CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN

Bài học khiêm nhường từ một bữa tiệc

 

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 14:1,7-14)

         Trời đánh còn tránh miếng ăn.  Nhưng thật là nực cười vì một bữa tiệc vẫn có thể là cơ hội để Chúa Giê-su dạy cho người ta một bài học!  Bài học hôm nay về đức khiêm nhường rút ra từ sự kiện “khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi”.

         Ngày xưa việc sắp xếp chỗ ngồi cho khách dự tiệc cưới thường là tùy nghi, chứ không có bảng tên của khách được để trên bàn tiệc như ngày nay.  Nhưng điều không thể thiếu là thế nào cũng có một vài bàn dành riêng cho những người vị vọng, gọi là cỗ nhất.  Những người xứng đáng ngồi bàn này sẽ được chủ nhà đích thân dẫn đến và mời ngồi vào cỗ nhất.  Nếu vậy thì trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay, những người tự ý chọn ngồi vào cỗ nhất là những người cho rằng mình xứng đáng ngồi ở đó, hay nói khác đi là những người “tự tôn mình lên”.  Trái với hạng người tự tôn là người khiêm nhường.

         Phụng vụ Lời Chúa hôm nay đã trích một đoạn trong sách Huấn ca dạy về đức khiêm nhường, tuy chỉ là lời khuyên đơn sơ nhưng rất tuyệt vời (3:17-18,20,28-29).  Đoạn Kinh Thánh nêu lên một vài lợi ích và mấy điều thực hành thực tế.  Trước hết đối với người đời, người nhũn nhặn khiêm tốn “sẽ được mến yêu” hơn người kiêu căng.  Kinh nghiệm đời sống hằng ngày cho chúng ta thấy rõ điều này.  Đối với Thiên Chúa, người khiêm tốn càng làm lớn lại càng tự hạ, nên “sẽ được đẹp lòng Đức Chúa”, vì thái độ và việc họ làm không phải để vinh danh mình, nhưng để phục vụ và tôn vinh Chúa.  Ngoài ra có hai việc người khiêm nhường cố gắng thực hành trong đời sống.  Thứ nhất, họ “để tâm nghiên cứu các ẩn dụ”.  Không phải là họ nghiền ngẫm những vấn đề lớn lao như những nhà bác học hay chuyên môn, nhưng nói một cách dễ hiểu đó là học hỏi Lời Chúa và đem ra thực hành trong đời sống.  Một điều khác hết sức thực tế, là họ “ao ước có tai thính để nghe”.  Lắng nghe là thái độ của người khiêm nhường.  Đối với họ, lắng nghe là hạ mình xuống để đón nhận ý kiến, lời khuyên và thậm chí cả những lời sửa sai của người khác.  Nhất là đối với Lời Chúa, lắng nghe sẽ giúp cho người khiêm nhường rút ra được không biết bao nhiêu bài học phong phú từ Kinh Thánh.  Chúa nói với chúng ta qua Kinh Thánh, còn Chúa Thánh Thần vẫn tiếp tục vai trò linh hứng khi giúp chúng ta hiểu và suy niệm Lời Chúa, đồng thời cũng dẫn chúng ta vào những tâm tình cầu nguyện để uốn nắn tâm hồn chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô.

Sống sứ điệp Tin Mừng

         Chúa Giê-su từng kể dụ ngôn tiệc cưới để nói về việc Chúa mời gọi mọi người lãnh nhận ơn cứu độ.  Bài Tin Mừng hôm nay cũng nói về một bữa tiệc, nhưng thái độ kiêu căng của những người tranh nhau chọn ngồi vào cỗ nhất và bài học Chúa Giê-su dạy về sự khiêm nhường hẳn phải làm cho chúng ta suy nghĩ về thái độ của chúng ta đối với bữa tiệc ơn cứu độ Chúa thết đãi chúng ta.  Giống như những người Pha-ri-sêu tự cho mình là thánh thiện và chu toàn lề luật, nên đáng ngồi cỗ nhất, nhiều khi chúng ta cũng mang tính tự tôn ấy mà khinh thường những anh chị em “tội lỗi” hoặc kém đạo đức trong cộng đoàn.  Trái lại, nhìn nhận thân phận tội lỗi hoặc “hạ mình xuống” mới là thái độ căn bản giúp chúng ta tin vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, vì Chúa đâu có đến để kêu gọi những người công chính, nhưng kêu gọi những người tội lỗi.

         Những lời Chúa Giê-su nói với kẻ đã mời Người một cách nào đó có lẽ ám chỉ về chúng ta là “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù” đã được Thiên Chúa, Ông Chủ hào phóng, mời vào dự tiệc cưới Nước Trời.  Những hình ảnh “khiêm nhường” này nói lên thân phận đích thực của chúng ta, tuy bất xứng, nhưng lại được tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa rộng lượng cứu độ.  Vậy đứng trước tình yêu hải hà ấy, chúng ta lại càng phải khiêm nhượng xác tín mình cần đến Chúa.  Nếu Chúa Ki-tô đã đi con đường khiêm nhường trút bỏ vinh quang và thập giá để cứu độ chúng ta, thì chúng ta cũng phải lấy lòng khiêm nhường nhìn nhận thân phận tội lỗi của mình mà cố gắng bước theo tiếng gọi Tin Mừng và làm môn đệ Chúa Ki-tô.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi