CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN

Sống khiêm nhường trước mặt Chúa và anh chị em

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng  (Lu-ca 14:1, 7-14)

          Dĩ nhiên chúng ta đều hiểu bài Tin Mừng hôm nay không trình bày vài ba cái mẹo vặt khi đi ăn tiệc, để chúng ta có thể chiếm được chỗ tốt hơn trong bàn tiệc!  Nhưng Chúa Giê-su chỉ muốn nói lên một chân lý liên hệ đến thái độ của chúng ta trước mặt Thiên Chúa và anh chị em:  “Ai tôn mình lên, sẽ bị hạ xuống;  còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”.  Kiêu căng và khiêm nhượng là hai lối sống đối nghịch nhau.  Con cái thế gian chọn sống kiêu căng, còn con cái Chúa chọn sống khiêm nhượng.  Tại sao Chúa muốn chúng ta sống khiêm nhượng?

          Bối cảnh để Chúa dạy các môn đệ Người bài học khiêm nhường chúng ta có thể gặp thấy mọi nơi mọi thời.  Sống trong làng xã Việt Nam, nhất là thời xưa, người ta coi trọng miếng ăn nơi công cộng, vì nó nói lên địa vị của họ.  Một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp.  Biết bao lần người ta hoạnh họe nhau chỉ vì chỗ ngồi ở bàn tiệc.  Xã hội Do-thái thời Chúa Giê-su cũng giống như vậy.  Hôm nay Chúa được mời đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu để dự tiệc.  Chúng ta thử tưởng tượng lại khung cảnh.  Chúa Giê-su bước vào.  Trước mắt Người là một cảnh tranh giành rất thường tình đối với người Do-thái, nhưng chắc chắn không bình thường đối với Chúa Giê-su:  “Khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi”.  Ngày nay trên bàn tiệc người ta đã để sẵn tên vị khách được mời, nên không còn chuyện “cứ chọn cỗ nhất mà ngồi” nữa.  Thời Chúa Giê-su làm gì có chuyện ấn định rõ ràng chỗ ngồi.  Tuy nhiên lý do nào người ta cứ chọn cỗ nhất mà ngồi?  Là vì người ta cho rằng mình là nhân vật quan trọng, xứng đáng ngồi chỗ danh dự.  Đây là lối sống của những người Pha-ri-sêu.  Đã có lần Chúa nhắc đến điều này.  “Họ ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là “ráp-bi” (Mát-thêu 23:6-7).  Trong bữa tiệc ở nhà một ông thủ lãnh nhóm Pha-ri-sêu, Chúa Giê-su không muốn làm mất mặt nhóm người ấy nếu nói thẳng nói thật.  Nhưng Chúa chỉ im lặng quan sát, rồi Người kể một dụ ngôn “đi ăn cưới”.  Bữa tiệc hôm nay không phải đám cưới, mà là bữa tiệc do một người “bạn” Pha-ri-sêu mời Chúa.  Có lẽ ông thủ lãnh này có thiện cảm với Chúa, còn các ông Pha-ri-sêu khác thì có mặt với mục đích “cố dò xét Người”!  Chúa nể chủ nhà nên kể câu chuyện về một bữa tiệc cưới, để “ai có tai thì nghe”, hoặc ai có tật thì giật mình, để họ xét mình mà chừa cái tính kiêu căng khinh người. 

          Đối với chủ nhà, Chúa cũng lấy tình thân đề nghị với ông vài điều thực tế về việc mở tiệc đãi khách.  Đãi tiệc không nên là cách phô trương cho người khác thấy sự giàu sang, lòng hiếu khách, thậm chí cả lòng quảng đại nữa.  Nhưng đãi tiệc là nhắm vào lợi ích của khách được mời chứ không phải của chủ nhà.  Nói khác đi, đãi tiệc là để phục vụ người khác.  Đó là lý do tại sao Chúa đã khuyên ông thủ lãnh:  “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”.  Cho nên muốn đãi tiệc như thế, chủ nhà cần phải hết sức khiêm nhường!  Thật là một bài học về khiêm nhường tuyệt vời cho ông thủ lãnh mời Chúa đến dự tiệc.  Chúng ta tin là ông không buồn, trái lại, ông còn cám ơn Chúa đã thân tình dạy dỗ ông, nhất là khai mào giúp ông hiểu hơn về Thiên Chúa Cha, Đấng đã mở tiệc Nước Trời và mời hết mọi người không trừ ai vào dự tiệc.  Trước mặt Thiên Chúa, tất cả chúng ta đều là những kẻ nghèo khó, què quặt, đui mù và cần đến lòng Thương Xót của Người.  Người mở rộng cửa Nước Trời và kêu gọi chúng ta hãy trở nên như trẻ em để hoàn toàn tín thác nơi Người, đi qua cửa hẹp      là sống lối sống theo gương Chúa Giê-su khiêm nhường và hiền từ.  “Thiên Chúa chống lại kẻ kiêu căng”, đó là điều tất cả chúng ta phải luôn tâm niệm, để dễ dàng phục tùng Chúa và tôn trọng anh chị em.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Để thực hành bài học khiêm nhường, có lẽ không gì hay hơn là chúng ta đọc đi đọc lại và suy gẫm bài trích sách Huấn ca hôm nay:  “Con ơi, hãy hoàn thành việc của con một cách nhũn nhặn, thì con sẽ được mến yêu hơn người hào phóng.  Càng làm lớn, con càng phải tự hạ, như thế, con sẽ được đẹp lòng Đức Chúa.  Vì quyền năng Đức Chúa thì lớn lao:  Người được tôn vinh nơi các kẻ khiêm nhường” (Huấn ca 3:17-18, 20). Thánh Gio-an Tẩy Giả nói:  “Người (Đức Giê-su) phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi” (Gio-an 3:30).

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi 




Suy Niệm Lời Chúa Năm C