CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Đức Vua, Lòng Thương Xót Ngự Đến Nhân Danh Chúa!

Lắng nghe sứ điệp của bài Tin Mừng kiệu lá  (Lu-ca 19:28-40)

          Nếu quan sát một buổi duyệt binh ngày nay, chúng ta sẽ thấy nó khác xa một trời một vực với “cuộc khải hoàn” của Chúa Giê-su vào thành Giêrusalem.  Chúa Giê-su không có những đoàn xe, những thứ khí giới đủ loại, những đoàn quân đồng phục bước đều tăm tắp và đầy khí thế.  Người không có những máy bay gào thét trên trời, để lại những lằn khói màu thật dài, không tiếng kèn hùng tráng với những bài quân hành nhịp nhàng.  Không.  Oai phong nhất thì cũng chỉ có con lừa con mà Chúa mượn tạm của ông bạn nào đó!  Bước theo Chúa là đám người ô hợp, nhưng họ sẵn sàng “lấy áo choàng trải xuống mặt đường” để Người đi qua.  Thay vì kèn trống, chỉ có tiếng dân chúng hô to:  “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa!  Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời!”  Đúng, Người là Đức Vua của chúng ta.  Người là Bình an và vinh quang của chúng ta.  Người không tự ý đến với chúng ta, nhưng đến “nhân danh Chúa”.  Những lời dân chúng hô lên để đón rước Chúa chính là điều chúng ta phải suy niệm và thể hiện trong cuộc sống.

          Lời tung hô của dân chúng chắc chắn phải có ý nghĩa đặc biệt và mang màu sắc hoàn toàn tôn giáo.  Một vị vua đến “nhân danh Chúa” thì phải là một người được Thiên Chúa sai đến với một sứ mệnh.  Vậy sứ mệnh của Người là gì?  Bài đọc 2 của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta một mô tả đầy đủ về sứ mệnh của Đức Vua là con vua Đa-vít.  Sứ mệnh ấy là thực hiện một cuộc hành trình đến với thế giới, để giải thoát nhân loại đang bị giam cầm trong ngục tù tội lỗi.  Tuy nhiên, để làm cuộc hành trình cứu chuộc này, Chúa Giê-su không được đi con đường tắt là sử dụng quyền năng Thiên Chúa, mà Người phải chọn con đường từ bỏ mọi sự, kể cả từ bỏ “địa vị ngang hàng với Thiên Chúa”, để “mặc lấy thân nô lệ và trở nên giống phàm nhân”.  Vậy mà cuộc hạ mình của Đức Vua này vẫn chưa đủ, vì Người còn tiếp tục bước xuống bậc thang thấp nhất của xã hội, là phải vâng lời chấp nhận cái chết nhục trên thập giá dành cho một tử tội!  Thật là trái nghịch.  Người đời mong được làm vua để đạt tới tột đỉnh vinh quang.  Còn Vua Giê-su thì lại từ bỏ vinh quang để làm thân nô lệ.  Hôm nay trong cuộc khải hoàn, Vua hòa bình của chúng ta không cỡi ngựa chiến, nhưng Người ngồi trên lưng một con lừa con hiền lành, biểu tượng cho sự hòa giải và bình an Người sẽ đem đến cho con dân Người.  Người sẽ lấy cái chết trên thập giá để làm khí giới phá tan bức tường tội lỗi chia rẽ chúng ta với Thiên Chúa.  Người sẽ lấy máu mình để làm giá chuộc lại tội lỗi của nhân loại phạm đến Thiên Chúa và phục hồi cho chúng ta chức phận làm con Thiên Chúa.  Sứ mệnh của Vua Mê-si-a đang đi tới giai đoạn cuối.  Cửa thành Giêrusalem mở rộng để chào đón “Đấng nhân danh Chúa”.  Hoàn tất của sứ mệnh này không phải là cuộc đăng quang huy hoàng, nhưng là cuộc “Con Người được giương lên cao” trên thập giá để những ai nhìn vào và tin thì sẽ được cứu độ.

Sống sứ điệp Tin Mừng

          Bắt đầu sống Tuần Thánh, có lẽ không hình ảnh nào cảm động bằng hình ảnh Chúa Giê-su cỡi lừa vào Giêrusalem.  Chiêm ngưỡng Chúa trong khung cảnh này, chắc hẳn chúng ta có nhiều tâm tình khác nhau, tùy theo chúng ta nghĩ mình là ai trong đám người có mặt hôm ấy.  Dầu sao chúng ta đừng rời hình ảnh Chúa Giê-su.  Phong cách khiêm nhường của Người phản ánh lòng thương xót của Thiên Chúa Cha đang nhìn xuống nhân loại thù nghịch và kêu gọi họ đáp lại và trở về.  Nếu lòng thương xót là cách biểu lộ tình yêu, thì hôm nay khi chúng ta tung hô Đức Vua nhân danh Tình Yêu mà đến, có nghĩa là chúng ta đang tôn vinh Thiên Chúa đầy lòng thương xót rồi vậy.  Chúa Ki-tô, Lòng Chúa Thương Xót, đang ở giữa chúng ta để mang lại bình an và hòa giải.  Mỗi biến cố trong Tuần Thánh đều nói lên Lòng Thương Xót ở những góc cạnh khác nhau.  Cho nên chúng ta đừng quên rằng trong mỗi biến cố ấy, Lòng Thương Xót luôn là động lực cuối cùng và mạnh nhất thúc đẩy Đức Vua chúng ta hoàn tất sứ mệnh cao cả của Người.  Bao nhiêu sinh hoạt của Chúa Giê-su trong những ngày cuối cùng cuộc đời trần thế là bấy nhiêu dịp để Thiên Chúa tỏ lòng thương xót chúng ta.  Vậy chúng ta cứ tin tưởng đi bên Người, để tung hô, để lãnh nhận và để sống lòng thương xót ấy!        Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C