CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH

Những điều Thiên Chúa mặc khải qua mầu nhiệm Giáng Sinh

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Is 60:1-6;  Ep 3:2-3a, 5-6;  Mt 2:1-12)

          Câu chuyện ba vua từ phương Đông đến bái lạy Chúa Hài Đồng thật là sống động.  Nhưng chính sự sống động ấy có thể khiến chúng ta không mấy để ý tới ý nghĩa đích thực của ngày lễ mà chúng ta gọi là Lễ Hiển Linh.  Hiển Linh nghĩa là Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta biết Người là Đấng nào, làm gì và có mối tương quan với chúng ta thế nào.  Phụng vụ Lời Chúa hôm nay trình bày những điểm mặc khải ấy.  Mặc khải thứ nhất được ngôn sứ I-sai-a mô tả trong bài đọc 1 là:  Thiên Chúa chiếu tỏa vinh quang của Người trên Giê-ru-sa-lem, để nhờ ánh sáng vinh quang ấy, muôn dân được cứu độ.  Mặc khải thứ hai là về mầu nhiệm Đức Ki-tô:  trong Đức Ki-tô và nhờ Tin Mừng, hết mọi người không trừ ai đều được thừa hưởng ơn cứu độ.  Đặc biệt bài Tin Mừng kể lại câu chuyện Chúa Hài Đồng tỏ mình ra cho mấy nhà chiêm tinh phương Đông để đánh dấu đây là ngày Thiên Chúa bắt đầu làm cho khắp cả hoàn cầu nhận biết ơn cứu độ của Người.

          Trong Cựu Ước, Giê-ru-sa-lem được coi là nơi quy tụ muôn dân nước trên địa cầu, để mối tương quan giữa Thiên Chúa và nhân loại được thể hiện sống động.  Sự hiện diện của Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem biến nó trở nên Thành Thánh và lôi kéo mọi dân tộc đến với Thiên Chúa.  Do đó, Giê-ru-sa-lem nghiễm nhiên là trung tâm ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, khi ánh sáng ơn cứu độ xuất hiện nơi thành này.  Để diễn tả ánh sáng ơn cứu độ đến trần gian, khởi đầu từ Thành Thánh, ngôn sứ I-sai-a không cầm được nỗi vui mừng nên ngài hô lớn:  “Đứng lên, bừng sáng lên, Giê-ru-sa-lem hỡi, vì ánh sáng của ngươi đến rồi.  Vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu tỏa trên ngươi”.  Chúng ta cứ tưởng tượng mà xem:  một Giê-ru-sa-lem mặc dù ở trên núi cao, nhưng vẫn chìm trong bóng tối tội lỗi và sự chết, giờ đây bừng sáng vì ơn cứu độ của Thiên Chúa chiếu tỏa.  Ánh sáng của vinh quang Thiên Chúa tại Giê-ru-sa-lem lôi cuốn mọi người khắp nơi tiến về.  Ngôn sứ đã lấy hình ảnh người người tuôn về thành đô và làm cho nó trở nên trù phú, thịnh vượng nhất địa cầu, để nói lên tính cách phong phú và đầy tràn của ơn cứu độ.  Hiểu Giê-ru-sa-lem là trung tâm ơn cứu độ, chúng ta có thể áp dụng cho Giáo Hội, một Giê-ru-sa-lem Mới.  Cũng như Giê-ru-sa-lem, Giáo Hội phải hoàn thành sứ mệnh của mình, là dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Giáo Hội phải lôi kéo mọi người đến lãnh nhận ơn cứu độ và tạo nên một Ít-ra-en Mới gồm những người công chính.

          Nếu bài đọc 1 giới thiệu Giê-ru-sa-lem, hoặc Giáo Hội của Chúa Ki-tô, như là trung tâm ơn cứu độ, thì suy niệm của thánh Phao-lô qua đoạn thư Ê-phê-xô quả thực giúp chúng ta hiểu rằng cốt lõi và tột đỉnh của việc Thiên Chúa tỏ mình ra chính là qua mầu nhiệm Đức Ki-tô.  Theo thánh Phao-lô, mầu nhiệm này từ trước đến giờ vẫn được giấu kín, “nhưng nay Thiên Chúa đã dùng Thần Khí mà mặc khải cho các thánh Tông Đồ và ngôn sứ của Người”.  Mầu nhiệm Đức Ki-tô là chìa khóa giúp chúng ta hiểu biết kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa.  Quả thực Chúa Ki-tô là một “mầu nhiệm” vì Người vừa là động lực, vừa là tác nhân của việc cứu độ.  Là động lực, vì Chúa Ki-tô là tình yêu thúc đẩy Thiên Chúa cứu chúng ta;  là tác nhân, vì Người đã xuống thế làm người, rao giảng Tin Mừng, rồi chịu chết trên thập giá để chuộc tội nhân loại.  Tuy nhiên vị tông đồ dân ngoại còn cho chúng ta thấy đây là mầu nhiệm đem lại ơn cứu độ phổ quát, chứ không phải cho riêng dân Do-thái.  Cho nên ngài đã tóm tắt mầu nhiệm ấy như sau:  “Trong Đức Ki-tô và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do-thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa”.  Nói khác đi, theo kế hoạch của Thiên Chúa, hết mọi người dù không phải là người Do-thái cũng đều được mời gọi hãy tin vào Chúa Giê-su, bằng cách tiếp nhận và sống Tin Mừng cứu độ.

          Mặc dù câu chuyện mấy nhà chiêm tinh nói về một cuộc tìm gặp Đấng Cứu Độ, nhưng nó còn nhấn mạnh rằng đây là một thời điểm quan trọng trong lịch sử cứu độ:  Hiển Linh là ngày Thiên Chúa bắt đầu kêu gọi các dân tộc hãy đến lãnh nhận ơn cứu độ.  Thánh Phao-lô gọi ngày này là ngày Thiên Chúa “đã giải thoát chúng ta khỏi quyền lực tối tăm và đưa vào vương quốc Con yêu quý của Người”.  Thánh Vịnh thì ca ngợi ngày này vì “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ, mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân”.  Nếu có dịp, chúng ta hãy đọc lại bài giảng của thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng, trong Các giờ kinh Phụng vụ, lễ Hiển Linh.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Để giúp sống sứ điệp Lời Chúa, chúng tôi xin phép trích dẫn một đoạn trong bài giảng của thánh Lê-ô Cả, giáo hoàng:  “Chúng ta biết rõ rằng những điều nói trên  đã được thực hiện khi một ngôi sao dẫn đường cho ba nhà chiêm tinh.  Từ nơi xa xôi, các ngài đã được gọi đến nhận biết và thờ lạy Đức Vua cai trị trời đất.  Ngôi sao này khích lệ chúng ta noi theo gương vâng phục:  tức là nỗ lực sống theo ơn thánh, ơn mời gọi mọi người đến với Đức Ki-tô.  Anh em thân mến, trong cuộc tìm kiếm này, tất cả anh em phải giúp đỡ lẫn nhau để nhờ đức tin chân chính và các việc lành phúc đức mà đạt tới Nước Thiên Chúa, trong đó anh em sẽ rạng rỡ như con cái ánh sáng”.  Nào, cùng ba nhà chiêm tinh, chúng ta hãy đến với Đức Ki-tô!

               Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C