CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN

Lc 10, 38-42

 

LẮNG NGHE VÀ SUY NGHĨ ĐỂ PHỤC VỤ

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

Trong một thế giới văn minh, con người thường chạy theo đà của tiến bộ. Những bước nhảy vọt của khoa học kỹ thuật, của kinh tế, vật chất với lợi nhuận cao. Con người như bị mất hút trong những cuộc chạy đua làm ra tiền, chạy theo mốt mới, chạy theo đà tiêu thụ cao. Với một lối sống như thế, người Kitô hữu liệu có thể giữ được căn tính của mình hay họ cũng hùa theo lối sống tiêu thụ cao, của cải vật chất dư đầy vv… mà quên đi những giá trị luân lý đạo đức và cốt lõi của đạo là tình thương, họ phải thực hiện trong cuộc sống của mình.

 

LẮNG NGHE VÀ SUY NIỆM:

Lời Chúa trong phụng vụ Chúa nhật 16 thường niên, năm C, mời gọi người Kitô hữu lắng nghe và suy niệm với nỗi thao thức, trăn trở và suy tư ấy. Chúa Giêsu trong đoạn Tin Mừng của thánh Luca 10, 38-42 không có ý làm một cuộc so sánh giữa hai thái độ của Mácta và Maria. Cô Mácta tất bật với việc nấu cơm, tiếp khách, hầu bàn khi Chúa Giêsu tới nhà Cô. Còn Maria, ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe lời Chúa nói, trò chuyện và chiêm niệm lời của Chúa trao đổi với Cô. Chúa Giêsu không hề giảm giá trị thái độ của Mácta khi đề cao thái độ lắng nghe của Maria. Bởi vì, đối với Chúa Giêsu, cả hai thái độ của hai Cô đều đáng trân trọng.

 

Mácta lo lắng, bận rộn nấu ăn để tiếp Chúa và các tông đồ. Đây là cử chỉ đẹp, cử chỉ hiếu khách, cử chỉ ân cần hàn huyên với Chúa. Chúa chỉ muốn dùng hình ảnh của Maria để nói lên thực tế, cơ bản con người phải có là lắng nghe và suy nghĩ, chiêm niệm lời của Chúa. Sự lắng nghe, chiêm niệm và thực thi lời của Chúa là thái độ rất cần thiết cho người Kitô hữu. Ở muôn thời, người Kitô hữu luôn được mời gọi sống cầu nguyện và chiêm niệm. Sự có mặt của những tâm hồn tận hiến: nam cũng như nữ là kho tàng quí giá của Giáo Hội. Những người hiến dâng cho Chúa là những con người dành riêng cho Chúa để lắng nghe, cầu nguyện và chiêm niệm. Thiếu vắng các người tận hiến cho Chúa dù nam hay nữ là một sự thiếu xót lớn của Giáo Hội. Tuy nhiên, ngay cả người Kitô hữu cũng được mời gọi sống cầu nguyện và chiêm niệm. Vì cầu nguyện và chiêm niệm không chỉ dành riêng cho một số người ưu tuyển mà nó là hơi thở của tất cả mọi người có lòng tin. Đời sống dẫu có những lúc ồn ào, huyên náo vì miếng cơm, manh áo, nhưng cũng có lúc người Kitô hữu phải ngồi lại để cầu nguyện và suy nghĩ. Chiêm niệm vẫn là thái độ tìm kiếm, lắng nghe và thực thi lời Chúa trong cuộc đời của con người. Đời sống của người Kitô hữu phải là đời sống cầu nguyện liên lỉ. Người Kitô hữu phải biến đời mình thành lời cầu nguyện liên lỉ, không ngừng.

 

SỰ THINH LẶNG LÀ CẦN THIẾT:

Sự thinh lặng rất cần thiết cho đời sống của người Kitô hữu. Vì sự thinh lặng của người Kitô hữu có đầy ắp Chúa, được cùng hiện diện với Ngài, lắng nghe và  được thấy Ngài. Người Kitô hữu sẽ nên đồng hình đồng dạng với Ngài, được thông phần, cảm thông với vận mệnh của Ngài. Người Kitô hữu sẽ nói như thánh Phaolô tông đồ:” Tôi sống nhưng không phải là tôi sống mà là Đức Kitô sống trong tôi”. Đức Kitô sống trong người tín hữu, do đó họ có thể can đảm:” Vác thập giá của mình mỗi ngày mà theo Chúa Kitô “.  Vác thập giá là chấp nhận đau khổ với Chúa để được vinh quang với Ngài. Sự thinh lặng để lắng nghe và chiêm niệm, suy gẫm lời của Chúa phải  là thái độ của người Kitô hữu. Như Mácta đã tiếp Chúa với tất cả lòng khiếu khách của mình, như Maria đã ngồi im lặng lắng  nghe lời Chúa và suy gẫm lời Chúa, người Kitô hữu phải trở nên người biết lắng nghe trong im lặng của nội tâm mình và trở nên người phục vụ quên hết bản thân và tư lợi riêng của mình. Người Kitô hữu noi gương Mẹ Maria, thinh lặng bên cạnh Chúa  cho đến chân thập giá. Thái độ im lặng bên Chúa để nghe lời Chúa, chiêm ngắm Chúa và sống lời Chúa. Đó là thái độ cần thiết nhất người kitô phải có trong cuộc đời mình.

 

Lạy chúa Giêsu, xin ban cho chúng con trái tim biết mở rộng để đón nhận mọi người và đôi tai biết lắng nghe, suy gẫm lời Chúa dậy bảo.

 

GỢI  Ý ĐỂ CHIA SẺ:

Thái độ hiếu khách của Mácta và thái độ lắng nghe lời Chúa của Maria, anh chị thích thái độ nào ? tại sao ?

Im lặng bên Chúa là gì ?

Maria, em của Mácta đã chọn thái độ nào ?


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà