Chúa Nhật 31 Quanh Năm

Thánh ca và lời nguyện mở đầu

Kinh Thánh:         2 Thê-xa-lô-ni-ca 1: 11-2: 2

          Phụng vụ Lời Chúa sử dụng Thư 2 Thê-xa-lô-ni-ca cho những Chúa Nhật cuối cùng mùa Thường niên là thời gian chủ đề suy niệm hướng về sự phán xét, cuộc tái lâm của Đức Ki-tô và Vương quốc Người. Lý do sử dụng là vì giáo huấn của Phao-lô về ngày cánh chung được trình bày phong phú trong thư này. Tuy nhiên thư được viết trong hoàn cảnh đặc biệt của cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca nên chúng ta cũng cần lưu ý tới hoàn cảnh lịch sử của thư này.

          Trong khi Thư 1 Tx trình bày Ngày của Chúa sẽ tới bất ngờ như kẻ trộm đến ban đêm (5:1-11), thì Thư 2 Tx lại kể ra những biến cố sẽ xảy ra trước khi Chúa đến (2:1-11). Trong thời gian giữa hai Thư, hoàn cảnh cộng đoàn Thê-xa-lô-ni-ca đã thay đổi rất nhiều. Trong 1 Tx, Phao-lô đề cập tới những vấn đề: Số phận những người chết trước khi Chúa quang lâm ra sao? Họ có được cứu rỗi, hay bị loại vì chết trước khi Chúa tái lâm? Phao-lô trả lời: Những ai chết trong Đức Ki-tô thì sẽ được sống lại khi Người lại đến. Tuy nhiên trong 2 Tx, vấn đề lại khác. Tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca được biết là "ngày của Chúa gần đến" (2:2), nên có nhiều người nghĩ ngày của Chúa sắp đến hoặc đã đến rồi. Nhưng thánh Phao-lô dạy rằng ngày của Chúa chưa đến và trước khi Chúa quang lâm sẽ có một số dấu chỉ: Xa-tan gia tăng hoạt động và hiện tượng bỏ đạo quy mô (2:1-11).

          Phụng vụ Lời Chúa không chú trọng tới những biến cố xảy ra trước khi Chúa quang lâm, nhưng muốn mời gọi chúng ta để tâm vào chính việc Chúa Ki-tô trở lại trong ngày phán xét chung. Thư 2 Tx nêu lên hai điểm chính về việc Chúa quang lâm. Trước hết việc quang lâm ấy sẽ là ngày phán xét khi "Thiên Chúa trả báo, nghĩa là bắt những kẻ gây gian truân cho anh em phải chịu gian truân, và cho anh em, những kẻ gặp gian truân, được nghỉ ngơi" (xem 1:5-10). Những gian truân này đã được thánh Phao-lô nói đến khi trình bày bổn phận rao giảng và sống Tin Mừng qua những Thư Mục vụ chúng ta đã suy niệm những Chúa Nhật trước đây. Vì Chúa là Đấng công chính, sẽ trả báo cho chúng ta, nên Ki-tô hữu đừng mất niềm hy vọng trong thời kỳ khốn khó, cũng không cần phải ra tay trả thù. Phán xét là thuộc quyền của Chúa và Chúa sẽ xét xử nhờ Đức Ki-tô trong ngày sau hết. Chính vì niềm tin ấy, thánh Phao-lô đã "xin Thiên Chúa làm cho anh chị em (tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca) được xứng đáng với ơn gọi, và xin Người dùng quyền năng mà hoàn thành mọi thiện chí của anh chị em và mọi công việc anh chị em làm vì lòng tin" (1:11).

          Thứ đến, mặc dù thánh Phao-lô xác tín rằng ngày quang lâm của Chúa sắp xảy đến, nhưng ngài biết rằng ngày ấy sẽ tới sau khi một số biến cố phải xảy đến trước (sự xuất hiện của "tên gian ác, đứa hư hỏng", tức là tên phản-Ki-tô, ngôn sứ giả, và hiện tượng chối đạo quy mô).

          Mới đọc bài đọc, chúng ta có cảm tưởng thánh Phao-lô sắp đặt một thời khóa biểu chi tiết cho chúng ta biết khi nào Chúa sẽ trở lại. Cho biết những thời điểm là điều chúng ta thường thấy trong Kinh Thánh, nhưng mục đích của những "thời khóa biểu" ấy không phải để chúng ta tính toán ra khi nào là ngày tạân thế, vì ngày ấy không ai biết được, kể cả Con Người (Mc 13:32). Nhưng mục đích thực sự là để cho thấy kế hoạch của Thiên Chúa luôn luôn vượt trên lịch sử nhân loại. Khi nào ngày cánh chung tới và tới như thế nào chỉ duy mình Thiên Chúa biết mà thôi.

          Mở đầu cho chủ đề suy niệm về ngày cánh chung và vương quyền của Chúa Ki-tô (lễ Chúa Ki-tô Vua), Phụng vụ Lời Chúa muốn công bố điểm chính của chủ đề: Ki-tô hữu hãy vững tin rằng Chúa Ki-tô sẽ lại đến. Niềm tin ấy được nói lên trong giây phút linh thiêng nhất của Thánh lễ sau Truyền phép: Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa đã chịu chết, và tuyên xưng Chúa đã sống lại, cho tới khi Chúa lại đến. Sống với niềm tin ấy, Ki-tô hữu sẽ tránh được những thái độ tiêu cực như "tinh thần dao động, hoảng sợ, dễ bị lừa dối" và nhất là sẽ không để mình bị cuốn hút vào trào lưu của "hiện tượng chối đạo" trong thời đại hôm nay.

Câu hỏi gợi ý chia sẻ

          Được xứng đáng với ơn gọi làm Ki-tô hữu là điều thánh Phao-lô hằng lo lắng cho tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca cũng như cho chúng ta. Vậy tôi có thường nhắc nhở mình về ơn gọi được làm con cái Chúa không? Tôi có lập lại "lời hứa khi chịu phép Rửa Tội" mỗi ngày khi xét mình và làm phút hồi tâm không?

          Trong lời cầu xin, thánh Phao-lô cũng xin Chúa hoàn thành mọi công việc chúng ta làm vì lòng tin. Đức tin sống động phải thể hiện qua việc làm. Vậy đâu là những việc làm vì lòng tin của tôi? Hay đức tin của tôi là đức tin cằn cỗi, không thể hiện qua hành động?

          Quan sát "hiện tượng chối đạo" của thế giới hôm nay, tôi thấy gì? Tôi phải làm gì để chiến đấu và tiêu diệt hiện tượng ấy?

          Lời Tung hô sau Truyền phép tôi vẫn đọc hằng ngày hoặc ít nhất hằng tuần. Vậy tôi chỉ tung hô bằng miệng, hay sống lời Tung hô ấy trong đời sống hằng ngày? Tôi có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm sống đạo về lời Tung hô này với nhóm không?

Cầu nguyện kết thúc

          Sau cầu nguyện bộc phát, nhóm cùng hát một bài thích hợp, hoặc cầu nguyện kinh sau đây:

          Lạy Chúa Giê-su phục sinh
          Xin ban cho con sự sống của Chúa,
          sự sống làm đời con mãi mãi xanh tươi.
          Xin ban cho con bình an của Chúa,
          bình an làm con vững tâm giữa sóng gió cuộc đời.
          Xin ban cho con niềm vui của Chúa,
          niềm vui làm khuôn mặt con luôn tươi tắn.
          Xin ban cho con hy vọng của Chúa,
          hy vọng làm con lại hăng hái lên đường.
          Xin ban cho con Thánh Thần của Chúa,
          Thánh Thần mỗi ngày làm mới lại đời con.
                                      (Trích RABBOUNI, lời nguyện 85)

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà