các tai hỌa vũ trỤ và viỆc con NgưỜi ngỰ đẾn

canh thỨc đỂ không bỊ bẮt chỢt

(Luca 21,25-28.34-36 – CN I MV-C)

 

1.- Ngữ cảnh

Khi đã đến Giêrusalem, Đức Giêsu tiếp tục giáo huấn tại Đền Thờ. Tác giả Luca đã ghi lại một diễn từ dài bàn về số phận của Giêrusalem và Đền Thờ (21,8-36). Bản văn được kết cấu theo cấu trúc đồng tâm. Bản văn đọc trong Phụng vụ hôm nay là nửa sau của bài Diễn từ trên.

 

2.- Bố cục

          Bản văn có thể chia thành hai phần:

1) Các tai họa vũ trụ vào lúc tận thế (21,25-28);

2) Cảnh báo kết thúc: hãy tỉnh thức (21,34-36).

 

3.- Vài điểm chú giải

- mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất… cảnh biển gào sóng thét (25): Toàn thể các yếu tố của vũ trụ, được diễn tả bởi câu mô tả là trời, đất và biển đều rung chuyển.

- các quyền lực trên trời (26): Vũ trụ quan cổ xưa cho rằng các quyền lực thiêng liêng thì ở trên không trung.    

- Con Người đầy quyền năng (27): Đây là hình ảnh của Đn 7,13-14.

- cứu chuộc (28): Từ apolytrôsis, “cứu chuộc”, này không có trong các Tin Mừng, nhưng hẳn là Lc đã mượn của Phaolô, vì thánh tông đồ dùng nhiều lần từ này để nói về công trình cứu độ của Đức Giêsu (Rm 3,24; 1 Cr 1,30; Rm 8,23; x. Cl 1,14; Ep 1,7; 4,30). Ở đây từ ngữ này được dùng theo nghĩa “giải thoát” mà không có quan hệ gì với “tiền chuộc” (lytron).

- như một chiếc lưới (34): Có thể hình ảnh này gợi đến Is 24,17.

 

4.- Ý nghĩa của bản văn

* Các tai họa vũ trụ vào lúc tận thế (25-28)

          Cho đến nay, tác giả Lc kể ra một loạt các biến cố gần kề mà hẳn là ngài đã chứng kiến (cc. 8-9.12-19.20-24). Bất chợt ngài rời bỏ các viễn tượng lịch sử này để đưa mắt hướng về thời tận thế. Tách biệt rõ rệt với thời kỳ trước, thời này được loan báo bằng các dấu hiệu vũ trụ (c. 25a) mà Lc đã phân biệt với các dấu hiệu trước (cc. 10-11).

          Trước tiên, chúng ta ghi nhận rằng, các yếu tố tương tự của vũ trụ đã xuất hiện trong trang đầu tiên của Kinh Thánh. Sách Sáng thế kể rằng vào lúc khởi đầu, mọi sự ở trong tình trạng hỗn độn, và có bóng tối bao trùm vực thẳm. Thiên Chúa đã tạo ra mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao và biển; nói cách khác, Người đã làm ra thế giới là nơi loài người, thú vật và cây cối có thể sống chung với nhau (x. St 1,1-2). Bài Tin Mừng hôm nay cũng nhắc tới mặt trời, mặt trăng, các ngôi sao và biển, nhưng cho thấy sẽ có một tình trạng lộn ngược so với “lúc khởi đầu”. Các sức mạnh đang giữ cho vũ trụ có trật tự sẽ bị đảo lộn và vũ trụ lại trở về với tình trạng trước tạo dựng. Không phải là các tinh tú, càng không phải là Thiên Chúa, đã gây ra tình trạng hỗn độn, nhưng là tội lỗi của loài người.

Trong các áng văn chương khải huyền, các dấu hiệu này là khung cảnh cổ điển cho cuộc Phán xét chung. Chúng phát xuất từ các bản văn ngôn sứ phác họa cuộc chiến thắng của Đức Chúa (Yhwh) trên “đạo binh trên trời”, tức các thần linh của Átsua và Babylon (x. chẳng hạn Is 13,10 và 34,4). Nhưng các tác giả TM lẫn Đức Giêsu đều không nghĩ đến một cuộc giao đấu của vị Thiên Chúa chân thật với các thần linh ngoại giáo. Các hình ảnh cổ xưa đó chỉ diễn tả cho các ngài cuộc can thiệp quyết định của Thiên Chúa trên thế giới mà Ngài sắp giải thoát khỏi sự dữ (x. Rm 8,19-22; Kh 21,1-8).

Trong khi McMt nói chi tiết về các tai ương vũ trụ theo cách các bản văn khải huyền, Lc lại dừng lại nhiều hơn với các phản ứng của loài người khi thấy Cùng Tận đến gần (cc. 25b-26). Như thế ngài trung thành với tư tưởng của Kinh Thánh và của Đức Giêsu hơn: tấn bi kịch cánh chung trước tiên là một tấn bi kịch của con người. Chính trong khi dường như mọi sự đang rời vào tình trạng hỗn loạn hoàn toàn, Con Người lại xuất hiện để kéo một thế giới mới ra khỏi tình trạng hỗn độn (x. c. 27).

Các bản văn khải huyền Do Thái mô tả thời tận thế bằng một loạt các biến cố phức tạp như người chết sống lại, phán xét, những người công chính được cứu, những kẻ gian ác bị trừng phạt, thế giới mới được thiết lập (Giêrusalem trên trời), v.v. Ở đây, trong TM Lc, Đức Giêsu cô đọng tất cả các biến cố của thời tận thế vào cuộc ngự đến khải hoàn của Người trong tư cách là Con Người (c. 27; McMt nói rõ rằng Người đến để quy tụ các người được tuyển chọn, và đây rất có thể là câu nói nguyên thủy của Đức Giêsu). Mặt trời và mặt trăng cung cấp ánh sáng và được phân biệt nhờ dòng lưu chuyển đều đặn của chúng; chúng giúp ta đo đạc thời gian. Các tinh tú được bố trí lớp lang, đã trở thành như biểu tượng của trật tự và bền vững: người đi trong sa mạc hay trên biển có thể định hướng nhờ các ngôi sao. Sự đảo lộn các biểu tượng về bền vững và trật tự này có nghĩa là các thực tại hiện đang có không có một độ bền bỉ vĩnh cửu, nên ta không thể tín nhiệm chúng vô điều kiện và dùng chúng như những điểm quy chiếu hoàn toàn đáng tin cậy. Mọi sự tùy thuộc vào Con Người đang ngự đến.

Biến cố Con Người ngự đến này là lời loan báo cốt yếu đối với Đức Giêsu: Người nhắc đến nhiều lần trong các Tin Mừng (Mc 8,38 //; 14,62 //; Mt 10,23; 13,41; 19,28; 25,31; Lc 12,8; 17,30; 18,8; v.v.). Lời loan báo này có gợi đến cảnh Phán xét trong Đn 7,13-14, trong đó Con Người đại diện cho “dân các thánh của Đấng Tối Cao”, được ban cho quyền hành tối cao sau khi đã trải qua các thử thách (x. Đn 7,18.22.27). Đức Giêsu nhận lấy danh hiệu “Con Người” như danh hiệu riêng, diễn tả vai trò của Người là Đấng Cứu Độ, Đấng gánh vác định mệnh của loài người.

Tác giả Lc đã loại bỏ mọi hình ảnh khải huyền phụ thuộc để tập trung chú ý vào quyền năng và vinh quang của Đức Giêsu, Đấng chiến thắng sự dữ và là Chúa tể của Vương quốc.

 Để kết thúc bản văn này, Lc ghi lại một lời khuyên của Đức Giêsu: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (c. 28). Người mời gọi sống niềm hy vọng. Các dấu hiệu và các biến cố Đức Giêsu vừa loan báo thì đáng sợ thật. Nhưng các tín hữu của Đức Giêsu không có gì phải sợ các biến cố này, vì chúng tỏ bày chiến thắng và quyền chúa tể của Thầy họ. Khi sống trong những đảo lộn của thế giới này, họ phải nhận biết rằng Nước Thiên Chúa đang đến gần và đã tới lúc họ được cứu chuộc (apolytrôsis).

 

* Cảnh báo kết thúc: hãy tỉnh thức (34-36)

          Lời khuyên ở cc. 34-36 là kết luận của toàn bài diễn từ. Lời này theo một viễn tượng khác. Việc Chúa đến không còn được loan báo bằng những dấu hiệu, như ở cc. 11.25.28 nữa; nhưng được báo là sẽ xảy ra bất thình lình và không thể tiên liệu, như các dụ ngôn về sự tỉnh thức (12,35-46) hay như bảng phác họa Ngày của Con Người (17,23.36). Đức Giêsu đã vận dụng cả hai cách giới thiệu này bởi vì Người không quan tâm mô tả tương lai cho rõ ràng cho bằng mời gọi các môn đệ chuẩn bị đón biến cố đó bằng cách sống trung thành.

          Trong đoạn văn cuối cùng này, thái độ mà các tín hữu phải có là tỉnh thức thường trực. Họ phải tránh các cám dỗ sống trụy lạc và say sưa (x. 12,45; 1 Tx 5,6-7; Rm 13,13), và còn hơn thế nữa, tránh các bận tâm về trần thế khiến họ có thể quay lưng lại với điều thiện hảo duy nhất đáng kể (x. 8,14; 12,22-31; 17,27-28). Họ phải sẵn sàng, bởi vì “ngày ấy” sẽ xảy đến thình lình (x. 1 Tx 5,3) và bắt chợt các dân cư trên mặt đất, như chiếc lưới của người thợ săn ụp xuống thình lình trên con mồi (x. Is 24,17). Trong thực tế, đối với Lc, sẵn sàng chính là luôn luôn lo công việc mà Thầy đã giao phó cho các tôi tớ Người (12,35-48); đó cũng là “cầu nguyện luôn luôn không bao giờ nản chí”, như Người đã nhắc nhở sau khi phác ra Ngày của Con Người (18,1). Bởi vì nếu người tín hữu không ngừng quay về với Chúa để thờ phượng Người, để xin Người trợ giúp và trước tiên cho Nước Người ngự đến, thì làm sao người ấy lại có thể bị bắt chợt bởi một cuộc ngự đến mà người ấy luôn trông mong? Được chuẩn bị như thế nhờ sự trung thành và cầu nguyện, người ấy chẳng sợ gì các thử thách vào lúc Cùng Tận: người ấy sẽ có thể đứng vững khi bị Con Người xét xử.

 

+ Kết luận

          Bài Tin Mừng này hoàn toàn thích hợp cho CN I MV, tức khởi đầu Năm Mới của Hội Thánh. Tuy nhiên, lễ Giáng Sinh đã hoàn tất rồi, trong sự nghèo khó và trong niềm vui Bêlem. Chúa đã đến mang Tin Mừng của Người cho chúng ta và đưa chúng ta vào trong Hội Thánh Người. Nếu chúng ta có nhắc lại cuộc hiển ngự đầu tiên trong tình trạng khiêm tốn nghèo hèn, là để tiến bước về cuộc hiển ngự vĩnh viễn của Con Người trong quyền năng và vinh quang. Nhưng từ cuộc hiển ngự đầu tiên đến cuộc hiển ngự cuối cùng, sẽ là một chuỗi những chọn lựa được mỗi người thực hiện. Nếu chúng ta liên tục chọn Đức Giêsu, chúng ta đã thực thi lời Người dạy: Hãy tỉnh thức!

 

5.- Gợi ý suy niệm

1. Khi bắt đầu Năm Phụng vụ mới, Hội Thánh đã dùng những lời Tin Mừng hôm nay để đẩy chúng ta tới trước, chứ không muốn chúng ta dừng lại và bằng lòng với một bảng tổng kết nào đó. Chúng ta còn phải đi tới trước, để đón gặp Đức Kitô vì Người đang đến. Sự chấm dứt của lịch sử được liên kết với sự đảo lộn của tất cả những gì cho tới nay được coi là cố định và chắc chắn và liên kết với việc Con Người ngự đến trong vinh quang. Tất cả các thực tại vẫn có cho đến nay không có độ chắc vĩnh cửu, nên ta không thể tín nhiệm vào chúng vô điều kiện, và chúng không thể được dùng như những điểm quy chiếu không phải nghĩ ngợi. Tiếng nói cuối cùng về tất cả lịch sử con người và mọi yếu tố của lịch sử này thuộc về Con Người  khi Người đến trong vinh quang Thiên Chúa.

2. Con Người đã đi qua đau khổ và cái chết nhưng rồi đã trỗi dậy từ cõi chết. Người sẽ tỏ mình ra trước mắt mọi người trong phẩm cách đích thực của Người. Sự tỏ mình ra của Người và quyền chúa tể hữu hình của Người, quyền chúa tể duy nhất và vô biên chính là mục tiêu của toàn thể lịch sử nhân loại. Cho dù lịch sử này đã bị cày xới liên tục bởi các tai ương và sức mạnh hủy hoại, cuối cùng nó vẫn không phải là một tai ương. Thiên Chúa cho phép vô số chuyện lạ lùng và không hiểu được xảy ra, nhưng tiếng nói cuối cùng của Ngài trên lịch sử con người là sự mạc khải Con Người. Người sẽ xuất hiện ra trong vinh quang của Chúa Cha, trong vẻ xán lạn uy hùng ngang bằng Thiên Chúa. Lịch sử nhân loại có thể có vẻ còn quá tăm tối và đang đi đến chỗ tiêu vong, nhưng cuối cùng có Con Người, Đấng đã chia sẻ trọn vẹn định mệnh con người, nay đến trong vinh quang chói lọi và trong sự hiệp thông phong phú với Thiên Chúa là Cha Người.

3. Với bài diễn từ này, Đức Giêsu xác định cách sống của các môn đệ Người trong khoảng thời gian đi từ cuộc Phục Sinh của Người cho đến ngày Người trở lại. Người sẽ không hiện diện hữu hình với họ nữa; họ sẽ phải tiếp tục hành trình trong sự hiểu biết giới hạn về các thực tại trần thế, nhưng cũng trong xác tín vững vàng vào cuộc chiến thắng chung cuộc của Chúa mình. Họ “hãy đứng vững và ngẩng đầu lên”. Nhưng cũng phải biết đề phòng những quyến rũ đam mê xấu. Cuối cùng họ “hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn”.

4. Lời cầu nguyện chân thật đưa chúng ta đến gần Thiên Chúa và điều gì đưa tới với Thiên Chúa thì không thể tách chúng ta khỏi những người khác. Chúng ta không nhìn lên mây xanh, nhưng nhìn tới anh chị em mình. Chúng ta không cần phải lo lắng về chuyện sẽ xảy ra vào lúc cùng tận, nhưng phải bận tâm đến tình trạng cùng quẫn của những người sống chung quanh chúng ta. Khi bảo chúng ta tỉnh thức, Đức Giêsu muốn chúng ta nhận thấy những nhu cầu của anh chị em chúng ta.

Lm FX Vũ Phan Long, ofm

 

 

 


Suy Niệm Lời Chúa Năm C