CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

Sự cần thiết của sám hối

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 13:1-9)

          Trước hết chúng ta nêu lên một câu hỏi có lẽ không quan trọng, nhưng là nút cởi cho câu chuyện Tin Mừng hôm nay.  Đó là tại sao mấy người lại đến kể cho Chúa Giê-su nghe biến cố về những người Ga-li-lê bị Phi-la-tô giết và mười tám người bị tháp Si-lô-ắc đổ đè chết?  Phải chăng những người kể chuyện muốn bênh vực quan niệm thông thường cho rằng cái chết mấy người kia phải chịu là do Thiên Chúa trừng phạt vì họ là những kẻ tội lỗi?  Rõ ràng Chúa Giê-su chống lại quan điểm trên.  Những cái chết hay đau khổ không phải là tiêu chuẩn để xét đoán một người là tội lỗi hay không.  Nhưng cái chết thể lý không quan trọng bằng cái chết của linh hồn.  Điều này đưa tới một chân lý:  Nếu người ta không sám hối thì không những họ phải chịu cái chết thể xác là điều tự nhiên, mà còn phải hứng chịu cái chết đời đời trong hỏa ngục nữa!

          Đối phó với một quan niệm đã ăn sâu vào cả tôn giáo lẫn luân lý xã hội là một khó khăn.  Khi cho rằng Thiên Chúa trừng phạt nhãn tiền những người có tội, vô tình người ta đã chối bỏ những đặc tính của Thiên Chúa.  Người ta bóp méo hình ảnh của Thiên Chúa nhân lành.  Thi hành sứ vụ, Chúa Giê-su cố gắng rao giảng Tin Mừng cho chúng ta biết những chân lý đích thực về Thiên Chúa yêu thương và nhân từ.  Cha trên trời đã được Chúa Giê-su mô tả qua hình ảnh Thiên Chúa quan phòng, lo lắng chăm sóc cho chúng ta hơn cả người cha trần gian (Lu-ca 12:22-31).  Một Thiên Chúa giống như người cha chờ đợi đứa con hoang đàng trở về để tha thứ thì làm sao lại có thể vô cảm lấy đi mạng sống của “những người Ga-li-lê” và những người đứng dưới chân tháp Si-lô-ắc?  Hoặc nói theo suy tư của thánh sử Gio-an, nếu “Thiên Chúa là Tình Yêu” thì Người không thể hành xử phản tình yêu như thế được!  Chính Chúa Giê-su đã biểu lộ lòng thương xót của Thiên Chúa, khi Người đón tiếp và ăn uống với “phường tội lỗi và quân thu thuế” (Lu-ca 15).  Người là lòng nhân từ được nhập thể của Thiên Chúa.

          Cùng một câu chuyện và cùng một tai nạn, nhưng những người kể lại với Chúa và chính Chúa Giê-su lại có những quan điểm và kết luận hoàn toàn khác nhau.  Trong khi họ dễ dàng lên án kẻ khác thì Chúa Giê-su lại dạy phải khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi mình và thực tâm sám hối.  Chưa chắc những người Ga-li-lê bị Phi-la-tô giết và những người Giê-ru-sa-lem bị tháp Si-lô-ắc đè chết đã là những người tội lỗi hơn chúng ta.  Do đó, bài học từ những câu chuyện này là bài học sám hối.  Tội lỗi là tình trạng chung của mọi người.  Vấn đề là đứng trước thực tại tội lỗi của mình, chúng ta có quyết tâm hoán cải để tránh xa cõi chết đời đời mà trở về với Cha hằng sống đang ưu ái mời gọi chúng ta hay không.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Chúa kể dụ ngôn cây vả không giống như mấy người kể lại chuyện những người Ga-li-lê bị giết và chuyện những người bị tháp đè chết!  Dụ ngôn cây vả là một sứ điệp sám hối chứ không phải là một bản án tử hình.  Nếu xét theo thực trạng thì cây vả rõ ràng phải bị chặt đi vì lý do đầy đủ:  không sinh trái.  Chỉ là một câu chuyện rất đơn sơ, nhưng ý nghĩa thật phong phú.  Nó có thể áp dụng cho chúng ta theo những khía cạnh khác nhau.  Cây vả không sinh trái có thể là tình trạng tội lỗi chúng ta.  Cây vả cần được vun xới và bón phân là nhu cầu sám hối của chúng ta.  Cũng có thể một “người làm vườn” nào đó đang âm thầm giúp đỡ chúng ta để khỏi bị chặt đi.  Câu chuyện không cho biết cây vả có thực sự bị chặt đi hay không, nhưng gần như trăm phần trăm là nó vẫn tồn tại.  Điều này dạy chúng ta về lòng nhân từ và tha thứ của Thiên Chúa.

          Không hiểu khi đọc dụ ngôn này bạn thấy thế nào.  Còn tôi thì vừa sợ vừa mừng!  Sợ vì biết rõ mình xứng đáng bị chặt đi!  Mừng vì xác tín rằng Chúa giàu lòng thương xót, luôn kiên nhẫn dang tay đón tôi trở về.  Người lúc nào cũng đặt hy vọng vào tôi:  “May ra sang năm nó có trái”.  Tôi cũng mừng vì chắc chắn có “người làm vườn” giúp tôi.  Đó là Chúa Thánh Thần, Mẹ Ma-ri-a, một người thân trong gia đình, một người bạn, thậm chí cả kẻ thù của tôi nữa.  Tất cả đều trực tiếp hoặc gián tiếp giúp đỡ tôi, bằng lời cầu nguyện, gương sáng, nhắc bảo.  Tôi chỉ còn một việc phải làm:  xác tín cần phải sám hối và quyết tâm trở về!      

 

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C