CHÚA NHẬT IX THƯỜNG NIÊN C

LỄ MÌNH MÁU CHÚA

St 14,18-20; 1 Cr 11,23-26; Lc 9,11b-17

 

BỮA TIỆC THÁNH YÊU THƯƠNG

 

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Lc 9,11b-17

(11b) Khi ấy, Đức Giê-su nói với dân chúng về Nước Thiên Chúa và chữa lành những kẻ cần được chữa. (12) Ngày đã bắt đầu tàn. Nhóm Mười Hai đến bên Đức Giê-su thưa Người rằng: “Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn, vì nơi chúng ta đang ở đây là nơi hoang vắng”. (13) Đức Giê-su bảo: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Các ông đáp: “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá. Trừ phi chính chúng con phải đi mua thức ăn cho cả đám dân này”. (14) Quả thật có tới chừng năm ngàn đàn ông. Đức Giê-su nói với các môn đệ: “Anh em hãy bảo họ ngả mình thành từng nhóm khỏang năm mươi người một”. (15) Các môn đệ làm y như vậy, và bảo mọi người ngả mình xuống. (16) Bấy giờ Đức Giê-su cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các môn đệ, để các ông dọn ra cho đám đông. (17) Mọi người đều ăn và ai nấy được no nê. Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng.

2. Ý CHÍNH:

Thánh Luca thuật lại phép lạ Đức Giê-su nhân bánh ra nhiều để nuôi đám đông dân chúng. Trước nhu cầu của đám đông, các môn đệ đề nghị giải tán để mỗi người tự lo liệu việc ăn nghỉ cho mình. Nhưng Đức Giê-su lại truyền cho các ông rằng: “Anh em hãy liệu cho họ ăn đi”. Sau đó, dù các ông chỉ kiếm được năm cái bánh và hai con cá, nhưng Đức Giê-su đã sử dụng số lượng ít oi này để nhân ra nhiều gấp bội mà cho dân chúng được ăn no. Số bánh dư thu lại được mười hai thúng. Số người ăn hôm ấy khoảng chừng 5000 đàn ông.

3. CHÚ THÍCH:

- C 11b-12: + Đức Giê-su nói với dân chúng về Nước Thiên Chúa: Nước Thiên Chúa hay Nước Trời là trọng tâm các bài giảng của Đức Giê-su. Lu-ca cho thấy Đức Giê-su đã giảng trước khi làm phép lạ nhân bánh. Đây cũng là khuôn mẫu của thánh lễ sẽ được Hội thánh cử hành sau này. Thánh lễ cũng gồm hai phần chính là Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể. + Chữa lành những kẻ cần được chữa: Lời giảng luôn được kèm theo phép lạ chữa bệnh. Đó là đặc điểm về cách thức truyền giảng Tin mừng của Đức Giê-su và là khuôn mẫu cho việc truyền giáo sau này. + Xin Thầy cho đám đông về, để họ vào các làng mạc nông trại quanh đây tìm chỗ trọ và kiếm thức ăn: Câu nói của các môn đệ cho thấy: Tuy có quan tâm đến nhu cầu ăn uống ngủ nghỉ của dân chúng, nhưng các ông lại không thấy trách nhiệm phải phục vụ để đáp ứng các nhu cầu này của họ.

- C 13-14: + “Chính anh em hãy cho họ ăn”: Đức Giê-su trao trách nhiệm cho các môn đệ phải lo phục vụ dân chúng cả về thể xác nữa. Sau này kinh “Thương người có mười bốn mối” cũng đề cập đến các việc bác ái cụ thể mà người tín hữu phải chu tòan như: cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống, cho kẻ rách rưới ăn mặc, viếng kẻ liệt cùng kẻ tù rạc, cho khách đỗ nhà, chuộc kẻ làm tôi, chôn xác kẻ chết. + “Chúng con chỉ có vỏn vẹn năm cái bánh và hai con cá”: Bánh và cá là thức ăn thường ngày của dân chúng miền biển Ga-li-lê. Năm chiếc bánh và hai con cá ở đây là của một bé trai (x. Ga 6,9). Tuy nhiên số thức ăn này chẳng thấm vào đâu so với đám đông dân chúng. Điều này nói lên khả năng hữu hạn của các môn đệ. Nhưng Đức Giê-su lại muốn các ông cộng tác bằng việc góp phần nhỏ bé ấy vào phép lạ lớn lao mà Người sắp làm. + Anh em hãy bảo họ ngả mình: Thời xưa người miền Cận Đông thường ăn trong tư thế nằm nghiêng từng giường. + thành từng nhóm khoảng 50 người một: Họp thành từng nhóm gợi lại kỷ niệm việc Mô-sê tổ chức dân Do-thái trong sa mạc thời Xuất hành. Đây đuợc coi là cách tổ chức lý tưởng của dân Chúa (x, Xh 18,21.25). Đức Giê-su muốn các môn đệ tổ chức đám đông ô hợp thành từng cộng đoàn. Các ông trở nên những “Thừa tác viên” phục vụ cho cộng đoàn ấy.  

- C 15-17: + Các môn đệ làm y như vậy: Các môn đệ mau mắn làm theo Lời Đức Giê-su dạy, dù lúc ấy các ông chưa biết Người sắp làm gì. + Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá...: theo phong tục của người Do thái thì trước bữa ăn, gia trưởng thường đọc một kinh cảm tạ Thiên Chúa. Ở đây Đức Giêsu cũng cầu nguyện bằng một nghi thức có tính phung vụ như Lu-ca viết: “cầm lấy bánh, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ”. Những cử chỉ này giống như khi người lập bí tích Thánh Thể tại nhà Tiệc ly (x. Lc 22,19), và trong bữa ăn tối với hai môn đệ tại làng Em-mau (x.Lc 24,30). + Trao cho các môn đệ, để các ông dọn ra cho đám đông: Đức Giê-su không trực tiếp trao bánh, nhưng Người trao qua trung gian là các môn đệ. Ngày nay vai trò của các linh mục và phó tế cũng giống như vậy trong các cộng đoàn và các xứ đạo. + Mọi người đều ăn, và ai nấy được no nê... Những miếng vụn còn thừa, người ta thu lại được mười hai thúng: no nê và dư thừa nói lên đồ ăn dồi dào. Điều này đã ứng nghiệm về bữa tiệc Thiên Sai mà Isai-a đã báo trước: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon” (Is 25,6), 12 thúng đầy tương ứng với 12 môn đệ phục vụ dân chúng hôm ấy. Việc các môn đệ thu nhặt lại số bánh và cá dư cho thấy bữa ăn này sẽ còn tiếp tục kéo dài để đón thêm những thực khách đông đảo hơn sau này.

4. CÂU HỎI:

1-Thánh lễ gồm có hai phần chính là những phần nào? 2-Câu nào cho thấy Đức Giê-su muốn các môn đệ của Người phải góp phần phục vụ dân chúng cả về phương diện thể xác? 3-Tại sao Đức Giê-su lại bảo môn đệ cho dân chúng ngả mình nằm thành từng nhóm 50 người? 4-Tại sao Đức Giê-su lại xử dụng 5 chiếc bánh và hai con cá do môn đệ góp để nhân ra nhiều? 5-Ngày nay những cử chỉ của Đức Giê-su làm trong phép lạ nhân bánh ra nhiều được Hội thánh lặp lại trong lễ nghi nào? 6-Trong Thánh lễ khi nào bánh rượu trở thành Mình Máu Thánh Chúa? 7-Trường hợp bánh rượu đã được truyền phép bị hư hỏng không ăn uống được, thì bấy giờ có còn là Mình Máu Thánh Chúa Giê-su nữa không? 8-Ta phải có thái độ nào đối với những mụn Bánh Thánh đã được truyền phép rơi xuống đất? 9-Mỗi ngày các tín hữu được rước lễ mấy lần? 10-Tại sao các tín hữu nên năng rước lễ mỗi ngày?

II. SỐNG LỜI CHÚA:

1. LỜI CHÚA: “Bấy giờ Đức Giêsu cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, ngước mắt lên trời, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho môn đệ để các ông dọn ra cho đám đông” (Lc 9,16).

2. CÂU CHUYỆN: “MÌNH THÁNH Ở TRONG LÒNG TÔI”

Thời kỳ cách mạng Pháp, có một cha xứ miền Bờ-ta-nhờ (Bretagne) đưa Mình Thánh Chúa đến cho một gia đình. Theo giúp Cha là một cậu bé tên là Ben-gia-manh (Benjamin). Bấy giờ cha xứ bị bọn lính phát hiện và đuổi theo gấp. Ngài vội dúi vào tay cậu bé chiếc hộp nhỏ có đựng Mình Thánh Chúa trước khi chạy trốn. Ssau đó cha đã bị bắt và bị giết chết. Bấy giờ cậu bé Ben-gia-manh vừa chạy vừa mở hộp lấy Mình Thánh Chúa bỏ vào miệng mà nuốt đi. Sau đó cậu bé cũng bị bắt và bị tra hỏi về nơi đã cất giấu Mình Thánh Chúa. Cậu hiên ngang chỉ tay vào người mình và nói rằng: “Mình Thánh Chúa đang ở trong người tôi đây này! Các ông hãy mổ ra mà lấy”. Bọn lính điên tiết đã đâm chết cậu bé rồi chôn vùi xác chết của hai cha con dưới một gốc cây sồi ở đầu làng. Một thời gian sau thì cuộc cách mạng đã dần dần lụi tàn và cuối cùng bị thất bại. Một hôm một cơn bão lốc xóay rất mạnh đã đốn ngã cây sồi cổ thụ kia, để lộ ra hai xác chết của cha xứ và cậu bé giúp lễ. Người ta đã phát hiện ra Mình Thánh Chúa vẫn đang còn ngự trong người cậu khi thấy thân xác cậu vẫn ngời sáng ánh hào quang.

3. SUY NIỆM:

+ THÁNH LỄ BỮA TIỆC THÁNH YÊU THƯƠNG: Đức Giê-su đã thiết lập bí tích này trong bữa ăn tối cuối cùng với các môn đệ trước khi chịu khổ nạn. Đang khi ăn, Người cầm lấy tấm bánh không men mà nói: “Này là Mình Thầy... Hãy cầm lấy mà ăn”. Rồi Người cầm lấy chén rượu nho mà nói: “Này là chén Máu Thầy... Hãy cầm lấy mà uống”. Cuối cùng Người truyền cho các ông: “Anh em hãy làm việc này để tưởng nhớ Thầy”. Từ đó, Hội thánh đã vâng lời Chúa cử hành bí tích Thánh Thể. Thánh lễ chính là bữa tiệc thánh trong đó Chúa dọn ra hai của ăn nuôi dưỡng đức tin của các tín hữu là Lời Chúa và Mình Thánh Chúa.

+ THÁNH LỄ TÁI DIỄN LỄ HY SINH THÁNH GIÁ: Đức Giê-su đã nói với các môn đệ khi thiết lập bí tích Thánh Thể như sau: “Đây là Mình Thầy sắp bị nộp vì anh em... Đây là chén Máu Thầy sắp đổ ra vì anh em”. Do đó khi rước lễ là chúng ta đã đón rước chính Đức Giê-su và được hiệp thông với Đấng đã chịu chết vì tội lỗi chúng ta và đã sống lại để phục hồi sự sống thiêng liêng cho chúng ta.

+ THÁNH LỄ TRONG CUỘC SỐNG HÔM NAY: Mỗi phút giây qua đi, có biết bao tấm bánh vật chất được bẻ ra để nuôi sống thân xác con người. Trong mỗi tấm bánh ấy cũng có bóng dáng của bánh Thánh Thể của Chúa Giê-su. Nếu ta siêng năng đến nhà thờ lãnh nhận Mình Thánh Chúa, thì trong đời thường chúng ta cũng sẽ dễ dàng chia sẻ tấm bánh vật chất cho tha nhân. Mỗi lần tham dự thánh lễ, chúng ta hãy kết hiệp với lễ vật là bánh rượu trên bàn thờ để dâng lên Thiên Chúa những nỗi lo toan vất vả, những đau khổ thể xác cũng như tâm hồn, cùng những người thân yêu và cả những kẻ bệnh tật nghèo đói... như những lễ vật đẹp lòng Thiên Chúa. Để sẽ được biến hóa nên Bánh Thánh nuôi dưỡng đức tin. Nhờ đó chúng ta sẽ dễ dàng thực thi bác ái là chia sẻ cơm bánh cho tha nhân, như Đức Giê-su đã truyền cho các môn đệ: “Các con hãy cho họ ăn đi”.

4. THẢO LUẬN:

1) Khi tham dự Thánh lễ, ta cần ăn mặc thế nào cho xứng đáng? Phải đến sớm hay trễ? Nên ngồi trong nhà thờ hay ngồi ở ngoài sân để hút thuốc và nói chuyện? 2) Ta cần đi dự lễ với thái độ thế nào? 3) Làm sao để việc rước lễ được sốt sắng và tránh mang tính hình thức bề ngòai? 4) Ta cần dọn mình trước và cám ơn sau khi rước lễ thế nào?

5. NGUYỆN CẦU:

- LẠY CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ. Chúa đã tự hiến để trở thành của ăn của uống thiêng liêng nuôi dưỡng đức tin của chúng con. Mỗi lần lên rước Chúa trong phần hiệp lễ, có những lúc chúng con cảm nhận Chúa thật ngọt ngào và êm ái biết bao! Thế nhưng cũng có những lúc tâm hồn chúng con lại khô khan nguội lạnh. Xin giúp chúng con siêng năng rước lễ cách sốt sắng, nhờ đó chúng con sẽ được Chúa bổ sức và sẽ tìm được sự bình an trong tâm hồn.

- LẠY CHÚA GIÊSU THÁNH THỂ. Chúa muốn chúng con kết hiệp mật thiết để được nên một với Chúa. Đòi hỏi đó làm cho chúng con cảm thấy lúng túng, vì cho tới nay chúng con vẫn chưa dứt bỏ được những thói hư tật xấu cùng những đam mê tội lỗi. Xin cho chúng con sẵn sàng nói không với những gì gian ác xấu xa thuộc về ma quỷ và năng đón rước Chúa mỗi ngày, để chúng con được sống và sống dồi dào trong ơn nghĩa Chúa, và sau này cùng được sống hạnh phúc mãi mãi với Chúa trên quê trời.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON

LM ĐAN VINH - HHTM

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C