CHÚA NHẬT V PHỤC SINH

Yêu thương là tôn vinh Thiên Chúa

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Gio-an 13:31-33a,34-35)

          Qua bài Tin Mừng hôm nay, hình ảnh Chúa Giê-su như gương mẫu yêu thương vẫn luôn rõ nét:  Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.  Chỉ có một từ “như” thôi mà đã là đề tài cho bao nhiêu bài suy niệm!  Nhưng đọc đi đọc lại đoạn thứ nhất của bài Tin Mừng, chúng ta có thể thắc mắc tại sao Phụng vụ Lời Chúa đưa vào một đoạn xem ra không ăn nhập mấy với đề tài “hãy yêu thương” Chúa dạy cho các môn đệ Người.

          Trong đoạn này (câu 31-32), Chúa Giê-su nói đến việc tôn vinh:  tôn vinh Con Người và tôn vinh Thiên Chúa.  Sau khi Giu-đa, hình ảnh của ghen ghét và tham lam, đã “ra khỏi phòng tiệc”,  chỉ còn lại Chúa Giê-su và các môn đệ đích thực.  Đây là dịp để Chúa Giê-su trải lòng ra với các bạn hữu của Người.  Vì là giờ phút quan trọng nên Chúa Giê-su lựa chọn những điều cần nói nhất để tâm sự với họ.  Trước hết là sự kiện Con Người được tôn vinh.           “Giờ đây” của Chúa Giê-su đã đến.  Người sắp hoàn tất sứ mệnh với cuộc Thương khó, cái chết trên thập giá và sự Phục sinh vinh hiển.  Nhưng chính lúc Con Người được giương cao lên khỏi mặt đất, sẽ kéo mọi người lên với Người (Gio-an 12:32).  Chúa Giê-su, là Con Người và là Tình Yêu Thiên Chúa nhập thể, được tôn vinh trên thập giá.  Thập giá không còn là nỗi tủi nhục nữa, trái lại là phương tiện để tôn vinh Thiên Chúa, Đấng đã yêu thương nhân loại.  Sự kiện Chúa Ki-tô được tôn vinh trên thập giá và sự kiện Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người là hai điều không thể tách biệt.  Nếu Chúa Giê-su đã lấy cái chết trên thập giá để tôn vinh Thiên Chúa, thì đổi lại, vì Chúa Giê-su đã hạ mình và vâng lời Thiên Chúa nên “Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu” (Phi-líp-phê 2:9).  Điều quan trọng nhất trong việc tôn vinh Con Người và tôn vinh Thiên Chúa, đó là động lực tình yêu.  Vì yêu thương nhân loại trong Chúa Ki-tô, Thiên Chúa đã tôn vinh Con Người.  Để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa, Chúa Ki-tô đã bằng lòng chịu chết trên thập giá để tôn vinh Thiên Chúa.

          Như vậy, khi kể lại Chúa Giê-su nói về việc tôn vinh Thiên Chúa trước khi Người ban cho các môn đệ một “điều răn mới”, thánh Gio-an cho chúng ta thấy Chúa Giê-su không những là mẫu gương yêu thương qua cách thức yêu thương, mà còn là mẫu gương yêu thương qua mục đích yêu thương nữa, nghĩa là yêu thương để tôn vinh Thiên Chúa.  Do đó, đây quả thực là một điều răn mới, mới vì nó cho chúng ta thấy đích tới của yêu thương không dừng lại ở chúng ta, nhưng là vì vinh quang Thiên Chúa và lợi ích của tha nhân.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Tôn vinh tình yêu Thiên Chúa là một đề tài giúp chúng ta hiểu ý nghĩa Mầu nhiệm Phục Sinh.  Chúa Giê-su đã chịu đau khổ, chết và sống lại là để tôn vinh tình yêu Thiên Chúa.  Giờ đây Người muốn chúng ta bước theo Người trên con đường yêu thương để tôn vinh Thiên Chúa.  Trước khi ban điều răn mới, Chúa Giê-su đã long trọng nói đến mục đích của điều răn ấy.

          Nhìn lại cuộc sống yêu thương của chúng ta là môn đệ Chúa, chúng ta không khỏi mắc cỡ vì đã quên lời Chúa căn dặn:  “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này:  là anh em có lòng yêu thương nhau”.  Không sống yêu thương thì không phải là môn đệ Chúa.  Chúng ta không đến nỗi phải yêu thương đến độ “chết trên thập giá” như Chúa.  Nhưng chúng ta cũng có những cái chết nho nhỏ trên thập giá hằng ngày.  Người chồng hy sinh một chút thì giờ coi TV để vào bếp rửa chén giúp vợ.  Đứa con nhịn mua một bộ quần áo kiểu mới để bớt tiền cho cha mẹ.  Gia đình đến nhà thờ sớm hơn giờ lễ một chút để cầu nguyện.  Dành chút tiền để giúp công cuộc truyền giáo cho anh chị em dân tộc tại Việt Nam… Tất cả đều là những cái chết nho nhỏ trên thập giá nhằm mục đích tôn vinh Thiên Chúa.  Nếu Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta là để tôn vinh Thiên Chúa, thì chúng ta cũng phải yêu thương anh chị em để làm cho Cha trên trời được hãnh diện vì có những đứa con biết yêu thương nhau trên mặt đất này.  Hy vọng hôm nay chúng ta học thêm được về “điều răn mới” của Chúa Giê-su và đem thực hành trong đời sống hằng ngày!

           Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C