CHÚA NHẬT II MÙA CHAY, C

(Lu-ca 9: 28-36)

         

        Một lần nữa, ta lại thấy thánh Lu-ca sử dụng khéo léo cách móc nối đoạn Tin Mừng Chúa Giê-su biến đổi hình dạng với lời Chúa tuyên bố trước đó về những điều kiện để theo Người, khi ngài mở đầu câu truyện:  “Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện...”  Viết như thế, thánh sử muốn ta phải căn cứ vào những lời Chúa Giê-su đã nói và việc Người lên núi cầu nguyện làm chìa khóa để hiểu được ý nghĩa của sự kiện Người biến đổi hình dạng.  Do đó, ta không thể bỏ qua đoạn Tin Mừng đi trước câu truyện này.  Vậy sau khi nêu lên những điều kiện phải có để theo Người, Chúa Giê-su khẳng định:  “Thầy bảo thật anh em:  trong số người có mặt ở đây, sẽ có kẻ sẽ không phải chết trước khi thấy Nước Thiên Chúa” (Lc 9:27).  Có nghĩa là trước khi chết họ đã có thể “thấy Nước Thiên Chúa” ngay tại đời này rồi.  Đó là những lời Chúa Giê-su nói tám ngày trước khi Người “lên núi cầu nguyện” và biến đổi hình dạng.  Những chi tiết quan trọng này sẽ soi sáng để ta hiểu được tại sao Chúa tỏ ra hình dạng vinh hiển.

 

a)  Thấy Nước Thiên Chúa nghĩa là nhận biết Chúa Giê-su là ai

 

Bài Tin Mừng Lu-ca Chúa Nhật I mùa Chay đã trình bày Chúa Giê-su trong hoang địa chịu cám dỗ chối bỏ căn tính cũng như sứ mệnh của mình và Chúa đã chiến thắng cám dỗ.  Đó cũng là cám dỗ của mọi người môn đệ.  Vậy mà sau khi Chúa cho các tông đồ biết Người sắp chịu cuộc Thương khó, thi hành sứ mệnh cứu chuộc tội lỗi loài người, tức là cho các ông biết rõ chân tính của Người, thì các ông lại không muốn chấp nhận điều ấy.  Đó là lý do về phía các tông đồ, sở dĩ Chúa Giê-su muốn tỏ ra vinh hiển Người sẽ lãnh nhận sau khi hoàn tất sứ mệnh của Người Tôi tớ chịu đau khổ là vì Người muốn giúp các ông lấy cái nhìn đức tin mà nhận biết Người thực sự là ai.

Đối với Tin Mừng Lu-ca, “thấy Nước Thiên Chúa” nghĩa là nhìn nhận và tuân phục quyền tối cao của Đức Giê-su Phục Sinh.  Hoặc nói theo Phao-lô, thấy Nước Thiên Chúa có nghĩa là tuyên xưng Đức Giê-su Ki-tô là Chúa (Pl 2:11; Rm 10:9).  Hay nói theo suy tư thực tiễn cho ta, thấy Nước Thiên Chúa ngay tại đời này có nghĩa là ta đã nhận biết Chúa Giê-su là Đấng nào và có lòng tin vào Chúa Giê-su Phục Sinh.  Khi biến đổi hình dạng nên sáng láng, Chúa Giê-su cho các tông đồ thoáng nhận ra vinh hiển tương lai của Người.  Điều này rất cần thiết cho các ông, vì các ông sẽ không còn nhìn căn tính và sứ mệnh của Chúa Giê-su một cách phiến diện hoặc tiêu cực nữa, nhưng là một hình ảnh trọn vẹn từ thập giá đến vinh quang.  Các ông sẽ cùng với Chúa lên Giê-ru-sa-lem, không phải để hồ hởi chứng kiến Người được dân chúng tôn làm vua trần thế, nhưng là để cùng chịu đau khổ và chịu chết với Người (2 Tm 2:11b-12a), đồng thời cũng để củng cố niềm tin của họ vào sự Phục Sinh vinh hiển của Người.

Những lời Chúa Giê-su vừa nói với “mọi người” không chỉ dành cho các tông đồ, nhưng cho hết thảy những ai muốn làm môn đệ Chúa trong mọi thời mọi nơi.  Ai cũng cần phải “thấy Nước Thiên Chúa,” cần phải nhìn nhận và làm chứng cho Chúa Ki-tô Phục Sinh trong cuộc sống trần gian của mình.  Cuộc biến hình sáng láng của Chúa sẽ phá tan đi tất cả những nét sai lạc ta thường có về hình ảnh đích thực của Đấng Cứu Thế, đồng thời cũng củng cố đức tin của ta nơi Người.  

 

b)  “Đang lúc Chúa Giê-su cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác”

 

        Ta đều biết cầu nguyện giữ vai trò vô cùng quan trọng trong cuộc sống của Chúa Giê-su.  Người hằng cầu nguyện với Chúa Cha, cầu nguyện cho mình, cầu nguyện cho môn đệ và cho cánh đồng truyền giáo.  Lần này chắc chắn là Người cầu nguyện cho chính mình khỏi sa chước cám dỗ, giống như tám ngày trước đây Người đã cầu nguyện (Lc 9:18) để có sức mạnh thẳng thắn bác bỏ đề nghị của Phê-rô muốn can gián Người lên Giê-ru-sa-lem thi hành sứ vụ Đấng Ki-tô.  Trong lần cầu nguyện này, Người phải “lên núi” để gặp gỡ Chúa Cha.  Người đàm đạo với ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a trước sự hiện diện của Chúa Cha.  Nội dung câu chuyện của các Ngài là “cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.”  Chúa Giê-su thấy cần phải lập đi lập lại xác tín căn tính và sứ mệnh đích thực của mình.  Quỷ bỏ đi sau cám dỗ tại hoang địa, chờ đợi thời cơ.  Và đây chính là thời cơ, tức là “giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha” (Ga 13:1) hoặc giờ của “cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.”  Càng gần tới “giờ” thì càng là thời cơ thuận tiện cho Xa-tan.  Cơn cám dỗ triền miên về căn tính và sứ mệnh đang tiến gần đến cao điểm tại Vườn Cây Dầu.  Để thắng cơn cám dỗ quyết liệt, Chúa Giê-su muốn khiêm tốn chấp nhận kế hoạch và thánh ý của Chúa Cha được tỏ ra cho Người qua Lời Chúa là Lề Luật và các Ngôn sứ.  Sự xuất hiện của ông Mô-sê và ngôn sứ Ê-li-a nhắc nhở Chúa Giê-su sẽ thực thi những gì đã được chép trong Kinh Thánh về Người.

        Cầu nguyện biến đổi con người Chúa Giê-su.  Hình ảnh sáng láng chỉ về vinh quang Người sẽ lãnh nhận sau khi hoàn tất sứ mệnh.  Tuy nhiên ta cũng có thể nghĩ đây là tình trạng “được chiếu sáng” (illumination) của Chúa Giê-su, hoàn toàn quán triệt được căn tính và sứ mệnh của Người.  Với xác tín trong sáng và sắt đá như thế, Chúa Giê-su mới có thể chu toàn được sứ mệnh vô cùng khó khăn và cao cả Chúa Cha đã trao phó cho Người.  Hình ảnh đẹp đẽ và linh thiêng của Chúa Giê-su là Đấng Ki-tô, Người tôi trung của Thiên Chúa, đã được chính lời Chúa Cha xác nhận:  “Đây là Con Ta, người đã được Ta tuyển chọn,” cũng là những lời Người đã phán với Chúa Giê-su khi chịu phép rửa của Gio-an (Lc 3:22).

 

c)  Ông Phê-rô muốn dựng lều cho Chúa

 

        Một cách nào đó, cuộc hiển dung của Chúa Giê-su đã tác động trên ông Phê-rô và các bạn ông.  Ông thưa với Chúa:  “Thưa Thầy, chúng con ở đây, hay quá!  Chúng con xin dựng ba cái lều, một cái cho Thầy...”  Ông đã thay đổi phần nào, đã hiểu phần nào con người và sứ mệnh đích thực của Chúa Giê-su nhờ những gì ông đã được chứng kiến ở trên núi với Người.  Cảm nghiệm của ông về Thiên Chúa khi được chiêm ngưỡng Chúa Giê-su biến đổi hình dạng đã gợi ý cho ông làm một cái gì đó để được “ở lại” với Người.  Ông đề nghị dựng một cái lều cho Chúa Giê-su để Người “cư ngụ” với ông như Thiên Chúa đã cư ngụ tại Lều chứng với dân Do-thái trong sa mạc ngày xưa.  Nhưng quả thực,Chúa Giê-su Con Thiên Chúa “đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta” rồi (Ga 1:14).

        Ta cần để Chúa Giê-su cư ngụ với ta, thì ta mới nhận biết được Người là ai và sứ mệnh của Người là gì.  Ý định dựng lều của ông Phê-rô phải được thực hiện nơi mỗi người Ki-tô hữu.  Ta lấy gì để dựng lều đây?  Trái tim ta sẽ là “túp lều lý tưởng.”  Trí tuệ ta sẽ là nơi ta nghĩ về Người.  Ý chí ta sẽ là chỗ để ta muốn và hăng hái đáp lại lời gọi của Người.  Tóm lại, tất cả con người ta sẽ là nơi Chúa tiếp tục biến hình, để ta sống nhưng không phải ta mà là Chúa Giê-su sống trong ta và chiếu sáng trong ta.

 

d)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Chúa Giê-su nói với mọi người:  “Thầy bảo thật anh em, trong số người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không nếm sự chết, trước khi thấy Nước Thiên Chúa”, tức là những người nhận biết Người là Đấng Ki-tô đích thực.  Vậy tôi đang có mặt trong Giáo Hội của Chúa Giê-su, nhưng tôi có thực sự nhận biết con người và sứ mệnh của Người không?  Tại sao không?

        Đâu là “cuộc xuất hành” của tôi?  Tôi sẽ hoàn thành thế nào cho đúng với tư cách là Ki-tô hữu con Chúa?

        Những lời Chúa đã nói với tôi khi tôi được rửa tội:  “Đây là người con Ta yêu dấu” có thể được nghe lại vào lúc này và ở đây không?

        Cuộc biến đổi hình dạng của Chúa giúp tôi có tâm tình nào trong hành trình đức tin mùa Chay này?

 

Lời nguyện:

 

        “Lạy Chúa Giê-su, xin biến đổi con,

        xin biến đổi con từ từ qua cầu nguyện.

        Mỗi lần con thấy Chúa,

        xin biến đổi ánh mắt con.

        Mỗi lần con rước Chúa,

        xin biến đổi môi miệng con.

        Mỗi lần con nghe lời Chúa,

        xin biến đổi tai con.

        Xin làm cho khuôn mặt con ngời sáng hơn sau mỗi lần gặp Chúa.

        Ước chi mọi người thấy nét tươi tắn của Chúa trong nụ cười của con,

        thấy sự dịu dàng của Chúa trong lời nói của con.

        Thế giới hôm nay không cần những ki-tô hữu có bộ mặt chán nản và thất vọng.

        Xin cho con biết nhẫn nại và can đảm

        cùng đi với Chúa và với tha nhân

        trên những nẻo đường gập ghềnh.  A-men.

                                (Trích RABBOUNI, lời nguyện 24)

 

Lm. Đaminh trần đình Nhi

5/3/2004


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà