Chúa Nhật 28 Quanh Năm

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh: 2 Ti-mô-thê 2: 8-13

        Tiếp nối chủ đề "hãy đồng lao cộng khổ như một người lính giỏi của Đức Ki-tô Giê-su" (2:3, x. 1:8), bài đọc hôm nay đưa chúng ta tới nguyên lý quan trọng nhất cho việc làm chứng và rao giảng Tin Mừng về Đức Giê-su Ki-tô.

        Để giúp chúng ta nhận thức nguyên lý ấy, trước hết thánh Phao-lô đưa ra một số hình ảnh cụ thể: người lính chiến, lực sĩ điền kinh và người nông dân. Cả ba đều nhắm mục đích chính trong cuộc sống của mình. Người lính chiến muốn hy sinh mọi vướng mắc nhi nữ thường tình để làm "đẹp lòng người tuyển mộ." Lực sĩ điền kinh cố gắng tập luyện theo những đòi hỏi của thể thao để "đoạt giải." Người nông dân chấp nhận lam lũ vất vả để "được hưởng phần hoa lợi." Vậy đâu là những hy sinh và mục đích cuộc đời "người lính giỏi của Đức Ki-tô Giê-su"? Bài đọc Chúa Nhật hôm nay cho chúng ta câu trả lời rất rõ ràng về a) bổn phận rao giảng Tin Mừng, b) thái độ phải có khi rao giảng Tin Mừng, và c) phần thưởng cho người rao giảng Tin Mừng.

        Đầu tiên, thánh Phao-lô nhắc nhở Ti-mô-thê về bổn phận của người chiến sĩ Tin Mừng, đó là "hãy nhớ đến Đức Giê-su Ki-tô." Nhớ đến Đức Ki-tô không chỉ là một hành vi của ký ức, nhưng là ôm ấp, nghiền ngẫm và sống Tin Mừng về Đức Ki-tô. Giáo huấn về Tin Mừng này Ti-mô-thê đã lãnh nhận trực tiếp từ những người thân cận của ông, như thân mẫu và bà ngoại của ông, ông Bác-na-bê (2:2), nhất là từ Phao-lô. Ông đã lãnh nhận thừa tác vụ giám mục và giờ đây có bổn phận phải rao giảng lại cho người khác. Nhớ đến Đức Ki-tô còn là kiểu tuyên xưng đức tin vào sự Phục Sinh của Chúa, đặc biệt thịnh hành nơi những cộng đoàn Ki-tô hữu gốc Do-thái.

        Tiếp đến Phao-lô chia sẻ với ông Ti-mô-thê những kinh nghiệm cá nhân về việc rao giảng Tin Mừng. Ngài dùng một hình ảnh tương phản đầy ý nghĩa để nói lên sức mạnh của Tin Mừng: khi người chiến sĩ Tin Mừng bị xiềng xích vì rao giảng Tin Mừng thì đó lại là lúc Tin Mừng biểu lộ sức mạnh phá xiềng xích để đến với "những người Thiên Chúa đã chọn." Nhận thức chân lý ấy sẽ giúp cho người chiến sĩ Tin Mừng "cam chịu mọi sự" và trung thành trong sứ vụ của mình. Không có con đường nào khác để Tin Mừng được rao giảng, ngoài con đường người chiến sĩ Tin Mừng phải chấp nhận gian khổ, bị xiềng xích, bị đối xử như một tên gian phi.

        Trước khi nói đến điểm cốt yếu của nguyên lý làm chứng và rao giảng Tin Mừng, thánh Phao-lô sử dụng kiểu nói: "Đây là lời đáng tin cậy," một kiểu nói thường gặp trong các Thư Mục vụ (x. 1 Tm 3:1;4:9 và Tt 3:8). Vậy "lời đáng tin cậy" gồm có bốn ý tưởng, ba ý đầu theo cùng một khuôn mẫu và ý thứ bốn theo một khuôn mẫu riêng.

        "Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ cùng sống với Người.

        Nếu ta kiên tâm chịu đựng, ta sẽ cùng hiển trị với Người.

        Nếu ta chối bỏ Người, Người cũng sẽ chối bỏ ta.

        Nếu ta không trung tín, Người vẫn một lòng trung tín, vì Người không thể nào chối bỏ chính mình."

        Ba ý tưởng đầu thật rõ ràng. Nguyên lý càng rõ ràng thì chúng ta càng dễ nhận ra ý nghĩa và bổn phận. Bổn phận rao giảng Tin Mừng đưa chúng ta tới thái độ chọn lựa dứt khoát, không thể đi nước đôi. Nếu ba ý tưởng đầu soi sáng bổn phận của người rao giảng Tin Mừng, thì ý tưởng thứ bốn lại đề cao hình ảnh của Đức Ki-tô, Đấng chúng ta phải rao giảng. Bất trung là thường tình của con người chúng ta. Cả lịch sử dân Chúa đã phản ảnh sự bất trung ấy. Nhưng trái lại, trung tín là bản chất của Thiên Chúa. Ở đây thánh Phao-lô muốn tôn vinh sự trung tín của Đức Ki-tô, Đấng đã trung thành với Chúa Cha và với nhân loại chúng ta, đồng thời ngài cũng ngụ ý mời gọi người chiến sĩ Tin Mừng hãy trung thành với sứ vụ làm chứng cho Đức Ki-tô và rao giảng Tin Mừng của Người. Đối với Phao-lô, Đức Ki-tô , một con người như chúng ta, "Đấng xuất thân từ dòng dõi Đa-vít," luôn luôn là một "mẫu gương" cho mọi người. Do đó, Đức Ki-tô đã trung tín thế nào, chúng ta cũng phải trung tín như vậy.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

         Từ trước tới nay, tôi đã "nhớ đến" Đức Ki-tô như thế nào? Tin Mừng của Người có thấm nhập vào cuộc sống tôi và biến đổi con người của tôi không? Hay chỉ là "nhìn hình ảnh trong gương rồi quên đi ngay"?

        "Lời Chúa đâu bị xiềng xích!" Vậy mà tôi đã xiềng xích Lời Chúa lại qua những gì trong lối sống của tôi? Thay vào đó, tôi phải làm gì để xiềng xích những "quyến luyến vô trật tự"của tôi lại, để cho Lời Chúa được tự do và đến với người khác?

        Qua kinh nghiệm cá nhân, tôi có thể chia sẻ với nhóm điều gì về lòng trung tín của Thiên Chúa?

        Bài đọc này có đòi tôi phải đặt lại vấn đề về việc rao giảng Tin Mừng như một bổn phận thiết yếu không? Tôi sẽ có những quyết định thích hợp nào để giúp mình ý thức và thực thi bổn phận này?

Cầu nguyện kết thúc

        Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm có thể hát "Lời nguyện truyền giáo" hoặc "Con hãy nhớ rằng" (Thánh Vịnh Huyền ca, trang 106).

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà