CHÚA NHẬT XXX THƯỜNG NIÊN

Lc 18, 9-14

 

NGƯỜI PHARISIÊU VÀ NGƯỜI THU THUẾ

Linh mục Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT

 

Cầu nguyện là điều cần thiết nhất của mọi tôn giáo. Con người sống trong một thế giới văn minh hiện đại, một thế giới có nhiều tiếng ồn ào khua náo: nào tiếng xe, tiếng máy nổ, tiếng chân đi, tiếng động của muôn vàn thứ, như vậy họ như bị thu hút từ sáng tới tối, tới khuya bởi hàng loạt tiếng động. Liệu con người có biết ngồi lại bình tâm suy nghĩ để lắng động tâm hồn mà suy nghĩ lại cuộc đời hoặc nhìn lại những khoảng khắc đời mình để cảm tạ Đấng tạo hóa đã yêu thương tác dựng nên mình hay không ? Như vậy, thinh lặng xem ra không thể thiếu được trong đời bởi vì có thinh lặng người ta mới thấy lại mình và người ta mới nhận ra phải cám tạ tri ân Thiên Chúa. Tin Mừng và phụng vụ Chúa nhật 30 thường niên đưa ra hai mẫu người cầu nguyện: người Pharisiêu và người thu thuế. Cả hai người đều ra trước mặt Chúa, đều cầu nguyện nhưng hai thái độ của họ hoàn toàn khác nhau: một người đã gặp Chúa và người kia không gặp được Ngài.

 

THÁI ĐỘ CẦU NGUYỆN CỦA HAI CON NGƯỜI: NGƯỜI GIẦU VÀ NGƯỜI NGHÈO:

Đoạn Tin Mừng của thánh Luca sáng nay thật hóm hỉnh và dí dỏm khi trình bầy hai con người cùng vào nhà thờ, cùng ra trước Chúa và nói một cách dân dã là cùng khẩn cầu, vái lạy Thiên Chúa: kể công, van lơn và khiêm nhượng đọc kinh, cầu nguyện. Người Pharisiêu là người có địa vị cao trọng trong xã hội  Do Thái xưa, thời Chúa Giêsu, họ được liệt vào hàng thông luật, giữ luật một cách hết sức tỉ mỉ nhưng tất cả đều là bề ngoài. Họ bầy ra muôn vàn thứ luật nhưng chính họ lại không giữ mà chỉ đè trên vai trên cổ của những người khác, đặc biệt là những người nghèo. Họ ăn phần của các bà góa, bớt xén của những người nghèo, họ đáng phải khinh bỉ…Tuy nhiên, trong đoạn Tin Mừng của thánh Luca 18, 9-14, thánh sử đã viết một cách rất ấn tượng nhưng cũng rất nực cười khi trưng ra thái độ cầu nguyện của người biệt phái, ông nói với Chúa trong tư thế đứng thẳng hiên ngang, nghĩa là ông coi như ngang hàng với Chúa.Người Pharisiêu đứng thẳng nguyện thầm rằng:” Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác, là những hạng trộm cướp, bất công, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia”( Lc 18, 11 ). Rõ ràng người Pharisiêu hết sức tự mạn, kiêu ngạo, ông dám qua mặt cả Chúa mà phán đoán người khác, so sánh với người khác, ông lại còn dám kết án người thu thuế, bởi vì ông dùng ngôn từ:” tên thu thuế kia”, một kiểu nói ngỗ ngược, cao ngạo. Rồi ông kể công một cách vô tội vạ:” Con ăn chay, mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười lợi tức của con”( Lc 18, 12). Còn người thu thuế theo thánh Luca, rất khiêm nhượng, anh đứng tận cuối nhà thờ, không dám ngước mặt lên nhìn Chúa, vì anh tự cảm thấy mình yếu hèn, tội lỗi, không xứng đáng. Anh đấm ngực, một cử chỉ khiêm tốn, rồi anh thầm cầu nguyện:” Lạy Thiên Chúa, con là kẻ tội lỗi, xin thương xót con”( Lc 18, 13 ). Anh nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi, cần được ơn tha thứ và lòng dủ thương của Chúa. Như vậy, anh đã thực thi đúng lời Chúa:” Hễ ai hạ mình xuống sẽ được Chúa nâng lên “.

 

CHÚA CHO THẤY RẤT RÕ:

Người biệt phái không ưa Chúa, ghen ghét Chúa, họ tỏ ra kiêu hãnh, tự mãn, họ giữ luật nhưng không có tấm lòng, Chúa lên án họ:” Khốn thay các ngươi, hỡi người biệt phái ! Vì các ngươi nộp thuế thập phân về bạc hà, vân hương, mọi loại rau cỏ mà bỏ qua chính lẽ công bình cùng với lòng mến yêu Thiên Chúa”( Lc 11, 42 ). Chúa Giêsu còn vạch mặt bọn biệt phái:” Thật nhóm Pharisiêu các người, bên ngoài chén đĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc, gian tà”( Lc 11, 39 ).

 

Lập trường và thái độ của Chúa Giêsu rất rõ, Ngài không chấp nhận cách giữ luật tỉ mỉ, hình thức nhưng không hồn vì đạo của Ngài là đạo tình thương. Nói như thế, không có nghĩa là Chúa Giêsu chủ trương không có luật lệ gì, nhưng Ngài muốn giải thoát con người khỏi ách của lề luật, khỏi cái ràng buộc mà chính loài người bầy đặt ra, Ngài mời gọi con người sống hoàn thiện lề luật, mời gọi con người sống lề luật mới, sống tinh thần mới yêu thương:” Yêu mến Đức Chúa, Thiên Chúa, hết lòng, hết linh hồn và hết trí khôn và yêu người thân cận như chính mình”( Mt 22, 37-39 ). Khi Chúa nói lên điều đó, Chúa muốn dậy loài người, dậy con người rằng mọi người đều có tội, mọi người đều yếu đuối cần phải được Ngài  tha thứ và gia ân giáng phúc. Ơn cứu độ được Chúa ban nhưng không cho mọi kẻ tin, lắng nghe và tuân giữ lời Ngài. Như thế, làm sao con người lại dám vênh vang, tự phụ trước mặt người khác được. Vì chỉ mình Chúa là Đấng thấu suốt tấm lòng của từng người mà thôi, chỉ mình Chúa là Đấng thẩm phán chí công mới có quyền xét đoán người khác. Kẻ tự kiêu, tự mãn tự đóng kín lòng không để ơn Chúa khoả lấp, họ không nhận được ơn tha thứ của Chúa. Do đó, mọi người phải khiêm tốn mở lòng ra để đón nhận tình thương và ơn tha thứ của Chúa.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết noi gương bắt chước Chúa vì Chúa là Đấng thánh và là nguồn của mọi sự thánh thiện.

 

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

Bạn cảm nghiệm sao về thái độ cầu nguyện của người thu thuế ?

Bạn có khi nào so sánh mình với người khác ?

Bạn hiểu sao về giới luật mới cùa Chúa Giêsu ?


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà