Suy niệm: LỄ THÁNH GIA THẤT.

 

Huấn ca: 3, 2-14 - Côlôxê 3, 12-21 - Luca 2, 41-52.

 

TRẦN DUY NHIÊN

 

Khi nói về Thánh Gia Thất, tín hữu thường có những hình ảnh rất êm đềm của một gia đình hạnh phúc giữa những con người mà nhân đức đã được nâng đến mức tuyệt đối. Ta hình dung Đức Mẹ thật đẹp, đẹp từ người tới tâm hồn; Thánh Giuse hiền lành, quảng đại và luôn biết giải quyết mọi vấn đề trong gia đình. Phần Chúa Giêsu, Ngài là một con trẻ luôn làm hài lòng cha mẹ với trí thông minh tuyệt hảo, với tình yêu thương cha mẹ đậm đà, với tinh thần vâng phục không một nếp nhăn. Nếu ta nghĩ như thế thì không hẳn là sai, nhưng có vẻ đơn giản hóa thực tế. Cuộc sống thực tế của Thánh Gia như thế nào? Bài Phúc Âm hôm nay đã thoáng cho thấy một vài gợn sóng trên nếp sống yên hàn của Gia Đình Nazaret. Cậu con trai mới 12 tuổi đã lìa khỏi cha mẹ mà làm theo ý mình. Cậu không buồn xin phép cha mẹ để ở lại Giêrusalem, và khi gặp lại cha mẹ sau ba ngày họ ‘đau đớn’ tìm kiếm, thì cậu nói một câu mà không cha mẹ nào có thể chấp nhận được: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”. Trong bản dịch tiếng Việt, giọng nói của cậu Giêsu đã được dịu đi nhờ những chữ ‘cha mẹ - con’, nhưng trong nguyên bản, khi đọc những câu này, ta có cảm giác như cậu Giêsu nói: “Ông bà tìm tôi làm chi? Bộ không biết là tôi phải ở nhà Cha tôi à?” Cách hiểu này cũng không có gì là quá đáng khi chúng ta nhớ lại rằng chưa bao giờ Đức Giêsu gọi Thánh Giuse và Đức Mẹ là cha mẹ cả. Kinh Thánh không hề ghi lại một lời nào mà Chúa Giêsu đã nói với Thánh Giuse, và hai lần nói với Đức Mẹ thì Ngài đều gọi mẹ mình là ‘(mụ) đàn bà kia’, mà trong tiếng Hy lạp là ‘gunai’ và tiếng La tinh là ‘mulier’. Lần thứ nhất tại Cana: “Chuyện đó can dự gì đến tôi và mụ, mụ đàn bà kia (gunai / mulier)?” (Ga 2, 4), lần thứ hai khi Chúa hấp hối trên thập giá: “Mụ đàn bà kia (gunai / mulier), đây (mới) là con của mụ!” (Ga 19,26). Có lẽ cách dịch của tôi làm chói tai một số người, bởi vì các bản dịch đều chuyển những lời ấy ra những câu thật lễ phép như : “Thưa bà”. Tuy nhiên, sự kiện vẫn là sự kiện: khi nói với mẹ mình Chúa Giêsu đã gọi là ‘gunai / mulier’ (đàn bà) chứ không dùng ‘meter / mater’ (mẹ). Đấy, người con ngoan ngoãn trong Thánh Gia là như thế đấy.

 

Còn hai bậc sinh thành thì sao? Thánh Giuse là một người đàn ông mờ nhạt; mờ nhạt đến độ dân chúng trong làng không nhớ đến tên mà chỉ gọi là ‘ông thợ mộc’. Khi nói về Đức Giêsu họ bảo: “Ông ấy không phải là con ông thợ mộc và bà Maria sao?” (Mt 13,55; Mc 6,3). Khi gặp lại Giêsu sau ba ngày ‘đi hoang’, ông cũng không nói được một lời ‘dạy dỗ’ mà phải để cho Đức Maria lên tiếng.

 

Phần Đức Maria thì sao? Những bức tranh ta thường thấy vẽ lên một phụ nữ liễu yếu đào tơ, gương mặt thánh thiện nhưng rất ‘tiêu diêu’. Ta có cảm giác Đức Mẹ là một phụ nữ không làm gì cả ngoại trừ suốt ngày ‘cầu nguyện và chiêm niệm trong lòng’. Sự thật thì chưa chắc như thế. Cách đây 2000 năm, với lối sống khắc nghiệt của môi trường Do Thái, tuổi thọ trung bình của một người là 45 tuổi. Thế nhưng Đức Mẹ đã sống cho đến ngày Chúa sống lại, nghĩa là phải trên 50 tuổi. Như những người nghèo thời ấy, Đức Mẹ phải làm việc quần quật 10 giờ một ngày: nấu nướng, quét dọn, giặt giũ, xách nước và hàng ngàn công việc nặng nhọc khác. Mẹ phải là một người có một sức khoẻ dồi dào, vì vào tuổi 15, 17, dù đang mang thai, Mẹ vẫn còn sức lên đến miền cao nguyên để thăm bà chị Elisabet, và đến ngày sắp khai hoa nở nhụy, Mẹ vẫn còn đủ sức để đi năm ngày đường từ Nazaret đến Bêlem. Với tư cách một người xốc vác như thế, Mẹ hẳn đã ‘lấn lướt’ chồng mình trong nhiều lãnh vực, đặc biệt là lãnh vực giáo dục con mình: “Tại sao con lại đối xử với cha mẹ như vậy?”. Và có lẽ Đức Mẹ cũng là người đã nhờ thân nhân đi bắt Chúa Giêsu về khi nghĩ rằng con mình ‘điên’ (Mc 3, 21).

 

Đấy, Thánh Gia Thất là như thế đấy! Cũng đầy vấn đề như bao nhiêu gia đình khác. Nhưng đó chính là một gia đình thánh. Gia đình ấy thánh không phải vì mọi người không hề có một vấn đề gì, nhưng vì mọi người đã sống với nhau trong tình yêu và tha thứ. Thánh Giuse và Đức Mẹ đã đón nhận và tha thứ cho Đức Giêsu mặc dù không hiểu Ngài nói gì. Chúa Giêsu trở về Nazaret và ‘vâng phục hai vị’, mặc dù Ngài có bổn phận phải ‘ở nhà Cha Ngài’. Qua đó, chúng ta thấy các thành viên trong Gia Đình Thánh này phải chịu đựng và tha thứ cho nhau đến độ nào.

 

Chúng ta không thể nào trở thành Chúa Giêsu, Thánh Giuse và Đức Mẹ, nhưng tất cả chúng ta đều có thể sống những vấn đề của gia đình trong tình yêu và tha thứ như các Ngài, hầu biến gia đình mình thành một gia đình thánh; và đó là lý do mà Thánh Gia Thất trở nên mẫu mực cho mỗi gia đình chúng ta.

 

Cũng vì thế trong ngày lễ này, Giáo Hội cho đọc lại đoạn thánh thư sau: “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau...” (Cl 3, 12-13)

 

23-12-2003

 


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà