CHÚA NHẬT 31 THƯỜNG NIÊN

Chúa Giê-su đến để tìm và cứu những gì đã mất

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Kn 11:22 – 12:2;  2 Tx 1:11 – 2:2;  Lc 19:1-10)

          Năm Phụng vụ sắp kết thúc trong ba tuần nữa.  Suốt ba mươi bốn tuần lễ mùa Thường niên, Lời Chúa đã trình bày con người và sứ mệnh của Chúa Giê-su.  Trước khi kết thúc việc trình bày này để mời gọi chúng ta tôn vinh Chúa Ki-tô là Vua vũ trụ, Giáo Hội muốn lập lại một lần nữa mục đích Chúa Giê-su đến trần gian là để tìm và cứu nhân loại đã mất khỏi móng vuốt ma quỷ và sự chết.  Sứ mệnh của Chúa Ki-tô được thực hiện dựa trên động lực duy nhất là lòng thương xót của Thiên Chúa dành cho nhân loại.  Đây cũng là điểm được nói đến trong bài đọc 1 trích sách Khôn Ngoan:  Chúa xót thương hết mọi người.  Để minh chứng cho chân lý đầy an ủi và khích lệ này, Tin Mừng Lu-ca thuật lại câu chuyện Chúa Giê-su đến Giê-ri-khô để kêu gọi ông Da-kêu trở về đường công chính.

          Trước hết chúng ta cùng tác giả sách Khôn Ngoan chiêm ngưỡng khuôn mặt lòng Thương Xót của Thiên Chúa.  Đoạn trích dẫn hôm nay là một lời nguyện vô cùng cảm động của loài người dâng lên Thiên Chúa, Đấng tạo dựng vũ trụ và nhân loại.  Lời nguyện thú nhận sự nhỏ bé của toàn thể vũ trụ và con người trước mặt Thiên Chúa, họ không xứng đáng để Người đoái thương.  Tuy nhiên, Thiên Chúa chẳng phải là Tạo hóa vô tình vô cảm, mà là một Thiên Chúa “yêu thương mọi loài hiện hữu”.  Lý giải cho lòng yêu thương này của Thiên Chúa, sách Khôn Ngoan chỉ cần đưa lý do và đặt một câu hỏi đơn sơ, là:  “Giả như Chúa ghét loài nào, thì đã chẳng dựng nên.  Nếu như Ngài không muốn, làm sao một vật tồn tại nổi?”  Đúng vậy, sở dĩ tôi được hiện hữu giống như mọi người là vì Chúa muốn tôi được hiện hữu.  Mà Chúa muốn tôi được hiện hữu là vì Chúa không ghét tôi, nhưng thương yêu tôi!  Lòng Chúa thương xót không dừng lại ở việc dựng nên ta, nhưng vẫn tiếp tục khi Người muốn chia sẻ sự sống của Người với ta, nhất là khi Người “xử khoan dung với mọi loài”, “sửa dạy từ từ và nhắc nhở chúng ta khi ta phạm tội”, để chúng ta bỏ đàng tội lỗi mà quay về với Người.

          Nếu đoạn sách Khôn Ngoan mời chúng ta chiêm ngắm lòng Thương Xót của Thiên Chúa thì bài Tin Mừng Lu-ca lại cho chúng ta cơ hội “thấy” được lòng Thương Xót ấy qua hành động Chúa Giê-su mời gọi ông Da-kêu, người đứng đầu những kẻ thu thuế, trở về đường công chính.  Trên đường lên Giê-ru-sa-lem, hôm nay Chúa Giê-su “đi ngang qua” thành Giê-ri-khô.  Chúng ta không nghĩ Chúa vô tình đi ngang qua Giê-ri-khô, nhưng Người cố ý đến Giê-ri-khô vì một việc quan trọng:  có một người đang “tìm cách để xem cho biết Đức Giê-su là ai”.  Phải, hôm nay Chúa Giê-su sẵn sàng để lại chín mươi chín con chiên để đi ngang qua Giê-ri-khô tìm con chiên lạc Da-kêu.  Ông Da-kêu đã muốn “xem cho biết” Chúa Giê-su là ai, thì nhất định Chúa phải đến, không những để ông được biết Người, mà ông còn được đón tiếp Người và thiết lập một tương quan thân thiết với Người nữa!  Ước ao của ông là được trông thấy Người nên ông tìm đủ cách để thắng vượt cái vóc người “lùn” của ông.  Chúa Giê-su cũng chẳng vừa!  Chúa hành động quá cả điều ông mong ước, vì Người đi một “bước nhảy vọt” là lên tiếng gọi ông xuống.  Chúa chủ động nhìn lên ông trên cây sung và Người còn đề nghị được “ở lại nhà ông” chứ không cần ông phải ngỏ lời mời trước.  Vì lòng Thương Xót, Chúa chẳng quan tâm những lời xầm xì của mọi người:  “Nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào trọ!”  Sau cuộc mừng rỡ đón rước Chúa, ông Da-kêu đã bị lòng Thương Xót quật ngã khiến ông thay đổi hoàn toàn.  Chính Chúa Giê-su cũng chứng thực điều ấy khi Người tuyên bố:  “Hôm nay, ơn cứu độ đã đến cho nhà này, bởi người này cũng là con cháu tổ phụ Áp-ra-ham.  Vì Con Người đến để tìm và cứu những gì đã mất”.

Sống sứ điệp Lời Chúa

          Có lẽ cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giê-su với ông Da-kêu điển hình cho cuộc gặp gỡ giữa Chúa và mỗi cá nhân chúng ta.  Chúng ta có thể đọc đi đọc lại câu chuyện cảm động này, tưởng tượng ra một khung cảnh sống động qua gương mặt sung sướng của Chúa, phong thái đầy hạnh phúc của ông Da-kêu, cuộc trò chuyện thân mật giữa hai người…, mỗi cử chỉ, mỗi lời nói đều có thể giúp chúng ta “gặp gỡ và ở lại” với Chúa Giê-su.

          Ngoài ra, chúng ta cũng có thể lắng nghe lời thánh Phao-lô nhắn nhủ tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca để đem thực hành trong đời sống mình:  “Xin Thiên Chúa chúng ta làm cho anh em được xứng đáng với ơn gọi, và xin Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh em và mọi công việc anh em làm vì lòng tin”.  Ở đây thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta về “ơn gọi” và “lòng tin” vào danh của Chúa Giê-su.  Đúng vậy, ơn gọi của chúng ta là được Thiên Chúa cho cải tử hoàn sinh để làm con cái Chúa.  Người gọi ta làm con cái Người và Người còn gọi ta hãy tin vào Con Một Người là Chúa Giê-su Ki-tô để ta cũng được tôn vinh.  Chúng ta tự hỏi “danh của Chúa Giê-su” mà thánh tông đồ nói đến là danh gì.  Thưa, danh ấy chính là lòng Thương Xót của Thiên Chúa.  Tên của Chúa Giê-su có nghĩa là “Thiên Chúa cứu độ”, cho nên lòng Chúa Thương Xót đến để tìm và cứu những gì đã mất.  Ông Da-kêu đã mất.  Ông Phao-lô đã mất.  Cả chúng ta cũng đã mất.  Nhưng hạnh phúc thay, vì Chúa Giê-su Ki-tô đã đến để tìm và cứu mọi người!

           Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C