CHÚA NHẬT II MÙA VỌNG

Dọn đường cho Đức Ki-tô là Đấng Cứu Độ đến

 

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Br 5:1-9;  Pl 1:4-6, 8-11;  Lc 3:1-6)

        Tuần trước, Phụng vụ Lời Chúa trình bày Chúa Giê-su đến trần gian để thi hành sứ mệnh cứu độ nhân loại.  Hôm nay chủ đề cứu độ chuyển sang một khía cạnh mới để chúng ta cùng nhau suy niệm sâu xa hơn:  Đức Ki-tô là nguồn ơn cứu độ và để tiếp đón Người, chúng ta phải dọn đường để Người đến với chúng ta.  Bài đọc 1 trích sách ngôn sứ Ba-rúc nói đến việc đặt tên mới cho thành Giê-ru-sa-lem vào thời Đấng Mê-si-a.  Ánh sáng và vinh quang ơn cứu độ chiếu tỏa từ Giê-ru-sa-lem Mới, và con cái Ít-ra-en từ khắp nơi tụ họp về để được Thiên Chúa dẫn đi trong hoan lạc.  Hình ảnh này được ám chỉ về Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ sẽ dẫn dắt một nhân loại mới trên đường về nhà Cha. Trong đoạn sách Ba-rúc, chính Thiên Chúa đã ra lệnh dọn đường “để Ít-ra-en tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa”.  Nhưng trong bài Tin Mừng, ông Gio-an đã mượn lời ngôn sứ Ba-rúc để kêu gọi mọi người “hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi”.  Còn thánh Phao-lô thì nài nỉ tín hữu Cô-rin-tô của ngài hãy cụ thể hóa việc dọn đường sửa lối cho Chúa đến bằng cách “hãy nên tinh tuyền, đừng làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm”.

 

        1.  Giê-ru-sa-lem Mới trong hào quang rực rỡ là hình ảnh ám chỉ Chúa Giê-su là Đấng Cứu Độ.  Chương 4 của sách ngôn sứ Ba-rúc đã nhân cách hóa thành Giê-ru-sa-lem, đóng vai một bà mẹ than van và hy vọng.  Bà than van về số phận lưu đày của các con cái bà, nhưng bà vẫn một niềm hy vọng sẽ có ngày các con trở về.  Đây là những lời thống thiết của bà:  “Các con ơi, làm sao mẹ giúp các con bây giờ?  Đấng đã giáng tai họa xuống các con, chính Người sẽ cứu các con khỏi tay thù địch.  Đi đi các con, đi đi thôi, mẹ đành phải ở lại một mình!  Mẹ đã cởi áo đẹp của lúc an vui thái bình, khoác áo thô để van xin khẩn nguyện.  Suốt chuỗi ngày còn sống, mẹ sẽ gào lên Đấng Vĩnh Hằng… Mẹ trông đợi Đấng Vĩnh Hằng  sẽ ban cho chúng con ơn giải thoát, Người là Đấng Thánh sẽ ban cho mẹ niềm vui;  mẹ vui vì nghĩ đến lòng thương xót mà Đấng Vĩnh Hằng, Vị Cứu Tinh của chúng con sắp đem đến cho chúng con” (Ba-rúc 4:17-20, 22).  Tiếp theo lời than van và bày tỏ niềm hy vọng của Giê-ru-sa-lem, chúng ta được nghe lời Thiên Chúa khích lệ:  “Giê-ru-sa-lem, can đảm lên nào:  Đấng đã đặt tên cho ngươi sẽ mang lại cho ngươi niềm an ủi”.  Tại sao hãy can đảm lên?  Bởi vì tình yêu Thiên Chúa yêu thương nhân loại bền vững tới muôn đời, Người vẫn trung thành trong lời hứa ban Đấng Cứu Độ và Người sẽ đặt Giê-ru-sa-lem làm biểu tượng cho ơn cứu độ.  Thành Giê-ru-sa-lem mang những tên mới nói lên những đặc nét của ơn cứu độ:  Đấng Vĩnh Hằng sẽ gọi thành là “Bình an xây dựng trên công chính”“Vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa”.  Ngôn sứ I-sai-a cũng có cùng một cái nhìn như thế khi ngài gọi Giê-ru-sa-lem là “Thành Đô của Đức Chúa” và “Xi-on của Đức Thánh Ít-ra-en” (Is 60:14).  Những tên mới này mô tả sứ mệnh của Đấng Cứu Độ sẽ đến.  Đúng vậy, Đấng Cứu Độ là Chúa Giê-su sẽ đến thiết lập sự bình an vĩnh viễn khi Người chuộc lại tội lỗi nhân loại để thực hiện đức công chính của Thiên Chúa.  Người cũng sẽ làm cho vinh quang Thiên Chúa được chiếu tỏa nơi tất cả những tâm hồn đón nhận tình yêu cứu độ của Thiên Chúa và cũng đón nhận chính Người là Đấng Cứu Độ.  Qua hai cái tên mới của Giê-ru-sa-lem, chúng ta sẽ thấy các thiên thần lập lại điệp khúc này trong đêm Ngôi Hai giáng trần:  Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương.

        Song song với hình ảnh Giê-ru-sa-lem chiếu tỏa ơn cứu độ, ngôn sứ Ba-rúc còn cho chúng ta thấy hình ảnh con cái Ít-ra-en từ đông sang tây tụ họp về theo lời Thiên Chúa truyền dạy.  Chúng ta thử tưởng tượng đoàn dân lưu đày trở về cố hương sau lệnh ân xá của vua Ky-rô.  Trước hết họ “hớn hở mừng vui” khi nghĩ rằng Thiên Chúa đã không bỏ rơi dân Người.  Họ vui khi nhớ lại ngày xưa lúc rời bỏ Giê-ru-sa-lem, họ phải cúi mặt lầm lũi đi trong tủi hổ vì bị quân thù áp giải, không xe không ngựa.  Trái lại, hôm nay trở về họ “được kiệu đi vinh quang rực rỡ”.  Đây cũng là biểu tượng nói lên số phận của những người được cứu độ.  Sau kiếp sống lưu dày nơi trần thế, ngày Đấng Cứu Độ đến đưa họ về nhà Cha chẳng khác gì dân Chúa ngày xưa hồi hương.  Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126:6).  Nhưng để chuẩn bị đường cho Đấng Cứu Độ đến, Thiên Chúa “đã ra lệnh phải bạt thấp núi cao và gò nổng có tự lâu đời, phải lấp thung lũng cho mặt đất phẳng phiu, để Ít-ra-en tiến bước an toàn dưới ánh vinh quang của Thiên Chúa”.  Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa là một hình ảnh vô cùng tuyệt diệu:  ơn cứu độ là “áo choàng công chính của Thiên Chúa” khoác trên mình Giê-ru-sa-lem, rồi con cái Giê-ru-sa-lem từ đông sang tây tụ họp về theo lời Đấng Thánh đã truyền dạy.  Hình ảnh Giê-ru-sa-lem ám chỉ Chúa Giê-su là nguồn ơn cứu độ được Thiên Chúa sai đến và “Ít-ra-en tiến bước an toàn” ám chỉ nhân loại từ khắp nơi đến đón nhận ơn cứu độ Người mang tới.

 

        2.  Ông Gio-an hô hào dọn đường cho Đấng Cứu Độ đến.  Theo ngôn sứ Ba-rúc, Thiên Chúa đã ra lệnh phải dọn đường “để Ít-ra-en tiến bước an toàn” về cố hương.  Nhưng nay ông Gio-an Tẩy Giả lại mượn những lời trong sách ngôn sứ Ba-rúc để hô hào dân chúng hãy dọn đường sửa lối cho Đấng Cứu Độ là Chúa Giê-su đến.  Dĩ nhiên con đường và lối đi là tâm hồn mỗi người chúng ta.  Gio-an đã mô tả con đường tâm hồn chúng ta đều có những trở ngại ngăn cản Chúa đến.  Không phải là Chúa không muốn đích thân dọn đường cho Người như Người đã dọn đường cho dân Ít-ra-en trở về Giê-ru-sa-lem, nhưng Chúa muốn chính chúng ta phải làm công việc ấy vì nó liên hệ đến tương lai cứu độ của chúng ta.  Chúa không đóng vai độc tài trong việc cứu độ chúng ta, nhưng Người muốn chúng ta phải cộng tác với Người trong kế hoạch cứu độ.  Chúng ta có thể làm công việc chuẩn bị này khi nhìn lại tình trạng tâm hồn của mình.  Ông Gio-an đã nêu lên những trở ngại trên con đường, đó là thung lũng, núi đồi, khúc quanh co, chỗ lồi lõm.  Mỗi hình ảnh đòi chúng ta phải xét và nhận định rõ.  Thí dụ, thung lũng trong tâm hồn tôi là gì?  Là lòng tham không đáy?  Núi đồi nghĩa là gì đối với tôi?  Là tính kiêu căng ngạo mạn?  Khúc quanh co có phải là sự thiếu thành thật ngay thẳng không?  Chỗ lồi lõm nghĩa là gì?  Có phải là tôi có quá nhiều thói hư nết xấu cần sửa đổi không?

        Ông Gio-an chủ ý kể ra những trở ngại ngăn cản Chúa đến trong tâm hồn chúng ta không phải để chúng ta nản lòng, nhưng là để hướng chúng ta về niềm hy vọng chắc chắn.  Niềm hy vọng ấy được ông nói đến sau cùng khi ông tuyên bố:  “Rồi hết mọi người phàm sẽ thấy ơn cứu độ của Chúa”.  Ông Gio-an đã làm hết nhiệm vụ của mình là chỉ cho chúng ta thấy Đấng Cứu Độ và con đường cứu độ, rồi ông lui vào bóng tối.  Phần còn lại sau khi “thấy” ơn cứu độ là của chúng ta, nghĩa là hãy trở lại với việc dọn đường sửa lối.  Chúa Giê-su đến trong lịch sử chỉ một lần, nhưng Người vẫn tiếp tục đến với chúng ta hằng ngày.  Do đó, chúng ta vẫn phải tiếp tục dọn đường sửa lối hằng ngày để tâm hồn chúng ta được xứng đáng tiếp rước Chúa.  “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con được lành mạnh”.  Mỗi ngày chúng ta hãy lập lại lời nói ấy với Chúa và xin Chúa cho chúng ta thấy hôm nay chúng ta phải sống sao cho xứng đáng hơn, nghĩa là phải tập nhân đức nào và sửa tính xấu nào.  Cứ làm như thế mỗi ngày, chắc chắn chúng ta chẳng những được “thấy” ơn cứu độ của Chúa, mà còn gặp gỡ chính Đấng Cứu Độ trong mối tương quan càng lúc càng thân thiết hơn.

 

Sống sứ điệp Lời Chúa

        Chúng ta đã nghe ông Gio-an Tẩy Giả mô tả cách dọn đường sửa lối để Chúa đến với tâm hồn chúng ta.  Riêng thánh Phao-lô lại nhấn mạnh đến việc dọn đường “trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm”, tức là ngày Chúa đến khi chúng ta lìa bỏ cõi đời này cũng như ngày Chúa đến lúc tận thế.  Bao giờ Tận thế đến thì chúng ta không biết, ngay cả ngày giờ chết của chính mình, chúng ta cũng không thể ngờ.  Nhưng Chúa đến với từng người chúng ta trong giờ chết và Chúa đến với mọi người trong ngày Tận thế là hai sự kiện chắc chắn sẽ xảy ra.  Vì thế, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc chuẩn bị tâm hồn.  Thánh Phao-lô đưa ra một tiêu chuẩn chung cho tất cả mọi người trong việc chuẩn bị tâm hồn, đó là “anh em hãy nên tinh tuyền, đừng làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Đức Ki-tô quang lâm”.  Hãy nên tinh tuyền là thái độ tích cực và đừng làm gì đáng trách là thái độ tiêu cực.  Đó cũng là hai phương diện bổ sung cho nhau.  Nói khác đi, nếu chúng ta muốn nên tinh tuyền thì đừng làm gì đáng trách.  Hoặc càng bớt đi những gì đáng trách thì chúng ta càng trở nên tinh tuyền hơn.  Cứ kiên trì như thế, chắc chắn sẽ có ngày chúng ta đạt tới tầm viên mãn trong Đức Ki-tô và cũng là tiến trình trở nên giống Đức Ki-tô hoặc trở nên thánh vậy.

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi


Suy Niệm Lời Chúa Năm C