Chúa Nhật 25 Quanh Năm

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:1 Ti-mô-thê 2: 1-8

        Bài đọc hôm nay nằm trong phần nói về bổn phận chăm sóc cộng đoàn dân Chúa (2:1-3:16). Trong phần này, trước hết thánh Phao-lô nói với Ti-mô-thê, giám mục Ê-phê-xô, hãy dạy tín hữu biết sự cần thiết và bổn phận cầu nguyện. Ngay từ ngày đầu lịch sử Giáo Hội, cầu nguyện đã là phần căn bản của đời sống Ki-tô hữu, vì đây chính là giáo huấn của Chúa Ki-tô. Thánh Phao-lô lập lại giáo huấn này cho Ti-mô-thê và qua ông được chuyển đến các tín hữu. Cầu nguyện là hành vi "cầu xin, khẩn nguyện, nài van và tạ ơn", không phải chỉ riêng cho cá nhân mình, nhưng là cho "tất cả mọi người." Đặc biệt ở đây, thánh Phao-lô còn nhắc nhở hãy cầu nguyện "cho vua chúa và những người cầm quyền." Tại sao lại đặc biệt cầu cho vua chúa quan quyền? Qua nhắc nhở đặc biệt này, chúng ta hiểu được ưu tư của ngài. Ngài đang sống trong thời hoàng đế Nê-rô, một người bách hại Giáo Hội với tất cả sự tàn ác. Cầu nguyện cho Nê-rô không những chứng tỏ lòng đại lượng của thánh Phao-lô đối với kẻ thù nghịch của Giáo Hội, nhưng cũng ngầm nói lên mối lo ngại của ngài về tương lai của Giáo Hội nữa. Viễn tượng Giáo Hội được "an cư lạc nghiệp" và "sống thật đạo đức và nghiêm chỉnh" luôn luôn là đề tài cầu nguyện của vị tông đồ dân ngoại. Cầu nguyện như vậy là "điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa, Đấng cứu độ chúng ta."

        Đến đây, thánh Phao-lô tạm ngưng nói về việc cầu nguyện để bước sang một chủ đề khác, đó là: Thiên Chúa muốn mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý.

        Trước hết chúng ta thấy có sự liên hệ giữa bổn phận chúng ta phải cầu nguyện cho mọi người và ý của Thiên Chúa muốn cho mọi người được cứu rỗi. Thiên Chúa muốn cứu độ mọi người và Người cũng muốn chúng ta góp phần vào việc cứu độ ấy bằng lời cầu nguyện của chúng ta. Nếu chúng ta biết cầu nguyện cho mọi người được cứu rỗi thì "đó là điều tốt và đẹp lòng Thiên Chúa."

        Trong khi con người chỉ thích đề ra những ngăn cấm, giới hạn về những ai có thể được cứu rỗi, thì Thiên Chúa không làm như vậy. Người muốn mọi người được cứu rỗi, không trừ một ai. Ơn cứu rỗi là ơn phổ quát. Đến đây thánh Phao-lô giải thích về việc Thiên Chúa cứu độ là qua một "Đấng Trung gian," "Đức Ki-tô Giê-su, Đấng đã tự hiến làm giá chuộc mọi người." Bất cứ khi nào nói tới kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, thánh Phao-lô cũng đề cao vai trò của Chúa Ki-tô. Ở đây ngài nhấn mạnh: "Chỉ có một Đấng Trung gian." Đức Ki-tô là con đường cứu độ duy nhất, đúng với giáo lý "quy về đầu mối duy nhất", hoặc Chúa Giê-su là trưởng tử của nhân loại mới mà thánh Phao-lô thường nói đến trong các thư của ngài. Ngoài ra, ngài còn nêu lên một đặc nét khác về vai trò cứu thế của Chúa Giê-su: là một con người. Chúa Giê-su là Thiên Chúa làm người, chấp nhận chết trên thập giá để cứu chuộc chúng ta. Rồi cùng theo dòng tư tưởng, thánh Phao-lô nghĩ đến chính bản thân, được Chúa thương chọn làm người rao giảng và làm chứng cho Tin Mừng cứu độ.

        Sau một đoạn ngắn suy niệm về ý định cứu rỗi mọi người của Thiên Chúa, thánh Phao-lô trở lại với chủ đề cầu nguyện. Câu cuối cùng (c. 8) của bài đọc tuy nói về đàn ông khi cầu nguyện phải có tư thế như thế nào. Nhưng thiết nghĩ khi trích dẫn câu này, Phụng vụ Lời Chúa không có ý phân biệt người đàn ông hoặc người phụ nữ phải ở tư thế nào khi cầu nguyện, nhưng chỉ muốn chúng ta chú ý tới một tư thế chung, áp dụng cho mọi người. Gạt qua một bên việc phân biệt nam nữ, việc cầu nguyện của chúng ta phải được thực hiện trong những điều kiện sau đây:

- "Ở bất cứ nơi nào": không phải chỉ có nhà thờ mới là nơi cầu nguyện, nhưng cầu nguyện phải đi theo chúng ta đến mọi nơi, trong gia đình, tại sở làm, ngoài thiên nhiên, trong phòng kín...

- "Tay giơ lên trời": tư thế thân xác cũng là một điều kiện cần thiết cho việc cầu nguyện. Cần có một tư thế thích hợp, giúp chúng ta biểu lộ tâm tình bên trong, như quỳ gối, mắt nhìn vào ảnh tượng, ngồi theo kiểu thiền...

- "Tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc": chuẩn bị tâm hồn trước khi cầu nguyện nhiều khi còn quan trọng hơn chính việc cầu nguyện. Việc chuẩn bị quan trọng nhất phải là đặt sự hiện diện của chúng ta trước mặt Chúa.

        Qua bài đọc hôm nay, chúng ta có thể quảng diễn hai chủ đề: cầu nguyện, và vai trò cứu độ của Chúa Ki-tô. Nhưng có lẽ chúng ta nên chọn chủ đề cầu nguyện và cần liên kết việc cầu nguyện của chúng ta với việc cứu rỗi nhân loại, để việc cầu nguyện không chỉ đóng khung trong giới hạn nhỏ hẹp của cá nhân, gia đình, nhóm hoặc cộng đoàn nữa, nhưng là cầu nguyện "cho tất cả mọi người."

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

        Bài đọc hôm nay có giúp tôi xét lại một vấn đề lớn trong đời sống đức tin, tức là việc cầu nguyện không? Giúp tôi có một cái nhìn mới về cầu nguyện như thế nào?

        Tôi "loại" những ai ra khỏi danh sách cầu nguyện của tôi? Tại sao?

        Việc cầu nguyện của tôi có tất cả những đặc tính "cầu xin, khẩn nguyện, nài van, tạ ơn" không? Hay chỉ luôn luôn là cầu xin, nài van điều này điều nọ?

        Tôi đã chuẩn bị như thế nào mỗi khi cầu nguyện? Chuẩn bị thể xác? Chuẩn bị tâm hồn?

        Tôi cần thay đổi gì trong việc cầu nguyện của mình? Thay vì "đọc kinh" thì suy gẫm Kinh Thánh? Thay vì ngồi khơi ngơi thì quỳ gối xuống?...

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài thích hợp, hoặc cùng cầu nguyện với kinh sau đây:

Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết con, xin cho con biết Chúa.
Xin cho con chỉ khao khát một mình Chúa, quên đi chính bản thân,
yêu mến Chúa và làm mọi sự vì Chúa.
Xin cho con biết tự hạ, biết tán dương Chúa và chỉ nghĩ đến Chúa.

Ước gì con biết hãm mình và sống trong Chúa. Ước gì con biết nhận từ Chúa tất cả những gì xảy đến cho con và biết chọn theo chân Chúa luôn.

Xin đừng để điều gì quyến rũ con, ngoài Chúa. Xin Chúa hãy nhìn con, để con yêu mến Chúa. Xin Chúa hãy gọi con, để con được thấy Chúa, và để con hưởng nhan Chúa đời đời. A-men.          

(Trích RABBOUNI, lời nguyện 5)

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà