CHÚA NHẬT THỨ II MÙA CHAY, năm C

Lc 9, 28b-36

 

CUỘC BIẾN HÌNH ĐẸP MẮT CỦA CHÚA GIÊSU

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

Nếu nhìn theo mắt người phàm, cuộc biến hình của Chúa Giêsu xem ra thật hấp dẫn và đẹp mắt. Mà không đẹp, không hấp dẫn sao được khi Tin Mừng của thánh Luca nói:” Đang lúc Chúa Giêsu cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh rực rỡ”( Lc 9, 28 b ). Chúa biến hình trên núi để tỏ uy quyền và vinh quang của Chúa cho các môn đệ thân tín. Các môn đệ còn ngái ngủ và khi tỉnh dậy, các ông thấy Đức Giêsu chói lòa trong vinh quang. Cái hào nhoáng bên ngoài làm các môn đệ lóa mắt. Các ông vẫn sống trong say xưa của vinh quang Thầy mình. Ngộ giả chỉ thấy vinh quang của cuộc biến hình của Chúa Giêsu, rồi đứng yên ở vinh quang ấy thì quả thực cái chết của Chúa Giêsu sau này, chắc chắn các môn đệ không bao giờ dám màng, dám nghĩ đến.

 

CUỘC BIẾN HÌNH CỦA CHÚA GIÊSU LÀ PHẦN THƯỞNG CỦA THIÊN CHÚA CHA: 

Thường Con người sinh ra trên trần gian này vẫn ước mong được may mắn, hạnh phúc hơn là gặp rủi ro, đau khổ. Chấp nhận đau khổ để được sự sống vĩnh cửu sau này là phần thưởng cho những con người có đức tin. Vinh quang, hạnh phúc may mắn đâu có tới dài dài cho cuộc sống của một con người vì nếu cứ luôn luôn được ca tụng, tâng bốc, sáng láng luôn mãi sẽ làm cho con người dễ tự kiêu, tự đại, dễ quên đi Đấng tạo dựng nên họ. Suốt cuộc đời ẩn dật và ba năm rao giảng của Chúa Giêsu cũng vậy, cuộc đời của Chúa Giêsu là cuộc đời mai ẩn, Ngài ẩn dật và chỉ muốn khiêm hạ để con người nhận ra và tự do yêu mến Ngài. Chúa Giêsu không bắt buộc con người phải tung hô, phải ca tụng Chúa, Ngài mai ẩn và để con người hoàn toàn tự do đến với Ngài. Cuộc biến hình của Chúa Giêsu trên núi hôm nay cho ba môn đệ Phêrô, Giacôbê và Gioan là một cuộc đáp trả của Thiên Chúa Cha khi Chúa Giêsu sẵn sàng vâng phục ý Chúa Cha để gánh tội cứu chuộc loài người. Các môn đệ thân tín thoáng thấy vinh quang của Chúa Giêsu, họ đã cảm thấy ngất ngây vì ánh sáng tuyệt vời của Ngài. Aùnh sáng này là phần thưởng của cả một sự vâng phục thánh ý Thiên Chúa Cha. Aùnh sáng này, Chúa Giêsu sẽ được Chúa Cha trao ban khi Người làm cho Đức Kitô từ trong cõi chết sống lại. Thiên Chúa Cha luôn yêu thương tôn trọng Chúa Con và đáp trả tình yêu vâng phục của Chúa Giêsu, Con của Người, Chúa Cha đã mặc vinh quang và ánh sáng cho Chúa Giêsu. Chúa Giêsu được biến đổi ngay trong lúc cầu nguyện ngay trong lúc đang thân mật với Chúa Cha và lúc đó tiếng Chúa Cha làm ta suy nghĩ nhiều:” Này là Con Ta yêu dấu, hãy nghe lời Người”.

 

CUỘC BIẾN ĐỔI CỦA CHÚA GIÊSU NÓI GÌ CHO TA ?

Các môn đệ sau cuộc biến hình của Chúa Giêsu, lại gặp Ngài với con người thường nhật của Chúa. Và chỉ sau khi Chúa sống lại, các môn đệ lại thấy con người vinh quang của Chúa. Luca khi tường thuật cuộc hiển dung của Chúa Giêsu chỉ ra hai thực tế: thần tính-nhân tính và khiêm hạ-vinh quang liên kết với nhau. Sự việc biến hình xẩy ra khi các môn đệ đang ngủ và sự kiện này gợi ra cuộc thương khó Chúa Giêsu sẽ chịu ở Giêrusalem vì tình yêu vâng phục Thiên Chúa Cha.Quả thực, mọi người chúng ta đã được Kinh Thánh, Phụng vụ, Giáo Huấn của Hội Thánh dậy bảo nhiều. Với những nghi lễ phụng vụ nghiêm trang, đạo đức và đẹp mắt chúng ta vẫn tham dự, chúng ta trở về với thực tế cuộc sống hằng ngày, Chúa vẫn hiện diện, vẫn đồng hành, vẫn có mặt với ta trong mọi biến cố cuộc đời. Và như thánh Phaolô nói:” Chúng ta phản chiếu sự sáng láng của Chúa, và chúng ta được hiển dung theo cũng chính hình ảnh này càng ngày càng chói sáng”( 1 Co 3, 18 ). Vâng, cuộc hành trình đức tin của ta dù có nhiều thử thách, gian nan, thánh giá, nhưng nếu ta kiên tâm chịu đựng, sẵn sàng đi theo Chúa, chúng ta sẽ  gặp được Ngài trong thâm giao êm ái và chắc chắn, ta sẽ được hiển dung với Chúa vì ta được tạo dựng giống hình ảnh của Ngài.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con biết kiên tập chịu đựng để chúng con cũng noi gương Chúa làm mọi sự vì tình yêu vâng phục Chúa Cha, xin cho chúng con được hiển dung với Chúa.

 

GỢI Ý CHIA SẺ:

1.      Tại sao Chúa hiển dung ?

2.      Biến hình nói gì với chúng ta ?

3.      Phêrô, Giacôbê và Gioan có hiểu ngay sự biến hình của Chúa Giêsu ?


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà