ĐỨC GIÊSU MẠC KHẢI LÒNG THƯƠNG XÓT QUA ƠN BAN BÌNH AN

CHÚA NHẬT II PHỤC SINH – KÍNH LÒNG THƯƠNG XÓT

(Cv 5,12-16; Kh 1,9-13.17-19; Ga 20,19-31)

Jos. Vinc. Ngọc Biển

Trong Đêm Vọng Phục Sinh vừa qua, Giáo Hội công bố Tình yêu của Thiên Chúa trải dài trên nhân loại và trong cuộc sống của con người ngang qua các bài đọc trong phần phụng vụ Lời Chúa.

Hôm nay, Chúa Nhật II Phục Sinh, Giáo Hội cử hành đại lễ kính Lòng Thương Xót của Thiên Chúa. Qua thánh lễ này, Mẹ Giáo Hội muốn làm cho bản trường ca tình yêu của Thiên Chúa một lần nữa rõ nét hơn nơi trái tim và lòng dạ thương xót của chính Chúa Giêsu, Đấng hiện thân lòng Thương Xót của Thiên Chúa.

1.   Thiên Chúa có tên là Tình Yêu

Nói đến Thiên Chúa, ấy là chúng ta nói đến bản chất của Người là “Tình Yêu”. Chính thánh Gioan đã khẳn định như thế trong thư của ngài: “Thiên Chúa là Tình Yêu”.

Vì yêu, Ngài đã tạo dựng trời đất muôn vật; đã tuyển chọn Israel làm dân riêng; đã nghe thấy tiếng van xin thống thiết của dân Người và đã ra tay giải thoát, dẫn đưa họ từ Ai cập trong thân phận nô lệ trở về Đất Hứa, nơi tràn trề sữa và mật; đồng thời nuôi sống họ bằng Manna và chim cút; vì yêu, Thiên Chúa đã không chấp nhất những tội vô ơn bạc nghĩa của dân...

Bởi lẽ, ở đâu tội lỗi tràn đầy, ở đó ân sủng chứa chan gấp bội, và lòng thương xót của Thiên Chúa luôn phủ lấp muôn vàn tội lỗi, sẽ tẩy trắng như tuyết, sạch như bông..., nên Thiên Chúa đã không bỏ rơi kẻ tội lỗi, không oán giận, không trả thù bằng sự giận dữ hay chừng phạt, nhưng xót xa vì họ lầm đường lạc lối, đau đớn vì họ đang đi đến hố diệt vong!

Vì thế, nhiều lần nhiều cách,  Người đã gửi các ngôn sứ, thẩm phán, vua chúa ... để nhắc nhở và mời gọi dân đi trong đường lối thương xót của Thiên Chúa. Cuối cùng, Thiên Chúa đã trao ban chính Con Một của Người là Đức Giêsu, Ngài đã đến trần gian trong thân phận của con người, để dạy dỗ, yêu thương, tha thứ,  chữa lành bệnh tật... và đồng hành với chúng ta trong mọi biến cố của cuộc đời. Đỉnh cao của lòng thương xót ấy chính là cái chết đau thương trên thập giá vì con người... Và cũng chính tình yêu, Ngài đã khai mở Giáo Hội ngang qua lưỡi đòng đâm thâm. Chính từ cạnh sườn, Máu và Nước của lòng dạ xót thương đã chảy ra để lộ hiện dung mạo Lòng Thương Xót của Thiên Chúa, nhằm khai sinh và nuôi dưỡng Giáo Hội bằng chính nguồn sung mãn của lòng thương xót...

  1. Trao ban bình an là trao ban lòng dạ thương xót của Thiên Chúa

Không dừng lại ở đó, lòng thương xót của Thiên Chúa đã làm cho Đức Giêsu sống lại để chứng minh con đường cứu chuộc của Thiên Chúa nơi lịch sử cứu độ, trong cuộc đời, sứ vụ, sự chết và sự sống lại của Đức Giêsu được móc nối chặt chẽ trên cùng một con đường tình yêu, được khởi đi và kết thúc do lòng thương xót của Thiên Chúa.

Nên ngay sau khi sống lại, Đức Giêsu đã trao chuyển lòng thương xót của Thiên Chúa cho các môn đệ qua ơn ban bình an. Vì: tình yêu là bản chất của Thiên Chúa; thì lòng thương xót chính là biểu hiện của tình yêu và nhân loại được mời gọi sáp nhập, dìm mình vào trong đại dương lòng thương xót ấy ngang qua sự bình an sâu thẳm của tâm hồn.

Tin Mừng hôm nay trình thuật việc Đức Giêsu hai lần hiện ra với các môn đệ. Cả hai lần, Ngài đều trao ban bình an cho các ông.

Khi trao ban cho các ông sự bình an, Đức Giêsu muốn cho các ông bình tâm để nhận ra lòng thương xót của Thiên Chúa ngang qua lịch sử cứu độ, và nhất là trên chính cuộc đời của từng người, để các ông đọc lại cuộc đời của mình và dân tộc mình trên nền tảng thương xót cảu Thiên Chúa để các ông chan chứa niềm tin và hy vọng, ngõ hầu can đảm làm chứng về lòng thương xót của Thiên Chúa, và nhất là nơi cuộc thương khó và phục sinh của Thầy Giêsu.

Muốn có được điều đó, các ông cần đón nhận sự bình an của Đức Giêsu trong tâm tình của những người có đức tin và lòng mến, chứ không như theo quan niệm thói đời về sự bình an khi phỏng chiếu nó theo kiểu may rủi...

Thật vậy, sự bình an mà Đức Giêsu trao tặng, chính là một ơn cao trọng, biểu lộ tình yêu và lòng dạ thương xót của Thiên Chúa, để nở hoa tình yêu và kết trái tha thứ. Thế nên, bản chất của nó khác xa một lời chào hay một nghĩa cử xã giao. Điều này chính Đức Giêsu đã nói:  “Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như kiểu thế gian ban” (Ga 14,27).

Khi bình an của Đức Giêsu được trao ban và những ai được đón nhận, thì sự bình an ấy sẽ sinh hoa trái và làm cho người đón nhận được biến đổi. Điều này ta thấy diễn biến của tâm trạng Tôma, từ một người cứng lòng tin, đến nỗi ông thách thức luôn cả Đấng Phục Sinh!!! Tuy nhiên, Đức Giêsu thấu hiểu nỗi yếu đuối của ông, bởi vì qua biến cố Ngài chịu khổ nạn, tinh thần của Tôma đang hoảng loạn và hoài nghi mọi chuyện, nên Đức Giêsu một lần nữa đem lòng quý mến ông, thương xót ông, nên đã hiện ra và đáp ứng nhu cầu hiếu tri của người môn đệ cứng tin. Tôma đứng trước Đấng đầy lòng thương xót và được nghe thấy Thầy của mình không trách móc, nhưng lại yêu thương và mời gọi ông, cho ông được đặc ân sỏ ngón tay và lỗ đinh, thọc bàn tay vào cạnh sườn... Đến lúc này, Tôma đã đụng chạm được vào tận căn của lòng thương xót nơi Thầy mình, vì thế, ông đã thốt lên: “Lậy Chúa là Thiên Chúa của con” (Ga 20,28).

Đây là một lời tuyên xưng đức tin nơi tâm hồn bình an thực sự của Tôma. Cũng chính vì lời tuyên xưng đầy tin tưởng này mà Đức Giêsu đã trao ban mối phúc lòng thương xót: “Vì con đã thấy Thầy nên con đã tin; nhưng phúc cho những ai đã không thấy mà đã tin” (Ga 20,29).

Như vậy, hai lần hiện ra, Đức Giêsu đều muốn các ông rồi mai đây sẽ trở thành chứng nhân của lòng thương xót, ngang qua cuộc sống và hành động của chính mình, để Thầy và trò cùng đi chung con đường thương xót, nhằm trải dài ơn cứu chuộc của Thiên Chúa cho nhân loại.

  1. Sống và thi hành sứ điệp lòng thương xót của Thiên Chúa trong cuộc đời Kitô hữu

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã nói: “Trong bất cứ thời kỳ lịch sử nào, và cách riêng trong thời hiện tại chúng ta đang sống, Giáo Hội phải coi một trong những nhiệm vụ chính yếu của mình là rao truyền và thể hiện Lòng Chúa Thương Xót đã được mạc khải một cách tuyệt vời trong Đức Kitô.”

Khám phá ra sứ điệp thương xót của Đức Giêsu ngang qua lời cầu chúc bình an cho các môn đệ, mỗi người chúng ta cũng hãy xin ơn bình an đó cho chính mình, và loan truyền sự bình an sâu thẳm ấy cho anh chị em chúng ta.

Đây là sứ mạng của mỗi chúng ta! Chúng ta không được dửng dưng với lòng thương xót và cũng không được thờ ơ khi thấy con người, nhân loại hôm nay vô tâm, quay lưng lại với lòng thương thương xót của Thiên Chúa. Chính Đức Giêsu đã nói với thánh nữ Faustina: “Ta khao khát lòng thương xót của Ta được tôn thờ (NK, 998) ; Hãy công bố sự tôn kính lòng thương xót của Ta cho mọi tạo vật (NK 1572). Người nào tín thác nơi lòng thương xót của Ta, thì sẽ không bị tàn lụi, vì tất cả những việc của người đó đều là việc của Ta, và những kẻ thù của họ đều sẽ bị tan tác dưới bệ chân Ta (NK,723). “Ta đòi hỏi con việc làm cho lòng thương xót phát xuất từ tình yêu đối với Ta. Con sẽ tỏ bày lòng thương xót với những người chung quanh con, mọi nơi mọi lúc. Con không được lùi bước hay biện hộ hoặc tự miễn trách nhiệm cho bản thân việc đó. Ta ban cho con ba cách sử dụng lòng thương xót đối với người thân cận: Thứ nhất – bằng việc làm; thứ hai – bằng lời nói; thứ ba – bằng lời cầu nguyện. Trong cả ba cấp đó cần chứa đựng đầy lòng thương xót, và đó là bằng chứng không thể nghi ngờ được của tình yêu dành cho Ta” (NK, 742).

Lạy Chúa Giêsu, Đấng hiện thân của lòng thương xót Thiên Chúa, con xin tín thác nơi Ngài. Amen.


Suy Niệm Lời Chúa Năm C