NGƯỜI PHARISÊU VÀ NGƯỜI THU THUẾ

CẦU NGUYỆN

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi  DCCT

CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN,năm C

Lc 18, 9 – 14

 

Đọc Tin Mừng của Chúa Giêsu, chúng ta luon được đứng trước những sự kiện bất ngờ : có những câu chuyện làm cho ta suy nghĩ đến nát óc, có những dụ ngôn gây ấn tượng,nhưng cũng làm ta phải nát óc, ngộ ra những điều nên làm những điều phải tránh xa.Câu chuyện người Pharisêu và người thu thuế lên đền thờ cầu nguyện cho ta nhận ra hai thái độ hoàn toàn trái ngược nhau.Phúc Âm của Chúa là vậy,bởi vì Chúa không nói những điều viển vông,những việc trên mây trên gió,xa rời thực tế mà là những sự việc hết sức thực đang xẩy ra giữa con người. Lời giáo huấn của Chúa luôn hiện thực giữa thế giới con người, luôn xác thực đối với từng con người ở mọi thời, mọi nơi, mọi chỗ…

          Vâng,trước hết chúng ta cần hiểu một số vấn đề mà đoạn Tin Mừng của thánh Luca hôm nay nói tới : Pharisêu thời Chúa Giêsu là một lớp người tự coi mình là công chính, đạo đức,thánh thiện, họ tự đặt mình trên mọi người.Họ luôn cho rằng họ không giống những người được coi là tội lỗi trong xã hội Do Thái. Họ tự mãn, tự cao, tự đại.Ăn tiệc, họ chọn chỗ nhất để ngồi, ra ngoài đường họ giương giương tự đắc, tay đeo thẻ kinh, ăn mặc thùng thình,lúc nào cũng muốn mình được chào là thầy, là người lãnh đạo.Họ tỏ ra đạo mạo,hống hách, coi trời như vung, coi người khác bằng nửa con mắt. Người thu thuế thời Chúa Giêsu bị liệt vào hạng tội lỗi, cấu kết, đồng lõa với ngoại xâm để bóc lột dân chúng, làm giầu bất chính.Họ bị khinh miệt,bị xã hội coi là kẻ thù vv…

       Hiểu như thế, chúng ta sẽ thấy hai nhân vật này được Chúa Giêsu đưa ra hôm nay để nhắc nhở, giáo huấn, răn đe dân chúng, răn đe con người về thái độ hết sức tương phản về việc cầu nguyện. Việc cầu nguyện rất cần thiết đối với mọi người,tuy nhiên để lãnh nhận được ân sủng và được Chúa chấp nhận lời khẩn nguyện của con người lại là việc khác, nó tùy thuộc thái độ, cử chỉ cầu nguyện của mỗi người.Phân tích việc cầu nguyện của người Pharisêu và người Thu thuế sẽ thấy rõ ai được Chúa chấp nhận,ai bị Chúa từ chối ! Tin Mừng cho hay, người Pharisêu cảm nghiệm sâu xa mình cần cầu nguyện, nhưng vào Đền thờ, ông ăn mặc lòe loẹt, diêm dúa, trên đầu đeo thẻ kinh, ông ới rộng tua áo,tay cũng đeo thẻ kinh để chứng tỏ mình thông luật, am hiểu Kinh Thánh,ông tự kiêu tự đại, ông xông thẳng lên gần cung thánh, coi Chúa chẳng ra gì, chẳng nhằm nhò gì, ông đứng thẳng, giương cao đôi mắt đen lánh, sáng ngời, ông tự kể công, khoe khoang với Chúa về công trạng của mình,ông không coi Chúa là chi và ông cũng chẳng để ý đến ai.ông không coi Chúa là Đấng toàn năng, mọi sự đều do Ngài,ông hống hách,tự cao, ông không nhận ra Lòng Thương Xót của Chúa nhân từ. Ngược lại với sự kiêu ngạo của ông Pharisêu, người thu thuế ngồi mãi cuối Đền thờ, ông không dám ngước mắt nhìn lên Chúa đang bị treo trên Thập Giá.Ông tự nhận ra mình tội lỗi,bất xứng đối với Chúa.Ông gục mặt xuống đất, một cử chỉ khiêm nhượng thẳm sâu của một con người nghèo, người khao khát ơn Chúa. Ông đấm ngực mà tha thiết kêu lên, thân thưa với Chúa :” Lạy Chúa xin thương đến con là kẻ tội lỗi “. Thái độ này cho chúng ta hiểu thế nào là khó nghèo, thế nào là khao khát Chúa. Thái độ này là thái độ của kẻ hầu hạ, người nữ tỳ như Mẹ Maria, như bà góa nghèo nàn, như lòng tin của viên bách quản, như đức tin tàng ẩn của người phụ nữ bị băng huyến, như sự run rẩy, nhưng hết sức tin tưởng của người phụ nữ ngoại tình. Người thu thuế đã hết lòng khiêm nhượng xin Chúa thứ tha tội lỗi cho mình. Hai cử chỉ, hai thái độ cầu nguyện của người Pharisêu và người thu thuế đã đã làm cho mỗi người chúng ta phải hết lòng tạ ơn Chúa, đồng thời dạy chúng ta phải sống khiêm hạ, phải nhận ra mình là kẻ có tội phải nhờ Lòng Thương Xót của Chúa thứ tha. Chúa đã cho ta hay :” Người thu thuế được Chúa nhậm lời, người Pharisêu thì không “. Chúa nói :’ Ai đưa mình lên sẽ bị hạ xuống và ai tự hạ mình xuống sẽ được đưa lên “.

      Ngày nay, có rất nhiều Pharisêu đội lốt dưới nhiều nhãn hiệu hết sức trá hình, hết sức ranh mãnh,chúng ta cũng dễ bị cám dỗ rơi vào những cạm bẫy của ma quỷ, của thế gian như khi làm được ít việc đạo đức nào, làm được chút công việc từ thiện bác ái nào,ta cũng muốn khoe khoang, kể công với Chúa. Ta coi những việc làm của ta là có giá trị, những việc ấy sẽ kéo ta lên Thiên Đàng. Những suy nghĩ ấy là những cám dỗ đưa ta tới sự tự mãn, tự kiêu, dẫn ta tới việc tự ta làm vinh danh ta chứ không làm sáng danh Chúa. Chúng ta phải học đòi mẫu gương khiêm nhượng của Mẹ Maria:” Linh hồn tôi ngợi khen Chúa. Người nâng cao người phận nhỏ, đánh nhào bọn tự mãn, kiêu căng…”. Để cho lời cầu nguyện của chúng ta được Chúa nhậm lời, những lời cầu nguyện ấy phải phát xuất từ cõi lòng khiêm nhu, đạo đức, thánh thiện và đơn sơ của con người “.

      Andrê Luof đã viết :” Ân sủng mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta  là làm cho chúng ta nhận biết tội lỗi của mình.Đó là dấu chỉ cho thấy chúng ta được chữa lành khỏi sự mù lòa.Đó la dấu chỉ chắc chắn của ân sủng, ân sủng duy nhất của chúng ta trên trần gian và cũng là niềm vui duy nhất trên thiên đàng “.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

 

1.Thái độ của người thu thuế khi cầu nguyện trong Đền thờ ?

2.Đền Thờ nói ở đây là Đền Thờ nào ?

3.Hai thái độ, hai cử chỉ của người Thu thuế và người Pharisêu dạy ta bài học nào ?