CHÚA NHẬT 7 QUANH NĂM

(Lu-ca 6: 27-38)

 

        Theo Tin Mừng Mát-thêu, trong bài giảng trên núi, Chúa Giê-su đã đề cập tới những đức tính cốt yếu của người môn đệ Chúa.  Đã là cốt yếu thì hẳn cũng là khó khăn vất vả mới tập tành và thể hiện trong cuộc sống.  Đặc điểm của những đức tính này là đi ngược với cách ứng xử của con người trong xã hội, do đó những đức tính ấy làm cho khuôn mặt Ki-tô hữu không giống ai, nhiều khi họ thấy mình lạc lõng giữa dòng đời.  Nhưng tất cả những đức tính ấy được gồm tóm trong câu kết luận của Chúa Giê-su:  “Vậy anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).

        Trong bài Tin Mừng hôm nay, thánh Lu-ca sau khi trình bày bài giảng khai mạc của Chúa Giê-su dưới đất bằng, cũng ghi lại một câu kết luận của Chúa về một vấn đề vô cùng gai góc – yêu thương kẻ thù – khi Người lấy Chúa Cha làm tiêu chuẩn:  “Anh em hãy có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6:36).  Thật là “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”!  Thánh Mát-thêu trình bày con đường nên thánh của Ki-tô hữu một cách bao quát, pháp lý và nguyên tắc.  Còn thánh Lu-ca thì vẽ con đường nên thánh cho ta một cách đơn sơ hơn, thực tế hơn, tuy không có nghĩa là dễ dàng hơn đâu.  Vậy vấn đề thánh Lu-ca nêu lên gợi cho ta mấy thắc mắc:  ai là kẻ thù của ta và tại sao lại lấy lòng nhân từ mà đối xử với kẻ thù?

 

a)  Ai là kẻ thù?

 

        Tôi nhớ câu đầu trong bài hát “Kẻ thù ta” của một ông nhạc sĩ Việt Nam (Phạm Duy) là:  “Kẻ thù ta đâu có phải là người.  Giết người đi thì ta ở với ai?”  Khi xác định một người là “kẻ thù của ta” thì ta đã ngầm hiểu rằng người ấy có tội đối với ta.  Tội lớn thì thù lớn, khó mà tha và quên được; còn tội nhỏ thì cũng có thể tha và quên được vì khi nhìn lại chính mình ta thấy mình cũng có nhiều tội nhỏ đối với người khác.

        Trong bài giảng, Chúa Giê-su đã nêu lên một số hành động của kẻ thù ta:  nguyền rủa, vu khống, vả má, đoạt áo ngoài của ta.  Chắc chắn một điều là thực sự ta không có lỗi gì để đáng chịu những hành vi bất công ấy.  Vậy khi làm những hành vi bất công ấy cho ta, họ đã có lỗi với ta và trở thành kẻ thù của ta.

        Nói người lại ngẫm đến ta!  Khi ta xúc phạm đến một người là ta có tội với người ấy và ở mức độ nào đó ta trở thành kẻ thù của người ấy.  Nếu quả như vậy, thì tất cả chúng ta đều là kẻ thù của Thiên Chúa.  Đúng thế, kẻ thù đích thực của Thiên Chúa là ma quỷ và sự dữ.  Ma quỷ còn muốn kéo theo con người cùng với chúng làm kẻ thù của Chúa khi nó hoạt động trong ta, cám dỗ ta sa ngã phạm giới răn Chúa.  Mà ai trong thế gian này chẳng có tội, ngoại trừ Đức Ki-tô?  Cho nên tội nguyên tổ đã đưa toàn thể nhân loại vào tư thế kẻ thù của Thiên Chúa.  Giả như Thiên Chúa không yêu thương “kẻ thù” của Người là nhân loại tội lỗi, thì Người đã để họ hư mất luôn cho rồi và Người sẽ tạo dựng một nhân loại khác thay thế!  Nhưng bản chất của Thiên Chúa là yêu thương và nhân từ, nên Người không hành xử trái với bản tính của Người.  Cũng giống như trong Tin Mừng Mát-thêu, bản chất của Thiên Chúa là hoàn thiện, nên ta được mời gọi trở nên hoàn thiện như Người.  Do đó, Thiên Chúa mới hoạch định một kế hoạch gọi là nhiệm cục cứu rỗi, để Người lấy lòng nhân từ mà đối xử với kẻ thù của Người.

 

b)  Tại sao phải lấy lòng nhân từ mà đối xử với kẻ thù và biểu lộ lòng nhân từ cách nào? 

 

        Một cách cụ thể qua con người Chúa Giê-su, ta có thể nhận ra nhân loại đã xúc phạm Thiên Chúa như thế nào và Thiên Chúa đã đối xử lại với họ ra sao.  Ai nói Chúa Giê-su không bị nguyền rủa và chúc dữ?  Thân nhân Người cho Người là một tên khùng (Mc 3:21).  Các kinh sư bảo Người bị quỷ vương Bê-en-dê-bun ám (Mc 3:22).  Trước giờ chết trên thập giá, Thiên Chúa còn bị nguyền rủa và chúc dữ:  “Ông không phải là Đấng Ki-tô sao?  Hãy tự cứu mình đi và cứu cả chúng tôi với!” (Lc 23:39). Chúa Giê-su đã bao lần bị vu khống lân la với những kẻ xấu nết và tội lỗi.  Kẻ thù Chúa muốn kết luận về Người:  Gần mực thì đen mà!  Bị vả má và đánh đòn thì vô kể, đến nỗi Phi-la-tô muốn dùng hình ảnh đau thương của Thiên Chúa làm người (Ecce homo) để gợi lòng thương hại của con người, vậy mà cũng không xong.

        Nhưng Đấng dạy ta phải thương yêu kẻ thù đã sống trọn vẹn bài học ấy trước khi dạy ta.  Người chúc lành cho mọi người.  Người vẫn một lòng thương cả ông Phê-rô lẫn Giu-đa.  Người đã cầu nguyện cho họ, xin Cha tha thứ cho họ.  Từ trên thập giá Người đã tha thứ cho kẻ thù của Người.  Những tên lính chia nhau áo ngoài, Người cho luôn cả áo trong.  Người còn cho nhân loại luôn cả những giọt nước và máu cuối cùng trong trái tim yêu thương của Người.  Đó là tất cả những cách cụ thể Chúa Giê-su biểu lộ lòng nhân từ của Thiên Chúa dành cho nhân loại.

        Chúa Giê-su bao giờ cũng thực tế.  Dạy nhiều quá, chúng ta đâu có nhớ và làm nổi.  Cho nên Người đưa ra một vài điều thực tế nhất, những điều ta hay gặp nhất trong đời sống hằng ngày.  Đó là đừng xét đoán, đừng lên án, và hãy tha thứ.  Lòng nhân từ sẽ là cặp kính để ta nhìn người khác, cặp kính đó chính Thiên Chúa ban cho ta.  Nhìn qua đó, ta sẽ không thấy được ai là kẻ thù ta, mà chỉ thấy người khác là con Chúa, là người anh chị em của ta.

 

c)  Suy nghĩ và cầu nguyện

 

        Yêu thương kẻ thù và tha thứ cho kẻ thù là hành vi của duy Thiên Chúa nên loài người không thể làm được.  Nhưng Thiên Chúa đã cho con người khả năng có thể yêu thương kẻ thù và tha thứ kẻ thù khi Người cho chúng ta một con người mẫu là Chúa Giê-su.  Vậy tôi đã học nơi Chúa Giê-su ở những điểm này chưa?  Tôi có kết hiệp với Người để yêu thương và tha thứ kẻ thù của tôi không?  Nếu không, thì tôi phải làm gì để kết hiệp với Chúa Giê-su?

        Ai là kẻ thù gần nhất của tôi?  Hoàn cảnh thù ghét như thế nào?  Tôi có cách thức cụ thể nào để yêu thương và tha thứ người ấy?

        Tôi tập cách nào để không lên án và xét đoán người khác?

 

        “Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

        có những ngày

        đón nhận người khác là điều vượt quá sức con,

        vì con kiêu hãnh, tự hào và yếu đuối.

        Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

        có những ngày

        con không thể nào kính trọng kẻ khác được,

        vì ý kiến, vì màu da, vì cái nhìn của người ấy.

        Lạy Chúa là Thiên Chúa của con,

        có những ngày

        mà yêu mến người khác làm cho tim con đau nhói,

        vì nỗi sợ hãi, nỗi khổ đau và những giới hạn của bản thân con.

        Lạy Chúa là Thiên Chúa của con

        trong những ngày khó khăn đó,

        xin hãy nhắc cho con nhớ rằng

        tất cả chúng con đều là con cái Chúa

        và đừng để con quên lời Chúa nói:

        “Điều gì chúng con làm cho người bé nhỏ nhất

        là làm cho chính Ta.”  -  Trích trong PRIER

                        (Trích  RABBOUNI, lời nguyện 112)  

 

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

20-2-2004


Trở Về Mục Lục | Về Trang Nhà