LỜI KINH TUYỆT VỜI

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN, năm C

Lc 11, 1-13

 

Mỗi tôn giáo đều có những kinh nguyện, những lời cầu xin và những phương cách cầu nguyện riêng.Đạo Công giáo đã luôn đi theo đường lối của Chúa Giêsu, Đấng sáng lập Đạo, Ngài đã dạy các môn đệ, các tông đồ kinh lạy Cha như là lời kinh tuyệt vời nhất.Do đó, chúng ta hãy cầu nguyện với tâm tình thống hối, tôn thờ, cảm tạ và xin ơn.

 

Chúa Giêsu trong suốt cuộc hành trình rao giảng Tin Mừng, Ngài luôn cầu nguyện, cả cuộc đời của Ngài là lời cảm tạ tri ân không ngừng. Ngài đã làm gương cho các tông đồ, làm gương cho nhân loại về việc cầu nguyện.Khi các tông đồ xin Chúa dạy các ngài cầu nguyện, Chúa dạy các ngài kinh lạy Cha. Kinh lạy Cha cho thấy Chúa dạy các tông đồ và nhân loại tâm tình và cách sống thế nào để xứng đáng là con cái Thiên Chúa, đáng gọi Thiên Chúa là Cha, và chúng ta phải xin Chúa những điều gì.

 

Chúa dạy chúng ta phải gọi Thiên Chúa là Cha vì Abba “ Cha ơi “ là lời thưa thân thương nhưng đầy lòng tôn kính bởi Chúa là Cha của chúng ta, yêu mến chúng ta, nên chúng ta phải yêu mến Chúa, tôn thờ Chúa. Ngài dựng nên vũ trụ, con người, Ngài điều khiển, hướng dẫn, cai quản mọi sự trên trời dưới đất.Nên, chúng ta phải kính thờ, tin tưởng, mến yêu Chúa.

Chúa dạy chúng ta nhận biết Danh Chúa, nhận biết Thiên Chúa là Cha, do đó, chúng ta cầu xin cho Danh của Chúa được cả sáng, Danh Chúa được vinh hiển và cho mọi người được nhận biết Nước Thiên Chúa. Ngài dạy như thế để chúng ta hiểu những gì chúng ta phải xin, những gì chúng ta cần xin và những gì cần xin trước, những gì xin sau.

 

Cầu xin không phải chỉ là xin ơn, chỉ là liệt kê những điều chúng ta muốn xin, nhưng Chúa dạy chúng ta phải kiên trì cầu nguyện, tức là nhẫn nại chờ đợi. Chúa dạy chúng ta phải có thái độ cầu nguyện liên lỉ, không ngừng, kiên trì, nhẫn nại. Chúng ta cầu nguyện không phải Chúa không nghe chúng ta, hay Chúa làm ngơ, Chúa không biết chúng ta xin gì, cần gì nhưng Chúa muốn củng cố đức tin cho chúng ta. Chúa muốn chúng ta chờ đợi với lòng tin sâu xa. Nếu chúng ta cầu xin mà vẫn chưa thấy gì thì không phải Chúa không muốn ban cho chúng ta nhưng Ngài muốn chúng ta nhẫn nại, xem đức tin của chúng ta thế nào, lòng trông cậy của chúng ta có vững chắc không ? Thực tế, khi cầu nguyện, chúng ta cứ tưởng Chúa phải chiều ý, phải ban cho chúng ta những điều chúng ta xin. NhưngThiên Chúa luôn nghe lời và Ngài ban cho chúng ta theo Ngài phân định, nghĩa là khi chúng ta xin ơn này, Chúa thấy chưa cần, Ngài lại ban cho chúng ta một ơn khác. Hoặc có lúc chúng ta xin nhưng Chúa lại cho chúng ta điều cần thiết mà chúng ta không nghĩ tới. Có lúc chúng ta cầu xin nhưng chờ hoài, chờ mãi Chúa vẫn chưa ban vì Chúa muốn tăng thêm, củng cố đức tin cho chúng ta.

 

Sống ở thế gian, nhiều khi chúng ta cầu nguyện nhưng Chúa chưa ban ơn, chúng ta nản lòng hay có lúc chúng ta còn dám phàn nàn cả Chúa nữa, còn dám trách móc kêu la Chúa nữa. Chúng ta thiếu kiên nhẫn, chúng ta chưa phó thác, chưa dám tin tưởng tuyệt đối vào Chúa.Chúng ta nên biết rằng Chúa nhân từ và giầu lòng thương xót, Ngài luôn yêu thương và muốn điều gì lợi ích nhất cho linh hồn chúng ta. Chính vì thế, khi cầu nguyện chúng ta phải luôn đặt tin tưởng, cậy trông và phó thác vào sự quan phòng tuyệt đối của Chúa.

 

Cha Pierre Emonet s.j. đã viết :” ...Những ai hướng lòng trí về Thiên Chúa, không có gì đảm bảo rằng họ sẽ đạt được tất cả những gì mình mong muốn, nhưng chắc chắn một điều rằng họ sẽ được một phần thưởng không hề hư mất, đó là Thánh Thần. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho ta những điều quí giá dù ít hay nhiều, và Người ban cho Ta sự bất ngờ, lý trí và sức mạnh sống, mà qua đó Người ban cho ta Thần Khí theo cách riêng của Ngài “.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin day chúng con cầu nguyện và tăng thêm đức tin cho chúng con để chúng con biết tin tưởng, cậy trông và phó thác vào sự quan phòng của Chúa. Amen.

 

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Cầu nguyện là gì ?

2.Chúa Giêsu đã dạy chúng ta cầu nguyện thế nào ?

3.Khi cầu nguyện có phải chúng ta chỉ xin ơn không ?

4.Thiên Chúa là Cha có nghĩa gì ?

5.Chúng ta có cần cầu nguyện không ? Tại sao ?


Suy Niệm Lời Chúa Năm C