bài Tin Mừng hôm nay tiếp theo bài Tin Mừng Chúa Nhật trước, nhưng thay vì nói nhiều đến sứ vụ của thánh Gio-an Tiền hô thì có vẻ lại khai triển những kết quả do sứ vụ ấy đem lại.  Sứ vụ của ông là loan báo sứ điệp Tin Mừng rằng Đấng Cứu Độ sắp đến và hãy chuẩn bị tâm hồn đón tiếp Người.  Còn kết quả do lời giảng của Gio-an là “dân chúng lũ lượt đến xin ông Gio-an làm phép rửa và họ hỏi ông: ‘Chúng tôi phải làm gì?’”

          Như thế, bài Tin Mừng đã kể lại một tin vui là dân chúng đã nghe theo lời giảng của ông Gio-an và đến xin ông giúp họ bắt đầu thực hiện việc “dọn đường sửa lối”, hoặc nói rõ hơn, là giúp họ làm cuộc sám hối.  Chúng ta có thể tưởng tượng ra khung cảnh bên bờ sông Gio-đan lúc ấy.  Không còn là nơi hẻo lánh nữa, nhưng chỉ thấy người với người.  Hình ảnh dân chúng lũ lượt đến gặp ông Gio-an tại hoang địa thật khác xa với hình ảnh hôm nay người ta ùn ùn đi shopping để chuẩn bị… đón Chúa.  Ở nơi ông Gio-an làm phép rửa, không có những bài hát No-en vui nhộn giật gân và quá trần tục, nhưng là những tiếng lòng thổn thức của những tâm hồn đang băn khoăn với câu hỏi:  “Chúng tôi phải làm gì?” để lãnh nhận ơn cứu độ. 

          Mỗi người có câu hỏi và trả lời riêng cho mình, thích hợp với hoàn cảnh sống của họ.  Những người đến hỏi ông Gio-an thuộc đủ thành phần:  thường dân giàu nghèo, viên chức nhà nước như người thu thuế, binh lính.  Điều lạ là không thấy thánh Lu-ca kể lại có người Pha-ri-sêu hoặc kinh sư nào đến gặp ông Gio-an.  Chắc những người này cho rằng họ không cần phải sám hối!  Sự kiện này khiến chúng ta nhớ đến câu truyện Chúa Giê-su kể về hai người lên Đền Thờ cầu nguyện, một người Pha-ri-sêu và một người thu thuế.

          Câu trả lời của ông Gio-an cho từng người thật là ngắn gọn nhưng đầy đủ.  Với thường dân, kẻ giàu thì “có hai áo hãy chia cho người không có”, kẻ nghèo thì “có gì ăn cũng chia cho người không có gì ăn”.  Với người thu thuế thì đừng gian lận.  Với binh lính thì đừng cậy có vũ khí, thế lực mà áp bức người khác.

          Sau cùng là chính tấm gương của ông Gio-an Tiền hô.  Ông sống chân thực với mình, với Đấng Mê-si-a, với Chúa Thánh Thần, chứ không vơ lấy những gì không thuộc về mình.  Ông không ngại nói thẳng nói thật:  “Tôi không đáng cởi quai dép cho Đấng Mê-si-a”.  Cởi quai dép là việc làm của tên đầy tớ, nên ngay cả việc làm đầy tớ cho Đấng Mê-si-a, ông thấy mình cũng không xứng đáng nữa.  Quả là sự khiêm nhường đích thực.

 

Sống sứ điệp Tin Mừng

 

          Lời giảng và phép rửa của ông Gio-an đã mang lại kết quả lớn lao là dân chúng đủ thành phần bắt đầu làm một cuộc sám hối.  Tuy nhiên việc sám hối phải khởi đi từ cá nhân.

          Việc sám hối bắt đầu bằng câu hỏi:  “Tôi phải làm gì?”  Chúng ta tự hỏi mình để có câu trả lời.  Chúng ta cũng có thể hỏi những người có khả năng giúp đỡ chúng ta, như cha giải tội, cha mẹ, bề trên, linh hướng.  Tiếp đến việc sám hối cần phải rõ ràng, quyết liệt và ngắn gọn, chứ đừng chương trình đao to búa lớn.  Sám hối cũng giống như làm vườn, nhổ cỏ chứ đừng tính chuyện nhổ… cây!  Cây nó lù lù ra đấy, thế nào rồi cũng hạ được nó.  Còn cỏ thì khó lắm, vừa mới nhỗ chỗ này xong, quay lại vẫn thấy mình còn bỏ sót.  Các tính hư tật xấu giống như là cỏ với cây.  Chính những cọng cỏ dại mới khó trị đấy.  Sám hối còn đòi hỏi chúng ta phải sống chân thực với mình, với Chúa và với tha nhân.  Cốt lõi của việc thực hành sám hối là sửa lại những mối quan hệ ấy cho mỗi lúc một tốt đẹp hơn.                                         Lm. Dominic TTL

            


Về Trang Suy Niệm Chủ Nhật Năm C