SUY NIỆM CHỦ NHẬT XVI QUANH NĂM

22-7- 2001

Yêu thương là sứ điệp Tin Mừng, là lề luật tối thượng của mọi lề luật. Đó là điều chúng ta đã có một ít điều suy nghĩ trong Chúa Nhật trước. Những câu chuyện trong những đoạn Thánh Kinh hôm nay trở lại với đề tài này trong một góc độ khác : chúng ta cần làm gì cho những người thân ?

Abraham hôm nay thật hiếu khách : Ông đã làm tất cả những gì có thể làm cho ba người khách lạ dừng chân trước lều nhà ông. Quả thực là một hình ảnh đẹp .

Thánh Phaolô khi "xin mang lấy vào thân, cho đủ mức" "những gian nan thử thách Đức Kitô còn phải chịu" , cũng "là vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh", Ngài cũng diễn đạt một tình cảm sâu đậm với các tín hữu, là con và là anh chị em của Ngài.

Và chính bài Tin Mừng, với hai con người ôm ấp cùng một tình yêu sâu đậm đối với người bạn thân thiết của gia đình, lối hành xử của các chị là một cơ hội để Đức Giêsu nói lên quan điểm về một tình yêu hoàn hảo.

Kết thúc câu chuyện sách Sáng Thế là lời thăm hỏi của 3 vị khách đến Sara, và báo trước tin vui "Sang năm vào độ này, tôi sẽ trở lại thăm ông, và khi đó bà Sara vợ ông sẽ có một con trai", phải chăng tình thân giữa con người phải được se kết là để phục vụ cho LỜI HỨA ? Không phải chỉ là tình thân hữu, mà toàn diện lịch sử mỗi con người, mỗi dân tộc và toàn thể nhân loại đều được Thiên Chúa mời gọi cho GIAO ƯỚC mà Người đã thiết lập. Với Abraham, người con chính là trọng tâm của Giao Ước, nhưng người con ấy là hình bóng của NGƯỜI CON mà mọi kẻ tin đều đã được mời gọi đón nhận, cưu mang và sinh hạ. NGƯỜI CON CỦA GIAO ƯỚC VĨNH CỬU trở nên trung tâm mọi lối sống, mọi tình cảm của con người.

NGƯỜI CON ấy cũng chính là LỜI HẰNG SỐNG.

Tình thân giữa con người với nhau theo Thánh Phaolô phải hàm chứa sứ mạng "rao giảng Lời Người cho trọn vẹn". Lời ở đây không chỉ là những tiếng nói, nhưng là "Đức Kitô đang ở giữa anh em" "Lời đã hóa thành nhục thể và ở giữa chúng tôi" như Gioan viết. Tình Thân như vậy bao hàm tất cả "nhục thể" của Đức Kitô hôm nay. Trong cách nhìn đó, thì những sự phục vụ của Martha cũng là điều cần thiết, nhưng nếu có cái gì phải xem xét lại thì chính là những sự phục vụ ấy phải trở nên "nhục thể" của "Lời Hằng Sống", điều mà Maria đã xác định trong thái độ của chị. Vì vậy sau này trong lần Chúa đến với chị em các cô khi Lazarô chết, chính Martha cũng đã chọn sự phục vụ hoàn hảo này khi chính chị tuyên xưng niềm tin vào "Lời Hằng Sống" : "Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống". Và tình thân đã được thiết lập một cách không gì có thể phân chia được giữa những con người biết biến tất cả đời mình nên "nhục thể" của Đức Kitô.

Một tình thân như vậy nó đòi hỏi con người tin phải như Phaolô "vui mừng được chịu đau khổ vì anh em", là vì Tin Mừng về tình thân này được đóng ấn bằng chính "những gian nan thử thách của Đức Kitô". Và tột đỉnh là "phó nộp mình vì anh em". Như thế, mọi tình thân đích thực đều hướng về cùng nhau thiết lập nên Cộng Đoàn Thánh Thể .

Xem như thế, còn quá nhiều điều mà chúng ta phải xem xét trong mỗi quan hệ yêu thương. Thậm chí ngay cả quan hệ gia đình thân thương nhất, mỗi người cũng bị Lời Chúa tra vấn : quan hệ đó có làm cho gia đình trở nên cộng đoàn Thánh Thể hay không ?

Lm. Giuse Nguyễn Hữu Duyên


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà