SỨ MẠNG CỦA BẢY MƯƠI [HAI] MÔN ĐỆ

(Luca 10,1-12.17-20 – CN XIV TN - C)

 

1.- Ngữ cảnh

          Vừa bắt đầu phần tường thuật cuộc hành trình lên Giêrusalem (9,51), tác giả Luca đưa vào truyện Đức Giêsu cử bảy mươi [hai] môn đệ đi để dọn đường cho Người (10,1-12). Trước đây, ta thấy Người đã phái Nhóm Mười Hai đi rao giảng và chữa lành (9,1-6). Bây giờ đến lượt bảy mươi [hai] môn đệ được sai đi. Bản văn kết thúc với những lời Đức Giêsu chúc dữ cho các thành thuộc miền Galilê và nhận xét của Người về các môn đệ như là đại diện cho chính Người và cho Đấng sai phái Người (10,13-15.16). Bản văn phụng vụ không đọc đoạn này.

 

2.- Bố cục

          Bản văn có thể chia thành ba phần:

1) Đức Giêsu chỉ định và sai phái bảy mươi [hai] môn đệ (10,1);

2) Đức Giêsu ban chỉ thị cho bảy mươi [hai] môn đệ (10,2-12);

          3) Những nhận định sau khi bảy mươi [hai] môn đệ đi giảng về (10,17-20). 

 

3.- Vài điểm chú giải

- Chúa (1): Danh hiệu kyrios được tác phẩm Lc-Cv dùng cho cả Đức Chúa (Yhwh) và Đức Giêsu. Dùng cho Đức Chúa (Yhwh) thì đã có trước Lc (x. Mc 11,9; 12,11.29.30.36; Lc 4,8//Mt 4,10 [thuộc Q]; Lc 4,12//Mt 4,7; Lc 10,27 [thuộc L]; 2 Cr 3,17-18). Đây là cách dịch Yhwh của Bản LXX. Tại Paléttina tiền Kitô giáo, người Do Thái gọi Yhwh bằng tiếng Híp-ri là ’âdôn, “Chúa”, tiếng A-ram là mârê’ hoặc mâryâ’, và tiếng Hy Lạp là kyrios. Rất có thể các Kitô hữu gốc Do Thái tại Paléttina đã chuyển danh hiệu “Đức Chúa” này từ Yhwh sang cho Đức Giêsu, đặc biệt trong tư cách Đấng Phục Sinh. Và như thế, điều này có nghĩa là lời tuyên xưng tiên khởi “Giêsu là Chúa” (1 Cr 12,3; Rm 10,9) là một câu đáp lại kêrygma tiên khởi. Dùng danh hiệu kyrios cho Đức Giêsu có nghĩa là đặt Người trên cùng một bình diện với với Yhwh, mà không đồng hóa Người với Yhwh, do chỗ không bao giờ Người được gọi là ’abbâ’.

          Khi so sánh với Mc (chỉ một lần dùng danh hiệu này cho Đức Giêsu: Mc 11,3), ta thấy Lc dùng thường xuyên (7,13.19; 10,1.39.41; 11,39; 12,42a; 13,15; 17,5.6; 18,6; 19,8a.31.34; [20,44]; 22,61 [2x]; 24,3.34); điều này khiến phải lưu ý. Ở đây, đơn giản là Lc sử dụng một danh hiệu nay đã thành thông dụng vào thời ông, như phần tường thuật của sách Cv cho thấy (vd: 1,21; 4,33; 514; 8,16…). Trong thời gian Đức Giêsu hoạt động công khai, nhiều người gọi Người bằng từ ở hô-cách[1] kyrie (5,8.12; 6,46 [2x]; 7,6; 9,54.59.61; 10,17.40; 11,1; 12,41; 13,23.25; 17,37; 18,41; 22,33.38.49). Trong các ví dụ này, không dễ gì mà xác định được từ nào phải dịch là “ngài” (theo nghĩa trần thế) và từ nào phải dịch là “Chúa” (theo nghĩa tôn giáo). Rất có thể vào lúc viết, tác giả Lc nhắm đến nghĩa tôn giáo, kể cả cho từ ở hô-cách.

          Đàng khác, ta phải ghi nhận rằng Lc còn trở ngược lại mà gán danh hiệu kyrios cho giai đoạn đầu của cuộc sống trần thế của Đức Giêsu: lời các sứ thần loan báo cho các mục đồng về “Chúa” ở Bêlem (2,11); lời bà Êlisabét chào Đức Maria là “Thân Mẫu Chúa tôi” (1,43); lời Đức Maria tự nhận mình là  “nữ tỳ của Chúa” (1,38). Các danh hiệu này đúng ra nhắm đến Yhwh.

          Khi sử dụng kyrios cho cả Yhwh lẫn Đức Giêsu trong tác phẩm, tác giả Lc nhận danh hiệu này theo nghĩa lâu nay vẫn được hiểu trong cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, tức là coi Đức Giêsu Phục Sinh ở trên cùng một bình diện với Yhwh. Khi rọi phóng danh hiệu này, một danh hiệu phát sinh từ cuộc Phục Sinh, ngược lại sau cho những phần đầu của truyện về Đức Giêsu, tác giả bao trùm tính cách của Đức Giêsu bằng một ảnh hưởng thật ra thuộc về giai đoạn ba của cuộc đời Người. 

- bảy mươi hai người khác (1): nghĩa là khác với Nhóm Mười Hai, nhưng cũng rất có thể khác với cả những sứ giả ở 9,52. “Bảy mươi” hay “bảy mươi hai”? Dù có áp dụng phương pháp phê bình văn bản, chúng ta vẫn không thể quyết định dứt khoát cho con số nào. Các thủ bản quan trọng hỗ trợ cho cả hai bên. Đọc vào các tác phẩm Kinh Thánh, ta thấy dường như số bảy mươi có ưu thế hơn: bảy mươi kỳ mục được Môsê chọn (Xh 24,1; Ds 11,16.24); bảy mươi con cháu của Giacóp (Xh 1,5; Đnl 10,22); bảy mươi năm (Dcr 7,5 [?]). Con số bảy mươi hai chỉ xuất hiện chính thức một lần khi sách Ds (31,38) nói đến số bò bê phải dâng cho Đức Chúa. Tuy nhiên, dường như bản văn Cựu Ước nằm đàng sau con số là St 10,2-31, là danh sách các dân trên thế giới: bản văn Híp-ri thì đọc là “bảy mươi”, còn Bản LXX lại đọc là “bảy mươi hai”. Dù sao, tác giả TM III đặt sứ mạng phổ quát của Hội Thánh của ông trên nền tảng là sứ mạng của Đức Giêsu.

- cứ từng hai người một (1): Người ta nói rằng tập tục đi hai người với nhau là của người Do Thái, nhưng ta không thấy trong Cựu Ước có tập tục này. Đi từng cặp có thể là để nâng đỡ lẫn nhau trên đường; nhưng theo nghĩa mạnh hơn, đó là để làm chứng (vì pháp luật đòi phải có chứng của hai người: Đnl 19,15; Ds 35,30. Xem trường hợp Phaolô và Banaba: Cv 13,1; Phaolô và Xila: Cv 15,40; Phêrô và Gioan: Cv 8,14; Banaba và Máccô: Cv 15,40; Giuđa và Xila: Cv 15,32). 

- Lúa chín đầy đồng (2): Theo TM Lc, đây là một hình ảnh của thời gian trong đó việc rao giảng về Nước Thiên Chúa được thực hiện (x. 8,15.16-17). Đã đến giờ loan báo Nước Thiên Chúa cách rộng rãi và con số người chấp nhận sứ điệp sẽ đông. Trong Cựu Ước, mùa gặt là một hình ảnh nói về việc Thiên Chúa xét xử muôn dân vào thời cánh chung (Ge 4.1-13; Is 27,11-12).  

- hãy xin chủ mùa gặt (2): Chỉ thị này hàm ý là công việc của Đức Giêsu và sứ mạng của các môn đệ nằm dưới sự quan phòng của chính Thiên Chúa: Ngài đang tạo ra một giai đoạn mới trong việc rao giảng nhằm cứu độ và Ngài sẽ là thẩm phán vào “ngày ấy” (c. 12).

- như chiên con đi vào giữa bầy sói (3): Hình ảnh này gợi ra những nguy hiểm, chống đối, thù nghịch, đi theo hoạt động của các môn đệ, cũng như hoạt động của chính Đức Giêsu.

- đừng chào hỏi ai dọc đường (4): Người ta giải thích lệnh này nhiều cách. (1) Các môn đệ không được mất giờ vào việc nói chuyện với dân chúng vì mùa màng cần phải gặt gấp. Họ chỉ nên gửi lời chào đến các nhà và các thành thôi (x. 2 V 4,29). (2) Các môn đệ phải tập trung vào việc rao giảng và chữa lành, chứ không vào những vấn đề trần thế. Quan hệ do việc rao giảng về Nước Thiên Chúa đòi hỏi không được đo lường bằng thái độ lịch sự hay những lời chào hỏi. (3) Đây là một lưu ý về thái độ thù nghịch mà các môn đệ Đức Giêsu, trong tư cách là những tiền hô của Người, phải sẵn sàng đối mặt. 

- bình an (5): Cần hiểu “bình an” này theo nghĩa của từ shalôm trong Cựu Ước (do ngữ căn shlm, có nghĩa là “sự đầy đủ, sự toàn vẹn”), diễn tả lòng quảng đại của Thiên Chúa đang hiện diện và hoạt động nhằm cứu độ. Và diều này được thực hiện cụ thể nhờ công trình cứu độ của Đức Giêsu (x. 7,50; 8,48; 24,36).

- ai đáng hưởng bình an (6): dịch sát là “con cái của sự bình an”, tức là một người mở ra và có thể đón nhận hoa trái ơn cứu độ do Đức Giêsu mang đến.

- bình an của anh em (6): nghĩa là sự bình an anh em mang đến trong tư cách sứ giả của Thầy.

- vào bất cứ thành nào (10): Cả thành phải đối diện với lời rao giảng và việc chữa lành. Các  môn đệ phải làm một hành vi công khai.

- nghe đến danh Thầy (17): dịch sát là “trong / với danh Thầy”, nghĩa là khi kêu cầu danh Thầy. Viêc dùng danh Đức Giêsu trở thành một đề tài quen thuộc trong Cv (3,6; 4,10.17-18.30; 5,40; 9,27).

- Thầy đã thấy Satan như một tia chớp từ trời sa xuống (18): Ta có thể hiểu câu văn này theo hai cách: a) “Thầy đã thấy Satan sa xuống như một tia-chớp-từ-trời”: “từ trời” bổ nghĩa cho “chớp” và “trời” là nơi xuất phát “chớp” (P. Joüon; F.W. Lewis); b) “Thầy đã thấy Satan như một tia chớp từ trời sa xuống”: cách dịch này gợi đến kiểu Cựu Ước mô tả Satan như  “kẻ đối lập”, một công chức của triều đình thiên quốc của Yhwh có nhiệm vụ tố cáo loài người (G 1,6-12; 2,1-7; Dcr 3,1-2); vậy cách dịch này muốn nói rằng Satan đã bị trục xuất khỏi vai trò đó (Fitzmyer). Cách dịch này hợp lý hơn.

          Đây không phải là một thị kiến của Đức Giêsu tiền hữu, bởi vì sự tiền hữu của Người không được Lc để ý đến trong TM, cũng không phải là một thị kiến Đức Giêsu có trong một lúc xuất thần trong thời gian đi hoạt động. Đây cũng không phải là một thị kiến báo trước về một điều sẽ xảy ra trong cuộc phán xét cuối cùng. Đúng hơn, Đức Giêsu “thấy” đây là một cách nói biểu tượng nhằm tóm tắt các hiệu quả mà các môn đệ đã đạt được khi đi thi hành sứ vụ.

- rắn rết, bọ cạp (19): Ở Paléttina, ai cũng biết rắn và bọ cạp là nguồn gây ra sự dữ thể lý, nhưng Cựu Ước dùng như biểu tượng để nói về mọi thứ sự dữ (x. Đnl 8,15; Ds 21,6-9; Hc 21,2; 1 V 12,11.14; Hc 39,30).

- tên anh em đã được ghi trên trời (20): Lời này gợi ý tới một hình ảnh của Cựu Ước: quyển sách sự sống ở trên trời, ghi tên những người thuộc về dân Thiên Chúa (Xh 32,32-33; Tv 69,28; 56,9; 87,6; Is 4,3; 34,16; Đn 12,1; Ml 3,16-17; Tân Ước dùng lại: Pl 4,3; Dt 12,23; Kh 3,6; 13,8; 17,8; 20,12.15; 21,27).

 

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Đức Giêsu chỉ định và sai phái bảy mươi [hai] môn đệ (1)

          Ngoài việc sai phái Nhóm Mười Hai đi rao giảng và chữa lành (Lc 9,1-6), TM III kể rằng Đức Giêsu có chọn và cử một nhóm môn đệ khác (bảy mươi hay bảy mươi hai người) đi trước để dọn đường cho Người (10,1-12). Tuy Lc mô tả Đức Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem, tác giả không bao giờ cho biết các môn đệ được sai phái đi đâu và sau đó từ đâu trở về. Nhưng qua việc sai phái nhóm môn đệ này, ta hiểu là Đức Giêsu và sứ điệp của Người nhắm đến toàn thể nhân loại.

 

* Đức Giêsu ban chỉ thị cho bảy mươi [hai] môn đệ (2-12)

          Đây là bản văn nhắc lại những chỉ thị ban cho Nhóm Mười Hai ở Lc 9,1-6, nhưng nêu bật hai điểm quan trọng: tính cấp bách và thái độ thù nghịch. Các môn đệ phải đi từng hai người một vì phải hành động trong tư cách chứng nhân. Các ông không được để cho các trở ngại làm chùn bước khi đi rao giảng về Nước Thiên Chúa. Việc chữa lành và loan báo phải làm nhanh như những thợ gặt phải nhanh tay thu hoạch lúa chín về kho. Các ông phải hiểu rằng các ông không được cử đi để làm những bổn phận xã hội, bởi vì những gì các ông phải giảng và phải làm sẽ đặt các ông ra một bên. Các ông sẽ không có giờ mà chào hỏi như quen làm, hay để ý tới loại lương thực các ông sẽ dùng, hoặc tìm nơi trú ngụ tiện nghi hơn. Sứ điệp các ông phải truyền đạt là: “Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần các ông”. Cung cách các ông làm việc là cung cách của các thợ gặt đang vội gặt lúa kẻo lúa bị hư đi. Tuy nhiên, các ông được cử đi như chiên con đi vào giữa bầy sói, nghĩa là không có phương thế tự vệ, như những thọ tạo yếu đuối đứng trước những tấn công gần kề.

Cc. 5-7 bàn đến cách cư xử của các môn đệ trong các nhà; còn cc. 8-9 bàn đến lối sống của các ông trong các thành phố.

Dường như lý do khiến tác giả Lc viết bản văn lặp lại này (“điệp văn”) là sứ mạng rao giảng không chỉ dành riêng cho Nhóm Mười Hai; những “người khác” cũng sẽ tham gia vào việc làm chứng cho Đức Giêsu và cho Lời của Người. Đây là chiều hướng của sách Cv.

Đức Giêsu không tức khắc truyền các môn đệ rao giảng và chữa lành. Vừa ghi nhận “lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít” xong, Ngài bảo các ông hãy cầu nguyện để xin Thiên Chúa sai thợ gặt đến. Việc gặt lúa là công việc của Thiên Chúa; các môn đệ chỉ là những người thợ được cử đến làm việc mà thôi. Như thế, kết quả của công việc thu hoạch không những lệ thuộc vào sự cộng tác của các ông, mà còn tùy thuộc vào lời cầu nguyện của các ông nữa. Chủ ruộng là Thiên Chúa (người ta phải rao giảng Nước của Ngài). Ở 8,11, Lời của Ngài được ví với hạt giống gieo vào lòng đất. Bây giờ việc rao giảng về Nước được gián tiếp so sánh với một mùa gặt. Đến đây ta ghi nhận rằng Đức Giêsu nhấn mạnh trên nhu cầu có các môn đệ như là các cộng sự viên; còn bản thân Người là người được sai đi rao giảng (4,18) nay sai những “người khác” đi, và đi đông người (10,1); các ông sẽ là những đại diện của Người (10,16).

Các chỉ thị kết thúc bằng một ghi nhận mang giọng đe dọa so sánh các thành đã từ chối các môn đệ tương tự thành quê hương Người là Nadarét, đã từ chối sứ điệp của Người, hoặc  làng Samari nọ đã không tiếp đón Người khiến các môn đệ muốn xin lửa trời xuống thiêu hủy (9,53-54), với một thành Cựu Ước trứ danh, là Xơđom, đã bị lửa và diêm sinh thiêu rụi (St 19,24). Vào ngày phán xét, Xơđom với tất cả sự gian ác của thành lại được xử khoan hồng hơn các thành kia vì họ đã loại trừ những đặc sứ của Thiên Chúa. Lời đe dọa này trở thành điểm tựa cho những lời nguyền rủa sau đó (nhưng Phụng vụ không đọc ở đây).

Đến đây, cộng đoàn Kitô hữu thời tác giả Lc thấy những nỗ lực truyền giáo của họ được liên kết với sứ mạng của chính Đức Giêsu. Như vậy, công việc rao giảng của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi được bén rễ trong giáo huấn và lệnh truyền này của Đức Giêsu.

 

* Những nhận định sau khi bảy mươi [hai] môn đệ đi giảng về (17-20) 

          Tác giả đã gắn vào truyện Đức Giêsu sai phái “bảy mươi [hai] người khác” một lời tường thuật về việc các ông trở về, phần báo cáo của các ông về kết quả mỹ mãn, và ba lời bình của Đức Giêsu về báo cáo của các ông cho biết những hiệu quả đạt được trong tư cách đại diện của Người. Người ta không thể bỏ qua một bên, sự tương phản giữa sự việc Xatan từ trời rơi xuống và việc tên các môn đệ được ghi trên trời, và bên kia, sự tương phản giữa điều đi theo “danh” Người và hậu quả của công việc họ làm, là “tên” của họ thực sự được ghi trên trời.    

          Đức Giêsu tóm các hiệu quả của sứ vụ của bảy mươi [hai] ông bằng hình ảnh Xatan bị trục xuất khỏi ngai (c. 18). Sau đó (c. 19), Người giải thích thêm sự thất bại của tà thần: trong tư cách đại diện của Đức Giêsu, các môn đệ có “quyền” trên mọi dạng biểu lộ của tà thần (thể lý, biểu tượng, và nhân học). Nhận xét cuối cùng của Đức Giêsu (c. 20) đưa sứ vụ của các môn đệ vào đúng viễn tượng thiên giới: lý do khiến các ông vui mừng là vì chính Thiên Chúa đã ghi tên các ông vào sổ hằng sống, vào danh sách những kẻ được Ngài ưu ái. Đức Giêsu lái sự chú ý của các môn đệ ra khỏi những tư tưởng về một thành công lẫy lừng, gây cảm giác mạnh, để đi đến một nhận định về tư cách của họ trên trời. Có quyền lực trên ma quỉ không bảo đảm cho có sự sống; được ghi tên vào sổ sự sống mới là điều đáng kể.    

 

+ Kết luận

Các đòi hỏi của Đức Giêsu với bảy mươi [hai] môn đệ giống với những đòi hỏi đối với Nhóm Mười Hai (9,1-6). Hẳn đây cũng là những yêu cầu mà các nhà thừa sai mọi thời phải đáp ứng: loan báo hòa bình thiên sai và Nước Thiên Chúa đang đến, trong sự dịu êm và nghèo khó, nhân ái và phục vụ, vô vị lợi và chấp nhận nếp sống bấp bênh, thiếu tiện nghi và an toàn. Chỉ với cái giá này, các môn đệ mới đạt được chiến thắng trên Thần Dữ và công trạng được Thiên Chúa ghi nhớ.

 

5.- Gợi ý suy niệm

1. Đức Giêsu đã ghi nhận:  “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít”. Tuy nhiên, Người lại mời các môn đệ cầu xin chủ mùa gặt gửi thợ đến. Như thế, Ngài nhắc các ông nhớ rằng Thiên Chúa là Chúa của dân chúng và tất cả những gì liên hệ đến dân chúng thì đều ở dưới quyền chúa tể của Thiên Chúa. Ai muốn thật sự giúp đỡ dân chúng, thì không thể tự mình đi theo sáng kiến riêng và nhân danh mình, nhưng phải được chủ mùa gặt sai đi.  

2. Chính Đức Giêsu đã sai các môn đệ đi. Người xử sự như là chủ mùa gặt. Thật ra Người làm nhân danh Thiên Chúa và làm vì lòng từ bi thương xót đối với dân. Các môn đệ ra đi phải chu toàn sứ mạng theo chiều hướng này.

3. Hành lý các môn đệ mang theo chẳng có gì, ngoài sứ điệp phải truyền đạt. Các ông không là gì khác ngoài tư cách sứ giả của sứ điệp này và các ông không mang theo gì ngoài sứ điệp này. Rõ ràng các ông cần một hành trang và một nơi cư ngụ. Tuy nhiên, các ông không được đòi hỏi gì và bận tâm gì cả. Các ông chỉ phải hoàn toàn quan tâm đến sứ điệp của các ông mà thôi. Một đòi hỏi phải nghèo khó, khiêm nhường và chấp nhận yếu đuối như thế, thì ngược lại với cám dỗ muốn đạt hiệu năng bằng mọi giá.

4. Việc loan báo Tin Mừng không  thể là chuyện của một cá nhân riêng lẻ mà là việc của một cộng đoàn, cho dù ở dạng phôi thai. Không người môn đệ nào có thể tự cho rằng mình có sứ điệp Kitô giáo và có thể phản ảnh được hết sự phong phú của sứ điệp. Chính là trong đối thoại mà tôi sẽ nói về một vị Thiên Chúa đã chấp nhận đối thoại với loài người cho đến độ trở thành một người trong loài người.

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

 



[1] Vocative.


Suy Niệm Lời Chúa Năm C