CHÚA NHẬT PHỤC SINH

Đức tin vào sự Phục sinh của Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 20:1-9)

          Cùng một sự kiện, nhưng mỗi người nhìn nó dưới một khía cạnh hoặc quan điểm khác biệt.  Bài Tin Mừng về Phục Sinh do thánh Gio-an thuật lại cho chúng ta ba cái nhìn khác nhau của ba người:  bà Ma-ri-a Mác-đa-la, ông Phê-rô và “người môn đệ Chúa thương mến”.  Vậy ba người này đã trông thấy gì và đã phản ứng như thế nào trước những gì họ đã thấy tại ngôi mộ trống của Chúa Giê-su?

          Người đầu tiên là bà Ma-ri-a Mác-đa-la.  Bà là người đã được Chúa Giê-su giải thoát khỏi bảy quỷ, nghĩa là bà đã được Chúa chữa lành khỏi một căn bệnh hiểm nghèo (Lu-ca 8:2).  Bà cũng đứng dưới chân thập giá, dự cuộc mai táng Chúa và là người đầu tiên đã tới ngôi mộ trống.  Chỉ cần nhìn thấy ngôi mộ trống là bà nghĩ ngay tới chuyện không hay xảy ra:  “Người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu”.  Bà biểu lộ lòng yêu mến tuyệt đối với Chúa Giê-su, lo lắng thi thể Người bị lấy cắp.  Bà sợ mất Chúa, dù chỉ là một thân xác không còn sự sống, nhưng đối với bà thật quý giá vô cùng.  Bà hốt hoảng đến độ không thể nhớ được lời tiên báo của Chúa về cuộc Thương khó và Phục sinh.

          Người thứ hai là ông Phê-rô.  Ông được báo tin người ta đã đem Chúa đi khỏi mộ, liền vội vàng cùng người anh em môn đệ được Chúa thương mến chạy ra mộ.  Tới nơi, “ông vào thẳng trong mộ”.  Ông quan sát từng chi tiết, “thấy những băng vải để ở đó, và khăn che đầu Đức Giê-su.  Khăn này không để lẫn với các băng vải, nhưng cuốn lại, xếp riêng ra một nơi”.  Nhưng ông không đưa ra một nhận định nào hoặc biểu lộ một phản ứng nào.  Tất cả những gì ông Phê-rô nhìn thấy chỉ là những dấu chỉ, chứ không phải là bằng chứng nói lên sự sống lại của Chúa Ki-tô.  Như vậy là ông Phê-rô chưa nhận ra được điều những dấu chỉ ấy nói lên, bởi vì ông chưa rõ bằng chứng của sự phục sinh.  Bằng chứng của sự phục sinh là lời tiên báo của Chúa Giê-su và quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đấng làm cho Người được sống lại từ kẻ chết.

          Điều mà ông Phê-rô chưa vượt qua được để nhận ra Chúa Giê-su đã sống lại thật thì giờ đây chúng ta gặp được nơi “người môn đệ được Chúa thương mến”.  Người này chạy mau hơn và tới mộ trước ông Phê-rô.  Người này cúi xuống và “nhìn thấy những băng vải còn ở đó” trong mộ.  Ông không vào là để tôn trọng vai trò của ông Phê-rô, người làm chứng chính, còn ông chỉ là phụ.  Nhưng ông lại được diễm phúc làm “bước nhảy vọt của đức tin”, nghĩa là ông hiểu biết thực tại được nói lên do những dấu chỉ ông nhìn thấy.  “Ông đã thấy và đã tin”.  Từ thấy đi đến tin là bước nhảy và khoảng cách mà con người với sức riêng mình không thể nào vượt qua nổi.  Phải có sự can thiệp của Chúa.  Chúa đã can thiệp để người môn đệ được thương mến này hiểu được rằng:  “Theo Kinh Thánh, Đức Giê-su phải trỗi dậy từ cõi chết”.

          Dựa vào phản ứng của ba người có mặt tại ngôi mộ trống của Chúa Giê-su, chúng ta nhận được những chiều kích khác nhau của đức tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh.  Đức tin vào Chúa Phục sinh không chỉ dựa trên  tình cảm hời hợt, nhưng là lòng yêu mến chân thành.  Đức tin ấy cũng không loại trừ những hiểu biết thuộc trí óc, trái lại những suy nghĩ hiểu biết đóng góp vào việc phát triển đức tin.  Sau hết, nền móng và sức sống của đức tin cần phải đặt trên uy quyền của Lời Chúa là bằng chứng và bảo đảm cho chân lý Chúa Ki-tô phải trỗi dậy từ cõi chết.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Có một chi tiết tuy không quan trọng trong bài Tin Mừng, nhưng lại là hình ảnh đẹp, đó là chạy.  Bà Ma-ri-a Mác-đa-la chạy về báo tin.  Hai môn đệ cùng chạy ra mộ.  Đặc tính của đức tin là năng động.  Đức tin đòi hỏi chúng ta phải chạy.  Chạy để loan báo cho người khác biết về Chúa Ki-tô Phục sinh.  Chạy để biểu lộ lòng yêu mến Chúa Giê-su như bà Ma-ri-a Mác-đa-la đã làm.  Chạy để “thấy” và để “tin”.  Chạy để làm chứng cho niềm tin ấy bằng hành động cụ thể, như phục vụ anh chị em và những người nghèo khó.  Chạy để nói với mọi người hãy vui lên và lạc quan, vì đằng sau thánh giá là vinh quang, qua đau khổ là hạnh phúc trường sinh.  Tóm lại, chạy là động tác cần thiết của người đem Tin Mừng Phục Sinh.

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi