CHÚA NHẬT III MÙA VỌNG, C

(Lu-ca 3: 10-18)

 

        Sau khi đã trích dẫn đoạn Tin Mừng Lu-ca giới thiệu thân thế và sứ vụ của ông Gio-an Tẩy Giả (Chúa Nhật II mùa Vọng), Phụng vụ Lời Chúa hôm nay tiếp tục sử dụng đoạn kế tiếp ghi lại những lời khuyên ông Gio-an nói với đám đông.  Đây cũng chính là những điều cụ thể ông đề nghị người ta hãy làm mà sửa đường dọn lối để đón Chúa đến.  Đám đông dân chúng đến với ông để xin lãnh nhận phép rửa.  Nhưng trước khi lãnh nhận, họ cần phải biết ý nghĩa của nghi thức ấy.  Nhận phép rửa không phải là chạy theo một phong trào, bởi vì thời ấy cũng có những nghi thức tương tự.  Phép rửa của ông Gio-an chỉ là một dấu chỉ nói lên một quyết định của tâm hồn, một khởi đầu cho một hành trình mới, tức là hành trình của những nguời muốn trở về làm con Thiên Chúa.  Do đó, quyết định phải trưởng thành, nghĩa là sau khi đã nhận phép rửa hoặc đã quyết tâm sám hối, thì phải làm sao “sinh những hoa quả xứng với lòng sám hối.”  Khi trả lời những lớp người tiêu biểu cho dân chúng Ít-ra-en đến hỏi ngài mình phải làm gì, ông Gio-an đã đi thẳng vào vấn đề của họ.  Câu trả lời của ông cũng có thể là câu trả lời dành cho mỗi người chúng ta.

 

a)  Tôi phải làm gì?

 

        Cùng một câu hỏi được lập lại cho từng lớp người đến với ông Gio-an sau khi họ nghe ông giảng về việc sám hối.  Nhưng đó cũng là câu hỏi mỗi người Ki-tô hữu cần phải lập lại từng ngày mỗi khi nhìn lại cuộc sống mình và muốn được thăng tiến trong đời sống tâm linh.  Khi tự hỏi “Tôi phải làm gì?” tức là ta đã dựa trên những gì không tốt đẹp thuộc dĩ vãng để phóng cái nhìn về tương lai và sẵn sàng làm một điều gì đó tốt đẹp hơn.  Như vậy trước hết ta phải chấp nhận nhu cầu cần thay đổi hoặc cải tiến.  Biến đổi con người mình mỗi ngày một tốt hơn đó là đáp lại lời gọi nên thánh mà Cha trên trời đã nhắc nhở ta:  “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).  Sở dĩ ông Gio-an phải ngăm đe đám đông đến xin làm phép rửa:  “Cái rìu đã đặt sát gốc cây” bởi vì họ cho là mình không cần phải sám hối.  Họ tưởng họ có thể tránh né được cơn giận của Chúa, hoặc cậy mình là con cái Chúa và nghĩ có đời nào Chúa lại trừng phạt họ.

        Chấp nhận nhu cầu sám hối là bước căn bản để bắt đầu hành trình đổi mới con người.  Ta biết ta cần phải làm một điều gì đó để đổi mới.  Điều gì đó không phải là cái gì hoàn toàn mới lạ mình chưa từng thấy, trái lại, là những gì gắn liền với cuộc sống thường ngày của ta.  Là những gì đáng lẽ ta đã làm, nhưng hoặc vì quên, hoặc vì ngại phải hy sinh, hoặc vì không có lợi gì cho ta nên ta đã bỏ qua.  Thí dụ như khi ta phung phí đồ ăn mà không biết chia sẻ với những người nghèo đói trên thế giới, khi ta có không phải chỉ hai cái áo nhưng là hàng chục hàng trăm cái áo đủ kiểu đủ mốt treo đầy mấy phòng quần áo mà không muốn dành ra một vài đồng để bỏ vào quỹ người nghèo.  Ông Gio-an không bảo những người thu thuế và lính tráng phải thay đổi nghề nghiệp, nhưng họ phải sống sao cho đúng với danh nghĩa của mình:  thu thuế thì phải công bằng chứ đừng gian lận, binh sĩ thì đừng cậy có khí giới trong tay mà lên mặt hà hiếp dân chúng.

 

b)  Con đường sám hối còn phải tiếp tục mãi       

 

        Có thể nhiều người ngộ nhận sứ vụ của ông Gio-an.  Họ đã cảm nghiệm nơi họ một thay đổi đáng kể nhờ lời giảng và phép rửa của ông.  Họ muốn dừng lại ở đây và coi như thế là đủ rồi.  Nhưng ông Gio-an thẳng thắn cho họ biết ông và phép rửa của ông chưa phải là đích tới của sám hối, mà chỉ là một phương tiện giúp người ta bắt đầu lên đường đi đến đích tới.  Đích tới ấy là Đấng Mê-si-a đích thực, Đấng quyền thế hơn Gio-an và “sẽ làm phép rửa cho anh em trong Thánh Thần và lửa.”

        Để làm sáng tỏ ý niệm về Đấng Mê-si-a, ông Gio-an đã giải thích thêm cho dân chúng hiểu.  Thời ấy, người Do-thái thường hiểu Đấng Mê-si-a theo ý nghĩa chính trị, tức là một vị đến giải phóng quốc gia khỏi ách nô lệ.  Ngay cả một số môn đệ Chúa Giê-su cũng lầm tưởng như vậy (Lc 24:21; Cv 1:6).  Còn ông Gio-an thì cho ta một hình ảnh rõ ràng về Đấng Mê-si-a và sứ vụ của Người.

        Trước hết, Đấng Mê-si-a sẽ đến trong một tư thế dũng mạnh.  Không phải dũng mạnh do lực lượng quân đội và vũ khí như một ông vua trần gian, nhưng dũng mạnh vì “được đầy tràn Thánh Thần” để lãnh đạo một vương quốc của ơn cứu độ.  Chính Người sẽ đánh bại Xa-tan và hủy diệt quyền lực của nó.  Thánh Mác-cô diễn tả khởi đầu cuộc chiến đó:  “Không ai vào nhà một người mạnh mà có thể cướp của được, nếu không trói người mạnh ấy trước đã, rồi mới cướp sạch nhà nó” (Mc 3:27).  Vậy khi thắng cám dỗ của Xa-tan trong hoang địa, Chúa Giê-su đã “trói” nó lại rồi, sau đó Người trở về Ga-li-lê để bắt đầu sứ vụ cứu thế, và trong quyền năng Thánh Thần, Người sẽ dần dần “cướp sạch nhà nó.”  Thánh Lu-ca sau này cũng ghi lại tư thế dũng mạnh của Chúa Giê-su qua lời Chúa nói về cuộc chiến giữa Người với quỷ vương Bê-en-dê-bun:  “Nhưng nếu có người mạnh hơn đột nhập và thắng được người ấy, thì sẽ tước lấy vũ khí mà người ấy tin tưởng và sẽ đem phân phát những gì đã lấy được” (Lc 11:22).

        Thánh Gio-an Tẩy Giả còn mô tả sứ vụ của Đấng Mê-si-a qua hai hành động tiêu biểu:  làm phép rửa trong Thánh Thần và lửa, và cầm nia rê sạch lúa trong sân.  Qua phép rửa trong Thánh Thần được khai diễn vào ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Chúa Giê-su sẽ làm cho nhân loại được trở thành những người con Chúa.  Ta sẽ được rửa bằng “máu và nước” trào ra từ trái tim Người.  Ta cũng sẽ được ở “trong Thánh Thần,” tức là được “đầy tràn Thánh Thần” như Chúa Giê-su.  Chúa Giê-su sẽ dùng lửa Thánh Thần mà thanh luyện nhân loại, tạo dựng một nhân loại mới cho Chúa Cha.  Cũng vậy, giống như người cầm nia rê sạch lúa trong sân, Chúa Giê-su sẽ tiêu diệt dần dần quyền năng và ảnh hưởng của Xa-tan trong thế giới, để “thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi.”  Thế giới cũ là sân lúa gồm cả thóc mẩy lẫn thóc lép.  Chúa Giê-su sẽ tạo dựng một “trời mới, đất mới” qua sứ vụ cứu thế của Người.

        Như vậy, khi rao giảng sám hối, làm phép rửa, và giải thích về vai trò của Đấng Mê-si-a, ông Gio-an Tẩy Giả đã mở ra cho ta một viễn tượng mới:  ơn cứu rỗi đã đến gần, hãy thay đổi lối sống để tiếp nhận Tin Mừng là chính Đức Ki-tô và sứ vụ cứu thế của Người, và tiếp tục cuộc thay đổi đó cho tới ngày Người đến gặp ta vào giờ sau hết.

        Bí tích Rửa tội cho ta danh phận làm con Thiên Chúa để ta bắt đầu cuộc hành trình biến đổi trong quyền năng Thánh Thần.  Cuộc biến đổi ấy phải được thể hiện từng giây từng phút cuộc đời, trong lời nói, suy nghĩ và hành động của ta, theo khuôn mẫu là chính Chúa Giê-su, người Con Một và Con Yêu Dấu của Chúa Cha, để khi Đấng Mê-si-a đến phán xét trong ngày cánh chung, ta cũng được ở trong số “thóc mẩy được thu vào kho lẫm” vĩnh cửu.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Nếu tôi hỏi thánh Gio-an Tẩy Giả tôi phải làm gì, ngài sẽ trả lời thế nào với tôi?  Tôi có một chương trình nào để thực hiện lời khuyên của ngài không?

        Tôi có hồi tâm mỗi ngày trước khi đi ngủ để nhìn lại ngày sống của mình và hỏi Chúa:  “Con phải làm gì để tốt hơn?” không?  Tôi có chú tâm vào một điểm nào đặc biệt (loại trừ một nết xấu, tập một nhân đức) và dành một thời gian để thực hiện điểm đó không?  Cách thức thực hiện như thế nào?

        Chúa Ki-tô dũng mạnh đến với tâm hồn tôi và cho tôi được đầy tràn Thánh Thần.  Nhưng tôi có cộng tác với Người để việc biến đổi nên con người mới nơi tôi được thể hiện không?  Tôi tìm thấy nơi Chúa Giê-su gương mẫu nào để biến đổi theo lời Người mời gọi:  “Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15)?

 

        “Lạy Chúa,

                khi đến với Chúa,

        con tháo bỏ đôi giày:  những tham vọng của con,

        con cởi bỏ đồng hồ:  thời khóa biểu của con,

        con đóng lại bút viết:  các quan điểm của con,

        con bỏ xuống chìa khóa:  sự an toàn của con,

        để con được ở một mình với Ngài,

        lạy Thiên Chúa duy nhất và chân thật.

                Sau khi được ở với Ngài,

        con sẽ xỏ giày vào để đi theo đường của Chúa,

        con sẽ đeo đồng hồ để sống trong thời gian của Chúa,

        con sẽ mang kính vào để nhìn thế giới của Chúa,

        con sẽ mở bút ra để viết những tư tưởng của Chúa,

        con sẽ cầm chìa khóa lên để mở những cánh cửa của Chúa.”

- Graham Kings

(Trích RABBOUNI, lời nguyện 27)

Lm. Ðaminh Trần Ðình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà