ai là Người thân cận của tôi?

(Luca 10,25-37 – CN XV TN - C)

 

1.- Ngữ cảnh

          Đức Giêsu vừa mới đặt đối lập các môn đệ như là “những người bé mọn” với “các bậc khôn ngoan thông thái” (Lc 10,21); Người tuyên bố rằng các môn đệ có phúc vì được thấy được nghe nhiều điều mà các ngôn sứ và vua chúa không được (10,23-24). Nay tác giả Lc tiếp tục phần tường thuật hành trình lên Giêrusalem bằng cách giới thiệu một trong các vị thông thái để ông này hỏi Đức Giêsu và trắc nghiệm giáo huấn của Người (10,25-28). Mối phúc được công bố trên các môn đệ nay được nối tiếp bằng một đoạn văn mang tính khuyến thiện nói về sự sống đời đời và tình yêu đối với Thiên Chúa và người thân cận. Sau đó, do vị thông luật còn cật vấn, Đức Giêsu đã kể Dụ ngôn Người Samari nhân hậu (10,29-37) để minh họa đòi hỏi của tình yêu. Đây là bản văn của riêng tác giả Lc.

 

2.- Bố cục

Bản văn có thể chia thành hai phần chính:

1) Điều kiện để được sống đời đời (10,25-28):

- Người thông luật đặt câu hỏi (c. 25),

- Đức Giêsu trả lời bằng câu hỏi (c.26),

- Người thông luật trả lời bằng cách trích Kinh Thánh (c. 27),

- Đức Giêsu xác nhận (c. 28);

2) Dụ ngôn người Samari nhân hậu (10,29-37):

- Người thông luật cật vấn (c. 29),

- Đức Giêsu kể dụ ngôn để đưa tới câu hỏi (cc. 30-36),

- Người thông luật trả lời (c. 37a),

- Đức Giêsu xác nhận (c. 37b).  

 

3.- Vài điểm chú giải

- thử (25): Động từ ekpeirazein, “test”, để diễn tả một thái độ thù nghịch. Chính câu hỏi về người thân cận mới là cái bẫy giăng ra cho Đức Giêsu.

- Ngươi phải yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi (27): Trước tiên, vị thông luật trích Đnl 6,5 theo Bản LXX. Đây là phần mở đầu của kinh Shema, tức là lời tuyên xưng đức tin mà người Do Thái đọc mỗi ngày hai lần.

Các phương diện của con người được nói đến ở đây phải được hiểu theo nghĩa Cựu Ước: kardia, “tim, lòng”, là những phản ứng cảm xúc nhanh nhạy của con người; psychê, “linh hồn”, là sinh lực và khả năng nhận thức; ischys, “sức lực”, là chiều hướng bản năng, và dianoia, “trí khôn”, là khả năng trí tuệ và lên kế hoạch. Tổng hợp lại, các phương diện này muốn diễn tả toàn thể con người.

- yêu mến người thân cận như chính mình (27): Câu đáp thứ hai này trích Lv 19,18b (vẫn theo Bản LXX), nhưng nối với câu trước như một đơn vị duy nhất. Không có chỗ nào trong Cựu Ước liên kết hai điều này với nhau cả. Chính Đức Giêsu đã xác nhận cách làm này, và như thế Người đã đơn giản hóa mà cũng là đào sâu 613 quy định của Lề Luật.

Trong sách Lêvi, “người thân cận” ở thế song đối với “những con cái của dân ngươi”, nghĩa là người Israel. Ở Lv 19,34,  tình yêu có mở rộng đến cả “ngoại kiều” (gêr) trong xứ (x. Đnl 19,10), nhưng không mở ra với những người khác, chẳng hạn các gôyîm, “các dân [ngoại]”.

- Cứ làm như vậy (c. 28): Động từ poiei thuộc lối mệnh lệnh, thì hiện tại, có nghĩa là đây là một mệnh lệnh tổng quát, một quy tắc sống phải theo thường xuyên.

- là sẽ được sống (28): nghĩa là được sống đời đời. Chỉ người nào đưa điều răn yêu thương ra thực hành thì mới đạt được sự sống. Động từ zêsê (“anh sẽ được sống”) rất có thể gợi đến Lv 18,5 là câu có lời hứa ban sự sống cho ai vâng phục các quy tắc và quyết định của Đức Chúa. Như thế, những lời Đức Giêsu nói đã thêm vào một lời khuyên cho lệnh truyền của Lề Luật vì lệnh truyền này vẫn còn có tính lý thuyết. Và đây chính là bài giáo lý tác giả Lc nhắm gửi đến cho độc giả Kitô hữu.

- người thân cận (29): Plêsion, “người ở gần”; “người hàng xóm”. Lv 19,18 dùng từ Hípri rea‘ có nghĩa là “người bạn, đồng nghiệp”, nói chung là người thuộc về cùng một khung cảnh sống và được liên kết với ta bởi những dây quan hệ tích cực.

- từ Giêrusalem xuống Giêrikhô (30): Theo sử gia Gioxép (J.W. 4.8,3 § 474), còn đường này dài khoảng 150 stadia (một dặm [stadion] dài 192m) đi qua vùng “sa mạc và lởm chởm đá”. Giêrikhô, “thành phố chà là” (2 Sb 28,15), nằm kề ranh giới miền Pêrê, dọc theo một tuyến đường giao thông quan trọng, là một điểm chiến lược mà đế quốc Rôma quan tâm trong việc cai trị Giuđê. Tại đây người ta dễ gặp các nhân viên của đế quốc hoăc các sĩ quan, binh lính Rôma. Thành này không phải là Giêrikhô thời Cựu Ước (= Tell es-Sultan), mà là thành được Hêrôđê Cả thiết lập khoảng một dặm rưỡi về phía nam trên bờ tây của cánh đồng Giođan.

- một thầy tư tế (31): Rất có thể thầy đã xong thời gian phục dịch tại Đền Thờ Giêrusalem, nay đang đi về nhà. Truyền thống kinh sư sau này cho biết Giêrikhô là nơi có một số tư tế cư ngụ.

- một thầy Lêvi (32): Tên này lúc đầu chỉ một thành viên của chi họ Lêvi, tức một con cháu của người con thứ ba của Giacóp (St 29,34). Trong Cựu Ước, danh hiệu “thầy Lêvi” thường được dùng để gọi những người không thuộc dòng dõi Aharon, nhưng được giao cho làm những việc lặt vặt liên hệ đến việc phụng tự và các nghi thức ở Đền Thờ.

- tránh qua bên kia mà đi (31.32): Động từ anti-par-erchomai diễn tả một chuyển động “ở bên cạnh” (para), nhưng “ở bên kia” (anti). Hai vị đã đi bên cạnh người bị nạn, nhưng ở phía bên kia đường, để khỏi phải tiếp xúc.

- người Samari (33; x. 9,52): tức dân cư Samari. Samari là kinh đô của vương quốc phía Bắc do vua Omri sáng lập vào khoảng năm 870 tCN. Sau này, tên gọi “người Samari” (HL. Samaritês) trở thành một tên gọi mang tính chủng tộc và tôn giáo để chỉ những người cư ngụ trong miền đất giữa Giuđê và Galilê, về phía tây sông Giođan. Sự đoạn tuyệt giữa người Samari và người Do Thái được giải thích khác nhau tùy mỗi bên. Thường người ta cho rằng có sự chia lìa đó là do có việc đế quốc Átsua đưa người Do Thái đi lưu đày sau khi chiếm được đất nước năm 722 tCN và đưa những người không phải là Do Thái vào làm thực dân ở trong miền đó (2 V 17,24). Có lẽ cũng do đó mà sau này những người ở lại quê nhà đã phá những người Do Thái hồi hương khi những người này xây lại thành và Đền Thờ Giêrusalem (x. Er 4,2-24; Nkm 2,19; 4,2-9). Dù thế nào, những người Samari chỉ chấp nhận Bộ Ngũ Thư là Kinh Thánh và đã xây một đền thờ trên núi Garidim (Tell er-Râs) vào thời Hy Lạp (đền này đã bị phá hủy dưới thời Gioan Hiếccanô, khoảng năm 128 tCN).

- chạnh lòng thương (33): Động từ splanchnizesthai có nghĩa là “đau lòng, lòng quặn thắt”. Đây là một xúc cảm mạnh mẽ, như tâm tình của người mẹ thấy lòng dạ quặn thắt trước nỗi đau của người con. TM Lc chỉ dùng động từ này thêm hai lần nữa, cho Đức Giêsu khi Người gặp bà góa Nain (7,13) và cho người cha nhân hậu trong dụ ngôn (15,20). Trong các Tin Mừng Nhất Lãm khác, động từ này luôn luôn được dùng để nói về một phản ứng của Đức Giêsu (x. Mt 9,36; 14,14; 15,32; 20,34; Mc 1,41; 6,34; 8,2; 9,22). Trong Mt 18,27, tác giả nói rằng ông chủ “chạnh lòng thương” trước lời van nài của con nợ.

- lại gần (34): Động từ pros-erchomai, có nghĩa là “làm cho mình ra gần với”, đối lại với động từ anti-par-erchomai, được dùng 2 lần, có nghĩa là “tránh qua bên kia mà đi”.

- quán trọ (34): Pan-docheion dịch sát chữ là “nơi đón tiếp mọi người”. “Chủ quán”, pandocheus, theo nghĩa chữ là “người đón tiếp mọi người”.

- trở về (35): Động từ ep-an-erchomai diễn tả hành trình của người trở lại điểm khởi hành.

 

4.- Ý nghĩa của bản văn

Cách sỉ nhục trầm trọng nhất đối với một người Do Thái là gọi người ấy là một vị thần hoặc là một người ngoại giáo. Cách tồi tệ tiếp theo là gọi người ấy là một “người Samari”. Gọi một người Do Thái là một người Samari thì chẳng khác nào gọi người ấy là đồ con hoang, một kẻ bỏ đạo, một kẻ lạc giáo. Đức Giêsu có đủ lý do để coi khinh người Samari, vì họ đã bỏ các truyền thống của tiền nhân, đã để cho đạo giáo của họ lây nhiễm thói tục ngoại giáo và sống trong tình trạng ô uế về tế tự.

 

* Điều kiện để được sống đời đời (25-28)

Chuyện xảy ra khi một vị thông luật (nomikos) hỏi Đức Giêsu: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (c. 25). So với Mt 22,34-40, độc giả nhận thấy vị thông luật không hỏi về điều răn lớn nhất, có lẽ vì quá chuyên môn và liên hệ đến những vấn đề thuộc Do Thái giáo, nhưng lại lấy lại câu hỏi mà truyền thống Nhất Lãm đặt trên môi người giàu có, liên hệ đến cách đạt được sự sống đời đời (x. Mt 19,16 // Mc 10,17 // Lc 18,18). Thế rồi tác giả lại làm cho cuộc đối thoại nên phức tạp hơn, vì không đặt trực tiếp câu trả lời trên môi Đức Giêsu, nhưng lại để Người trả lời bằng hai câu hỏi, với mục đích kéo người đối thoại vào trong cuộc. Cách đối thoại này diễn tả rất tốt khung cảnh của một dụ ngôn, là nhắm giúp triển khai tiệm tiến cuộc đối thoại và đào sâu việc giải thích điều răn.

Vị thông luật không hỏi để biết điều mà hẳn là ông không biết, nhưng hỏi để kiểm tra  (ekpeirazein) ý kiến của Đức Giêsu. Thế nhưng vị Thầy lại chuyển trả lại câu hỏi, đưa ông ấy đến chỗ phải diễn tả rõ ra tư tưởng của ông. Ông liền trích dẫn hai đoạn Lề Luật, tức là Ngũ Thư. Đoạn thứ nhất, là Đnl 6,5, thuộc về lời kinh Do Thái cổ điển được coi như một lời tuyên xưng đức tin căn bản (“Nghe đây, Israel”: Đnl 6,4-9); trái lại, bản văn thứ hai, lấy từ Lv 19,18, dẫn xuất từ một hợp tuyển các điều răn bên trong “Bộ Luật tư tế về sự thánh thiện” (Lv 17–26). Đặt hai điều răn này bên nhau (Mt 22,38-39 nhấn mạnh thêm) là do truyền thống Kitô giáo, nhưng tác giả Lc đặt ngay trên môi vị thầy Do Thái với ý cho thấy ông rất chuyên về lý thuyết. Phản ứng của Đức Giêsu là một lời bình tích cực, chuẩn nhận cách “đọc” bản văn Kinh Thánh như thế, nhưng Người thêm một lệnh thực tiễn: “Cứ làm như vậy là sẽ được sống” (c. 28). Để được thừa hưởng sự sống đời đời, biết lý thuyết mà thôi thì không đủ; điều cần thiết là bền chí thực hành lý thuyết ấy mãi mãi.

 

* Dụ ngôn người Samari nhân hậu (29-37)

Cảm thấy bị mất mặt vì phải tự tìm câu trả lời, vị thông luật chuyển sang bình diện suy lý, để biện minh cho chính mình (dikaiôsai heauton). Cứ theo nội dung của bài tường thuật, dường như vị thông luật đã tự bôi xấu mình, khi đặt một câu hỏi sơ đẳng mà chắc chắn ông biết trả lời; chính vì thế, ông đưa ra một xác định để nêu bật tính phức tạp của câu hỏi, ông muốn tập trung sự chú ý vào câu hỏi về “người thân cận, plêsion”: “Ai là người thân cận của tôi?” (c. 29). Ai thuộc về khối những người mà tôi phải yêu thương như chính mình tôi? Dường như ông xác tín rằng phải có những giới hạn trong số những người mà ông phải yêu thương. Đối với người Do Thái, chỉ người đồng hương mới được coi như là người thân cận, và người ta mới phải yêu thương và giúp đỡ; còn những người ở xa Israel và các kẻ thù của Israel thì chắc chắn không phải là những “người thân cận”. 

Vẫn tỏ ra mình làm chủ cuộc tranh luận, Đức Giêsu coi câu hỏi của vị thông luật là quan trọng, và vì nhắm phục vụ công cuộc cứu độ các linh hồn, Người trả lời bằng dụ ngôn “Người Samari nhân hậu”.

Con đường đi từ Giêrusalem xuống Giêrikhô dài khoảng 27 cây số, băng qua sa mạc và gần một ốc đảo (đi mất khoảng 5 giờ). Cho đến cuối thế kỷ xx, đây là một con đường không an toàn, thường xuyên bị các đám cướp tấn công. Một người vô danh (anthrôpos tis), không rõ địa vị, nòi giống, quốc tịch và tôn giáo, đã rơi vào tay bọn cướp. Ông bị đánh nhừ tử, rồi bị bỏ mặc bên vệ đường dở sống dở chết: đây là một tình cảnh hết sức quẫn bách. Nói rằng một con người ở trong tình cảnh ấy cần được giúp đỡ, và ai giúp đỡ người ấy là thân cận của người ấy, điều này thật rõ ràng trước mắt mọi người. Hai người đi qua đó, một thầy tư tế và một thầy Lêvi (cc. 31-32), hai người Israel đàng hoàng và có những ý tưởng rõ ràng về Thiên Chúa và đạo giáo. Các vị đã “thấy” (idôn) con người nằm đó dở sống dở chết, nhưng đã sang bên kia đường mà tiếp tục bước đi (antiparêlthen). Có thể hai vị sợ bị tấn công cướp bóc hoặc ngại là bị nhiễm uế. Sự bận tâm đến sự an toàn và sự tiện nghi thì mạnh hơn lòng đồng cảm đối với người bị nạn. Họ đều nhận ra hoàn cảnh có vấn đề, nhưng không đến gần và không đi vào tương quan. Họ đã trở nên vô cảm trước những người đang gặp cảnh khốn cùng.

 Con người tích cực xuất hiện với một sự đối lập rõ nét; ông thuộc về nhóm Samari, tách biệt khỏi người Do Thái và bị người Do Thái khinh là lạc giáo. Đức Giêsu không gọi ông là một “người Samari nhân hậu”, mà chỉ là một “người Samari” thôi. Ông cũng đang đi đường (hodeuôn), ông cũng có những chương trình của ông. Nhưng khi “thấy” (idôn) kẻ bị nạn, giống như vị tư tế và thầy Lêvi cũng đã “thấy”, ông đã đẩy mọi sự khác vào bình diện thứ hai, để chỉ còn thấy tình trạng cần kíp của con người đang nằm trên đường dở sống dở chết. Ông đau lòng (esplanchnisthê) trước tình cảnh đáng thương, ông tìm mọi cách để kéo anh ta ra khỏi tình trạng nguy kịch càng nhanh càng tốt. Lòng thương của ông được cụ thể hóa qua tất cả những hành vi được mô tả kỹ lưỡng: ông “lại gần” (pros-erchomai). Ông đã tận dụng tất cả những gì ông có để cứu giúp người bị nạn (dầu, rượu, con lừa, bạc; cc. 33-34). Ông đã quên công việc với những bận bịu của ông, để lo cho kẻ xấu số. Sau đó, ông còn đưa nạn nhân đến quán trọ, rồi xin chủ quán săn sóc cẩn thận, hứa sẽ trở lại (ep-an-erchomai) và thanh toán mọi chi phí.

Đức Giêsu đã cố tình chọn một người Samari làm kiểu mẫu. Hạng người lạc đạo ấy, không hể có kiến thức của nhà luật học, cũng không có phẩm cách của vị tư tế hay thầy Lêvi, lại tỏ ra hết sức nhân ái và đạo đức. Ông đã thực hành hai điều răn lớn của Cựu Ước về dức mến. Do đó, chính ông mới đáng được gọi là người Israel chân chính.

Đức Giêsu cho thấy rằng trong vấn đề yêu thương, không thể vạch ra một giới hạn chính xác. Người không nêu ra những tiêu chí, xác định một con số giới hạn gồm những kẻ mà ta phải yêu thương. Như trong những trường hợp khác, Người thay đổi hướng nhìn, mở rộng chân trời. Vị thông luật hỏi: “Ai là người thân cận của tôi, kẻ mà tôi phải yêu thương?”. Đức Giêsu đảo ngược câu hỏi: “Ai đã tỏ ra là [ai đã trở thành] người thân cận với người đã bị rơi vào tay kẻ cướp?”. Như thế, Người đã thay đổi tầm nhìn. Dụ ngôn và câu hỏi cuối cùng của Đức Giêsu hoàn toàn trả lời cho câu hỏi đầu tiên của vị thông luật: “Thưa Thầy, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?” (c. 25).

Những lời cuối cùng của Đức Giêsu gặp lại lời “Cứ làm như vậy là sẽ được sống” (c. 28) và tóm tắt sứ điệp của Người: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (c. 37). Hãy trở thành người thân cận đối với kẻ đang có nhu cầu và bạn sẽ “được sự sống đời đời làm gia nghiệp” (c. 25).

 

+ Kết luận

Trong lãnh vực yêu thương người thân cận, người ta không được nghĩ từ bản thân, nhưng phải khởi đi từ nhu cầu thực tế của bất cứ người nào ta gặp trên đường ta đi. Chỉ khi đó, đời sống ta mới trở thành con đường đưa tới cuộc sống vĩnh cửu. Vị thông luật tưởng có thể giữ cuộc tranh luận trên bình diện lý thuyết, nào ngờ Đức Giêsu đã đưa được ông về bình diện những thực tại sống động và đặt ông trước một chọn lựa: “Ông hãy đi, và cũng hãy làm như vậy” (c. 37). Ông không bao giờ ngờ được rằng đời thường có thể đặt ông trước những chọn lựa éo le không sao tránh né được!

 

5.- Gợi ý suy niệm

1. Đối với Đức Giêsu, sự sống đời đời là một thực tại quyết định. Bởi vì nếu không có sự sống đời đời, nếu không có trách nhiệm trước Thiên Chúa hằng sống, thì rốt cuộc người ta xử sự thế nào trên con đường đưa tới Giêrikhô cũng chẳng quan trọng gì. Chẳng bao lâu người ta sẽ quên đi mọi sự. Sẽ chẳng có ai cật vấn tôi và tôi sẽ chẳng phải trả lẽ với ai cả. Nhưng trách nhiệm trước mặt Thiên Chúa không phải là chuyện xa lạ với thế giới; trách nhiệm này đưa tới trung tâm của đời sống hiện tại của chúng ta và quy định hình thức của đời sống này. Nó quy định điều gì là đúng và điều gì là sai trên đường đưa tới Giêrikhô. Không có trách nhiệm này, chỉ còn một vấn đề duy nhất là làm thế nào sống càng lâu càng tốt và sống càng thoải mái càng tốt.   

2. Ta không thể nói: “Người thân cận của tôi có thể còn là người bà con đời thứ ba; người cư ngụ cùng đường phố với tôi; người cùng làm việc trong một xí nghiệp với tôi; người có thiện cảm với tôi, v.v.”. Đức Giêsu không chấp nhận những giới hạn cho tình yêu thương đối với người khác. Tôi không được suy nghĩ khởi đi từ chính bản thân: “Tôi còn buộc phải làm cho ai điều gì? Tôi [còn] phải giúp đỡ ai? Kể từ điểm đó, chuyện ấy không còn dính dáng đến tôi nữa?”. Không phải là bậc họ hàng hoặc mối thiện cảm sẽ quy định ai là người thân cận của tôi, nhưng là tình trạng cần được giúp đỡ thực sự trong đó người kia đang lâm vào. Bất cứ ai xuất hiện trên đường tôi đi, mà đang ở trong tình trạng quẫn bách, đều là người thân cận mà tôi phải yêu thương và giúp đỡ.   

3. Muốn thực sự giúp đỡ người lâm nạn, người ta phải dấn thân vào trọn vẹn. Việc ấy có thể làm cho ta phải mất thì giờ, tốn phí tiền bạc, gây phiền toái, làm xáo trộn sự yên tĩnh cũng như chương trình, thậm chí có thể kèm theo một nguy hiểm cho mình nữa. Nhưng đấy chính là thực sự yêu thương người thân cận, một tình yêu đưa đến sự sống đời đời. Như thế, phải luôn mở mắt và có trái tim sẵn sàng để nhận ra được rằng ai đang thật sự cần được tôi giúp đỡ và tôi phải giúp đỡ người ấy thế nào. Hôm nay trên đường đời, vẫn còn có vô số “kẻ cướp”, nên sẽ còn vô số người rơi vào tay “kẻ cướp”, nằm trên đường ta đi, và chờ đợi ta trợ giúp.

4. Câu hỏi về sự sống đời đời đưa thẳng vào cuộc sống mỗi ngày của chúng ta. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về lộ trình chúng ta theo hằng ngày, sao cho lộ trình này trở thành hành trình đưa chúng ta đến sự sống đời đời. Muốn thế, cần biết không vội vàng lo cho bản thân và lo cho những dự phóng riêng tư, nhưng biết dừng lại để mau mắn giúp đỡ những ai ở bên vệ đường đang cần được cứu giúp.    

5. Đức mến phải phát xuất từ tấm lòng của từng con người, phải thiết thực và hữu hiệu. Người Samari đã dừng lại, băng bó vết thương, thanh toán mọi chi phí cho chủ quán. Ông không cần tìm hiểu xem đây phải chăng là một người Do Thái, tức một kẻ thù không đội trời chung. Ông chỉ cần biết đây là một người đáng thương cần được cứu giúp, và ông đã cứu giúp. 

6. “Chúng ta đừng bao giờ quên: đứng trước tình trạng đau khổ của biết bao người kiệt quệ vì đói khát, vì bạo lực và các bất công, chúng ta không thể cứ ở đó mà nhìn như là khán giả. Không biết đến tình trạng đau khổ của con người, điều này có nghĩa là gì? Điều này có nghĩa là không biết Thiên Chúa! Nếu tôi không đi đến với người đàn ông ấy, người đàn bà ấy, em bé ấy, người cao tuổi đang đau khổ ấy, tôi cũng chẳng đi đến với Thiên Chúa” (Đức giáo hoàng Phanxicô).

Lm FX Vũ Phan Long, ofm


Suy Niệm Lời Chúa Năm C