CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

Chúa Giê-su kêu gọi người ta sám hối

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Xh 3:1-8, 13-15;  1 Cr 10:1-6, 10-12;  Lc 13:1-9)

          Ngay khi khởi đầu sứ vụ rao giảng, Chúa Giê-su đã mời gọi người ta: "Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng"  (Mác-cô 1:15).  Lời mời gọi này quả là thích hợp với chúng ta hôm nay, những người đang sống trong mùa Chay sám hối.  Có sám hối quay về với Chúa thì mới được cứu độ.  Thực tại này đã xảy ra thời Cựu Ước khi Thiên Chúa sai ông Mô-sê đến cứu Ít-ra-en, dân tuyển chọn của Người, khỏi ách nô lệ Ai-cập.  Rồi khi “thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần”, Thiên Chúa lại sai chính Con Một đến trần gian để hô hào nhân loại hãy trở về với Người và Người sẽ lấy cuộc Thương Khó và Phục Sinh của Đức Ki-tô mà cứu độ hết những ai tin vào tình yêu và lòng thương xót của Người.  Đó là tất cả những điều được trình bày trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

          Nguồn gốc ơn cứu độ là tình yêu đầy thương xót của Thiên Chúa, Đấng không muốn thấy con cái mình phải hư mất đời đời.  Câu chuyện ông Mô-sê được Thiên Chúa sai đi cứu dân Ít-ra-en đã diễn tả quá đầy đủ trái tim nhân hậu của Thiên Chúa.  Chúng ta hãy lắng nghe Thiên Chúa tâm sự với ông Mô-sê:  “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai-cập, Ta đã nghe chúng kêu than vì bọn cai hành hạ.  Phải, Ta biết các nỗi khổ đau của chúng”.  Những hành vi thấy, nghe và biết của Thiên Chúa không chỉ nói lên lòng nhân hậu của Người đối với Ít-ra-en, mà còn đối với cả chúng ta, con cái hôm nay của Người nữa.  Chúa không chỉ thấy những vất vả đau khổ của cuộc sống thường ngày chúng ta, mà còn rõ sự khốn khổ thiêng liêng của những tâm hồn do tội lỗi và bất trung của ta với Người.  Lòng nhân hậu của Thiên Chúa không phải chỉ là một hành vi được thực hiện xong rồi hết.  Nhưng lòng nhân hậu ấy là bản chất của Người, tựa như Người đã phán với Mô-sê:  “Ta là Đấng Hiện Hữu” thì giờ đây Người phán với chúng ta:  “Ta là Lòng Thương Xót”.  Lòng Thương Xót không thiêu hủy chúng ta là những kẻ tội lỗi, giống như đám lửa không thiêu rụi bụi gai khi Thiên Chúa hiện ra với ông Mô-sê.  Tất cả những hình ảnh cảm động ấy về Lòng Thương Xót là lời kêu gọi và nhắc nhở chúng ta sống tinh thần sám hối, nghĩa là hãy luôn quay lưng lại tội lỗi và hướng mặt về Thiên Chúa.

          Sống tinh thần sám hối là cách giúp chúng ta sẵn sàng lãnh nhận ơn cứu độ.  Tuy nhiên cũng thật đáng buồn vì không phải hết mọi người Ít-ra-en được ông Mô-sê dẫn ra khỏi Ai-cập đều đến Đất Hứa cả đâu!  Lý do là vì họ đã kêu trách Thiên Chúa nên “đã chết bởi tay Thần Tru Diệt”.  Đó là bài học thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta trong bài đọc 2 hôm nay.  Ngài lấy hình ảnh dân Ít-ra-en xưa để áp dụng cho Ki-tô hữu.  Dân Chúa trên đường về Đất Hứa băng qua sa mạc, tất cả đều ăn man-na bởi trời, đều uống cùng dòng nước chảy ra từ tảng đá, nhưng có nhiều người không nhìn nhận Đức Chúa là Thiên Chúa của họ, nên họ phải chết giữa đường.  Cũng vậy, chúng ta dù là Ki-tô hữu đều được thanh tẩy làm con cái Chúa, được ăn cùng một Bánh trường sinh và uống Máu cứu độ của Chúa Ki-tô, nhưng nếu chúng ta không sống tinh thần sám hối, thì chúng ta sẽ phải chết đời đời.  Vậy tại sao phải luôn sống tinh thần sám hối?  Bản chất chúng ta yếu đuối và hay lỗi phạm và dễ bị ma quỷ quyến rũ vào đàng tội lỗi.  Vì thế phải luôn bỏ đàng tội lỗi và trở về với Chúa từng giây từng phút.  Sám hối không phải là hành vi đơn độc, nhưng là hành trình liên tục để trở nên giống Chúa Ki-tô mỗi ngày một hơn. Ý thức sống sám hối là điều cần thiết, như thánh tông đồ cảnh giác chúng ta:  “Ai tưởng mình đang đứng vững thì hãy coi chừng kẻo ngã”.

          Tuy nhiên, lời kêu gọi sám hối mạnh mẽ nhất phải là chính Chúa Giê-su, Đấng được Thiên Chúa sai đến làm hiện thân của Lòng Thương Xót.  Câu chuyện Tin Mừng hôm nay không kết thúc sau những lời ngăm đe của Chúa Giê-su đối với những người ngoan cố không chịu sám hối.  Nhưng câu chuyện kết thúc bằng một dụ ngôn ý nghĩa:  ông chủ trồng một cây vả trong vườn nho của mình.  Cây vả thường được trồng tại chỗ đất thừa.  Thế mà cây vả này được trồng trong vườn nho, thì thực là cây vả có phúc!  Nhưng tiếc thay đã ba năm mà nó không sinh trái.  Nó đáng bị chặt bỏ.  Tới đây, dụ ngôn mở ra một khúc quanh tuyệt vời:  người làm vườn đã can thiệp, xin ông chủ cho cây vả thêm một thời gian nữa và anh ta sẽ “vun xới chung quanh và bón phân cho nó, may ra sang năm nó có trái”.  Dĩ nhiên ông chủ là Thiên Chúa bằng lòng như vậy.  Vậy chắc chúng ta đã hiểu được “người làm vườn” này là ai rồi phải không?  Là chính Chúa Giê-su Ki-tô đấy!  Người đã can thiệp để cứu độ những kẻ tội lỗi là chúng ta, nếu chúng ta để cho Người giúp chúng ta “sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Tuy Chúa Giê-su mời gọi chúng ta sám hối và tin vào tình yêu cứu độ của Thiên Chúa, nhưng Người không muốn áp đặt mà để chúng ta cộng tác với ơn cứu độ.  Như cây vả, chúng ta hãy tích cực để cho Chúa và ân sủng của Người vun xới và bồi dưỡng đời sống thiêng liêng chúng ta, nhất là trong thời thuận tiện và ngày cứu độ của Mùa Chay này, để chúng ta “được sống và sống dồi dào”, đạt tới tầm vóc viên mãn của Chúa Ki-tô, Đấng kêu gọi chúng ta luôn trở về với Cha trên trời.

         Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C