CHÚA NHẬT III PHỤC SINH

Thi hành sứ vụ làm chứng cho Chúa Phục Sinh

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Cv 5:27b-32, 40b-41;  Kh 5:11-14;  Ga 21:1-19)

          Nhờ mắt thấy tai nghe và những lần Chúa hiện ra sau khi Người sống lại, các môn đệ Chúa đã vững niềm tin vào Chúa Phục Sinh.  Giờ đây là lúc họ lên đường với sứ mệnh làm chứng nhân cho Người.  Bài đọc trích sách Công vụ kể lại các tông đồ bắt đầu “nếm mùi” bách hại vì sứ mệnh.  Bài đọc 2 vẫn tiếp tục chia sẻ với chúng ta cảm nghiệm của tông đồ Gio-an gặp gỡ Chúa Phục Sinh qua thị kiến thiêng liêng và cầu nguyện.  Đặc biệt bài Tin Mừng kể thêm lần thứ ba Chúa hiện ra với các môn đệ tại Ga-li-lê như Người đã hứa.  Tuy nhiên lần hiện ra này, qua mẻ lưới đầy cá, Chúa Giê-su đã dẫn các môn đệ tới mẻ lưới thiêng liêng bắt các linh hồn và trao cho họ sứ mệnh rao giảng Tin Mừng.  Đáng kể nhất là việc Chúa Giê-su ban cho Phê-rô nhiệm vụ lãnh đạo Giáo Hội trần gian để ông tiếp tục con đường theo Chúa.

          Trước hết cùng với các môn đệ Chúa Giê-su, chúng ta hãy trở lại Ga-li-lê để gặp Chúa.  Thành Ca-phác-na-um thuộc Ga-li-lê là nơi vô cùng ý nghĩa đối với Chúa Giê-su và các môn đệ.  Nơi đây thầy trò đã có duyên gặp gỡ nhau.  Sau mẻ lưới lạ đầu tiên, Chúa Giê-su đã gọi anh em ông Phê-rô và hai anh em khác làm môn đệ đầu tiên của Người.  Nơi này cũng là trung tâm truyền giáo phát xuất những cuộc đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi, qua Sa-ma-ri xuống tận Giu-đê.  Ba năm sau, sau khi Chúa phục sinh, mẻ lưới cá thứ hai đã giúp các môn đệ nhớ lại tiếng gọi truyền giáo ban đầu “từ nay anh em sẽ là những kẻ lưới người như lưới cá”, đồng thời mở ra một chân trời mới để các ông thực sự gánh vác công việc mở mang Nước Thiên Chúa.  Theo khoa học cổ đại Hy-lạp, người ta tin có tất cả một trăm năm mươi ba loại cá khác nhau.  Một trăm năm mươi ba con cá lớn bắt được trong phép lạ này là con số tượng trưng cho toàn thể nhân loại.  Cũng tựa như lời Chúa Giê-su truyền trước khi Người lên trời:  "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mc 16:15).  Chúa Giê-su về trời, nhưng Người không mang theo uy quyền của Người, mà Người trao lại cho ông Phê-rô và những người kế vị để “chăn dắt chiên của Thầy”.  Trong tâm tình chia sẻ khổ đau, Chúa Giê-su còn báo trước những bách hại sẽ đến với Phê-rô và các bạn khi họ lên đường truyền giáo.  “Anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”.  Cái chết làm chứng cho đức tin đang chờ đợi Phê-rô và các bạn đấy!

          Lời tiên báo đó đã ứng nghiệm mau chóng.  Bài trích sách Công vụ Tông Đồ thuật lại việc các tông đồ bị các nhà lãnh đạo tôn giáo bách hại như thế nào.  Các ông hăng hái rao giảng về Chúa Giê-su Na-da-rét.  Rồi thượng tế và đám lâu la Xa-đốc “ra tay hành động”, bắt các tông đồ tống vào ngục.  Được thiên thần cứu ra, các ông chẳng chút sợ hãi, lại tiếp tục rao giảng nữa.  Biết là chưa thể hành động quyết liệt hơn, họ tạm tha cho các ông, nhưng nghiêm ngặt răn đe các ông không được tiếp tục rao giảng nữa.  Chẳng đe dọa nào ngăn cản được các ông, vì các ông lý luận chắc như đinh đóng cột rằng:  “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”!  Đe dọa không làm các ông sợ hãi, trái lại, các ông còn “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su” nữa.  Quả là một nhắc nhở và gương mẫu cho chúng ta ngày nay, vì chúng ta cần nhiều can đảm hơn để dám đi ngược lối sống “không tin vào Phục Sinh” của rất nhiều người hôm nay.  Thái độ làm chứng nhân của các tông đồ là một cuộc xét lương tâm cho tất cả chúng ta.  Quả thực nhiều khi chúng ta thấy mình hèn nhát, không dám can đảm làm chứng cho Chúa và lối sống Ki-tô.  Chúng ta dễ trở nên “đồng lõa” với thế gian này để mong được sống yên thân.  Chúng ta không muốn “được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su”, mà chỉ cho là bị thiệt thòi vì danh Người, hay nói khác đi bị thua thiệt vì là Ki-tô hữu.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Nói đến “xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su”, chúng ta phải chiêm ngưỡng chính Chúa Giê-su để biết Người được coi là xứng đáng chịu chết nhục nhã vì làm Con Thiên Chúa như thế nào.  Người được Chúa Cha trao phó sứ mệnh làm chứng cho tình yêu Thiên Chúa.  Người đã lấy chính mạng sống mình để chứng tỏ rằng Thiên Chúa vô cùng yêu thương thế gian là tất cả chúng ta.  Chết như thế đối với Chúa Giê-su là một vinh dự chứ không phải một sự áp đặt.  Theo gương Thầy, thánh Phao-lô cũng xác tín rằng vinh dự của ngài là thập giá Chúa Ki-tô.  Riêng thánh Gio-an, trong bài đọc hôm nay, ngài đã được diễm phúc nghe triều thần thiên quốc tung hô Chúa Phục Sinh:  “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc”.  Chúng ta được mời gọi hãy sẵn sàng chịu khổ nhục vì danh Đức Giê-su bằng cách quay lưng lại với lối sống tội lỗi của thế gian, để bước đi theo đường lối của Chúa.  Ngay ở cuộc sống trần gian này, ta vẫn có thể cùng với các thiên thần và mọi loài thọ tạo trên trời, cất tiếng tung hô Chúa bằng những lời nói yêu thương và những việc bác ái giúp đỡ nhau, bằng những việc thờ phượng trong các buổi tụ họp dâng Thánh lễ hay cầu nguyện, để tất cả những việc này trở thành “lời chúc tụng, danh dự, vinh quang và quyền năng” dâng lên Chúa!  A-men!

          Lm. Đa-minh Trần đình Nhi      


Suy Niệm Lời Chúa Năm C