CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN

Cửa hẹp là lối sống của Chúa Ki-tô

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 13:22-30)

          Thiên Chúa mở cửa ơn cứu độ cho mọi người, không trừ ai.  Kế hoạch cứu độ của Người được khởi sự từ dân Do-thái và mở rộng cho muôn dân.  Cho nên đáng lẽ dân Do-thái phải là những người đầu tiên được diễm phúc đi qua cửa ấy mà vào Nước Thiên Chúa.  Nhưng thực tế không phải như vậy, như Chúa Giê-su đã ám chỉ dân Do-thái là những người “bị đuổi ra ngoài” trong khi “thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa”.  Sở dĩ có tình trạng như vậy cũng là vì “cửa hẹp” của Nước Thiên Chúa.  Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật trước, Chúa Giê-su không ngần ngại          cho mình là lý do gây nên chia rẽ, và hôm nay hiểu theo một ý nghĩa nào đó, Người đã mặc nhiên khẳng định mình là “cửa hẹp”.  Hay nói đúng hơn, lối sống của Người và các môn đệ được ví như “cửa hẹp” qua đó người ta mới vào được Nước Thiên Chúa.

          Trong bài giảng về “Mục tử Nhân lành”, Chúa Giê-su đã chẳng tuyên bố Người là “cửa chuồng chiên” (Gio-an 10:7), để chiên qua đó mà ra vào và được sống hay sao?  Đối với Ít-ra-en Mới, tức là toàn thể nhân loại, Thiên Chúa đã đặt Chúa Giê-su làm “cửa chuồng chiên”, đồng thời cũng làm Mục tử Nhân lành để dẫn dắt họ về Nhà Cha.  Chúa Giê-su đã được sai đến trần gian và quy tụ người ta làm môn đệ Người, đưa người ta đi theo lối sống của Người.  Cũng như đòi họ phải đi qua cửa hẹp, Chúa Giê-su đã công khai thách đố những ai muốn làm môn đệ Người.  “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo” (Lu-ca 9:23).  Như vậy, khi Chúa Giê-su nói “hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào” thì cũng giống như “hãy từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày” mà thôi!  Chúng ta cứ thử tưởng tượng ra một cánh cửa hẹp duy nhất và một đám đông chen chúc nhau đi qua.  Chắc chắn là một cuộc chiến gian nan vất vả.  Nào là phải nhanh chân, phải bỏ lại những hành lý không cần thiết, phải tránh khỏi bị đạp giẵm lên nhau mà chết.  Phải yêu thương kẻ thù.  Phải buông ra nhiều thứ:  tiền bạc, danh vọng, hận thù, những thú vui trần gian… và biết bao nhiêu kẻ nội thù trong đời sống thiêng liêng.  Đó là chưa kể đến kẻ thù ma quỷ luôn tìm cách gạt gẫm, mời gọi chúng ta theo chúng mà đi trên con đường thênh thang dẫn đến diệt vong (Mát-thêu 7:13).

          Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa có thời hạn.  “Khi chủ nhà đã đứng dậy và khóa cửa lại” cũng là thời điểm phán xét và kết thúc.  Lúc ấy, những người đã không chịu làm môn đệ Chúa Giê-su và đã không qua cửa hẹp của Người mà vào Nước Thiên Chúa, lại đứng trước cửa hẹp và khiếu nại rằng mình đã từng “quen biết” Người!  Phải, họ đã từng được ăn uống với Người, từng được nghe Người giảng dạy, nhưng họ chẳng khi nào chịu “từ bỏ mình, vác thập giá mà theo Người”.  Không phải cứ mang danh con cháu của các tổ phụ Do-thái, hoặc mang danh “Ki-tô hữu” là đương nhiên được vào Nước Thiên Chúa đâu!  Đấy đích thực là một cảnh báo cho tất cả những ai vỗ ngực là Ki-tô hữu mà không hề sống theo đường lối của Chúa Ki-tô vậy.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Bài Tin Mừng hôm nay có thể làm chúng ta hơi nản lòng một chút.  Chúng ta phải “chiến đấu” là điều không mấy ai thích.  Rồi qua cửa hẹp đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ rất nhiều.  Thêm vào đó là cảnh “khóc lóc nghiến răng” của nhiều con cái các tổ phụ Do-thái, vì họ bị đuổi ra ngoài.  Nhưng thực ra Chúa Giê-su đã cho chúng ta một Tin Mừng vĩ đại:  Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa!  Chúng ta mừng vì ơn cứu độ là phổ quát.  Chúa đã ban cho chúng ta một ân huệ lớn lao, là mọi người đều được mời gọi và có khả năng làm môn đệ Chúa Giê-su.  Tuy là “cửa hẹp”, nhưng không phải là không thể đi qua.  Để qua được cửa hẹp, chúng ta hãy để cho Chúa Giê-su uốn nắn chúng ta.  Tác giả thư Do-thái đã khích lệ chúng ta:  “Con ơi, đừng coi nhẹ lời Chúa sửa dạy, chớ nản lòng khi Người khiển trách, vì Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy” (Do-thái 12:5-6).  Chắc chắn Chúa sẽ “sửa dạy” chúng ta để làm sao chúng ta trở nên vừa với khuôn “cửa hẹp” mà vào dự tiệc đời đời của Cha trên trời.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C