SUY NIỆM:

THÂN PHẬN CON NGƯỜI VÀ THIÊN CHỨC MẸ THIÊN CHÚA

 

Theo Phụng Vụ của Giáo Hội, chúng ta đang ở vào thời điểm của Chúa Nhật trong Tuần Bát Nhật sau Đại Lễ Giáng Sinh. Cũng theo Phụng Niên của Giáo Hội, tuần bát nhật này chỉ được cử hành sau hai Đại Lễ Giáng Sinh và Phục Sinh mà thôi. Chẳng những thế, trước hai Đại Lễ này còn có một thời gian dọn mình đặc biệt nữa, đó là Tuần Thánh bảy ngày trước Chúa Nhật Phục Sinh và Tuần Áp Lễ Giáng Sinh cũng bảy ngày từ 18 đến 24. Trong Tuần Bát Nhật sau Đại Lễ Giáng Sinh, Giáo Hội bao giờ cũng cử hành một số lễ đặc biệt liên quan đến Mầu Nhiệm Nhập Thể, như Lễ Kính Thánh Stêphanô, vị tử đạo tiên khởi, vào ngày 26, Lễ Kính Thánh Gioan Tông Đồ Thánh Ký Phúc Âm Thứ Bốn, Người Môn Đệ được Chúa Giêsu yêu, vào ngày 27, Lễ Kính Các Thánh Anh Hài vào ngày 28, các em nhỏ đã chịu chết thay cho Hài Nhi Giêsu bị Hêrôđê lùng giết khi mới sinh ra, nhất là Giáo Hội cử hành Lễ Thánh Gia vào Chúa Nhật sau Lễ Giáng Sinh và Lễ Mẹ Thiên Chúa vào chính ngày kết Tuần Bát Nhật Giáng Sinh, 1/1, Ngày Đầu Năm Dương Lịch cũng là Ngày Hòa Bình Thế Giới được Giáo Hội cử hành cho đến nay là năm thứ 34.

Mỗi lần nghĩ đến Thánh Gia hay cử hành lễ Thánh Gia hằng năm là tôi lại bồi hồi xúc động khi nghĩ đến chân lý gia đình của loài người tạo vật chúng ta thực sự là cửa ngõ để Thiên Chúa vào đời. Thật thế, nếu trái đất chúng ta đang sống đây được Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người cách đây 2000 năm là cung thánh của toàn thể vũ trụ hầu như vô biên bất tận này, thì phải nói rằng gia đình chính là Nhà Tạm trên Cung Thánh Thế Gian vậy. Bởi vì Vị Thiên Chúa Làm Người đã thực sự ngự trong Nhà Tạm Gia Đình này 30 năm trường trước khi tỏ mình cho nhân loại. Nếu bản tính của con người đã được thần linh hóa nhờ việc Thiên Chúa là Thần Linh mặc lấy nó khi hóa thân làm người thế nào, thì gia đình cũng được thánh hóa như vậy, cũng trở thành linh thiêng như vậy, khi Thiên Chúa được loài người thụ thai, cưu mang, sinh hạ, dưỡng nuôi và hướng dẫn.

Chính vì gia đình là cơ cấu đã được thánh hóa, được liêng thiêng hóa nhờ Thiên Chúa Nhập Thế như thế, mà gia đình nhân loại chúng ta đã trở thành nơi Thiên Chúa tỏ mình ra, như Chúa Kitô đã tỏ vinh quang của Người ra lần đầu tiên cho các môn đệ thấy ở tiệc cưới Cana (x Jn 2:11). Bài Phúc Âm Thánh Luca hôm nay cũng cho chúng ta thấy Chúa Giêsu đã tỏû vinh quang của Người ra cho chính cha mẹ trần gian của Người nữa, khi tuyên bố với nhị vị rằng: "Cha mẹ tìm Con làm chi? Cha mẹ không biết rằng Con phải ở trong nhà Cha của Con hay sao?". Trước vinh quang của Vị Thiên Chúa Làm Người tỏ ra như thế, Phúc Âm hôm nay tiết lộ cho biết, Mẹ Maria và Thánh Giuse "cả hai đã không hiểu Người nói gì" (Lk 2:50).

Bởi thế, nếu hôn nhân và gia đình là nơi Thiên Chúa tỏ mình ra, thì thành phần làm chồng làm cha, làm vợ làm mẹ, làm con làm cháu, dù có những vô ý ngay lành, như trường hợp Thánh Giuse và Mẹ Maria không hay biết gì về việc Chúa Giêsu ở lại trong đền thờ, hay thậm chí có những thiếu sót và khiếm khuyết trong phận sự của mình đi nữa, như trong trường hợp thiếu rượu ở tiệc cưới Cana, cũng hãy an tâm, vì đó là cớ, là dịp để Thiên Chúa tỏ mình ra. Và một khi được Thiên Chúa tỏ mình ra, một là chúng ta phải nhận biết Thiên Chúa, như những người giúp tiệc cưới Cana (x Jn 2:9), hai là chúng ta phải chấp nhận Thiên Chúa, như trường hợp Mẹ Maria tìm thấy Chúa Giêsu và nghe Người trả lời song chẳng hiểu gì trong Phúc Âm hôm nay (x Lk 2:51).

Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu trả lời cho một người đàn bà lên tiếng khen Mẹ Maria trước mặt Chúa: "Phúc thay cho lòng đã cưu mang Thày và vú đã cho Thày bú" là "Phúc hơn cho kẻ nghe lời Thiên Chúa mà giữ lấy" (Lk 11:28). Ý nghĩa sâu xa lời Chúa Giêsu nói với người đàn bà ấy như thế này, trước hết, Người xác nhận Mẹ Maria thật sự đã sinh ra Người theo bản tính loài người, qua việc Mẹ đã cưu mang Người và cho Người bú mớm, thứ hai, Người khen Mẹ Maria đã thực sự làm Mẹ Người chẳng những là một Con Người mà còn là một Vị Thiên Chúa nữa, bởi vì Mẹ đã luôn luôn nghe và giữ lời Thiên Chúa. Đó cũng là lý do, cũng theo Phúc Âm Thánh Luca thuật lại, vào một lần trước đó Chúa Giêsu đã khẳng định với những ai báo cho Người biết có Mẹ Người và anh chị em Người đến muốn gặp Người rằng: "Mẹ của Tôi và anh em của Tôi là những người nghe lời Thiên Chúa mà giữ lấy" (Lk 8:21). Thế nhưng, cách đây mấy năm tôi đã được trực tiếp nghe có một ‘vị’ nói Mẹ Maria chỉ là Mẹ của Chúa Giêsu mà thôi chứ không phải là Mẹ của Thiên Chúa, bằng không Mẹ Maria là Mẹ của cả Chúa Cha và Chúa Thánh Thần nữa.

Chắc chúng ta đều biết có tất cả bốn Tín Điều về Đức Mẹ được Giáo Hội tuyên bố, thứ nhất là tin điều Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, một đặc ân là nguồn gốc và bao gồm các đặc ân khác của Mẹ, được Công Đồng Chung Êphêsô tuyên nhận năm 431; thứ hai là tín điều Mẹ Maria trọn đời đồng trinh, cả trước khi, đang khi và sau khi sinh Chúa Giêsu, liên quan đến thân xác của Mẹ, được Công Đồng Chung Latêranô tuyên xưng năm 649; thứ ba là tín điều Mẹ Maria đầu thai Vô Nhiễm Nguyên Tội, liên quan đến linh hồn của Mẹ, được Đức Thánh Cha Piô IX long trọng tuyên bố ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm 8/12/1854; và thứ tư là tín điều Mẹ Maria được Mông Triệu về trời cả hồn lẫn xác liên quan đến cả hồn và xác của Mẹ, được Đức Thánh Cha Piô XII long trọng tuyên bố vào ngày Lễ Các Thánh 1/11/1950.

Riêng về việc Giáo Hội tuyên tín Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, Giáo Hội đã bác bỏ lạc thuyết Nestôriô là lạc thuyết chủ trương Mẹ Maria chỉ là Mẹ của Chúa Kitô mà thôi, tức là mẹ của Chúa Kitô về nhân tính. Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo số 495 đã xác nhận đức tin của mình về Mẹ Thiên Chúa như sau: "Thật thế, Đấng Mẹ thụ thai như một con người bởi Chúa Thánh Thần đã thực sự trở nên Con của Mẹ theo xác thể cũng chính là Con hằng hữu của Thiên Chúa, ngôi hai trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Bởi thế Giáo Hội mới tuyên xưng Maria thực sự là ‘Mẹ Thiên Chúa vậy". Tóm lại, nếu Trinh Nữ Maria nhờ quyền phép Chúa Thánh Thần thực sự đã thụ thai và hạ sinh một con người lịch sử mang tên Giêsu, Đấng Kitô hữu chúng ta tuyên xưng "là Thiên Chúa thật và là người thật", chứ không phải chỉ là một con người thuần túy như chúng ta, hay là một con người được thần linh hóa như Gioan Tẩy Giả ngay từ trong lòng thai mẫu, đến nỗi đã làm cho dân Do Thái tưởng thánh nhân là Đấng Thiên Sai (x Jn 1:19-25), thì Mẹ Maria thực sự vừa là Mẹ của Chúa Giêsu vừa là Mẹ Thiên Chúa vậy.

Mỗi lần nghĩ đến Thiên Chức Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa, tôi cảm thấy thân phận loài người chúng ta thật sự là một thân phận có phúc hơn hết mọi tạo vật, kể cả loài thiên thần thiêng liêng sáng láng tốt lành hơn chúng ta về bản tính tự nhiên, đến nỗi, như Sách Khải Huyền ở đoạn 12, câu 4 cho thấy, đã làm cho vị thiên thần thượng đẳng phải ghen tức, dám ngang nhiên đứng lên chống lại Thiên Chúa. Vai trò Mẹ Maria là loài người được làm Mẹ Thiên Chúa và có thể làm Mẹ Thiên Chúa cho chúng ta thấy một thực tại hết sức cao cả mà lại hiển nhiên, đó là thực tại về thân phận của loài người chúng ta đối với Thiên Chúa chẳng khác gì như thân phận của một người nữ vậy, tức là một thân phận đóng vai trò thụ nhận tất cả những gì Thiên Chúa muốn thông ban cho tạo vật của Ngài, bằng việc loài người chúng ta thụ thai ơn Chúa ban, cưu mang lời Chúa dạy, và hạ sinh chứng thần linh, tức là việc chúng ta làm sao để có thể sinh Chúa Kitô ra nơi các linh hồn, hay nói cách khác, tức là làm cho Chúa Kitô được thế gian nhận biết và yêu mến, nhờ đó các linh hồn được cứu rỗi, được sự sống trường sinh.

Tuy nhiên, để có thể thụ thai, cưu mang và hạ sinh Con Đấng Tối Cao, Mẹ Maria đã là một Trinh Nữ Xin Vâng thế nào, Kitô hữu chúng ta chẳng những phải hoàn toàn tinh tuyền không biết đến nam nhân như Mẹ, tức không biết đến, không quyến luyến bất cứ tạo vật nào ngoài Chúa, mà còn phải liên lỉ thần hiệp với Thiên Chúa, saün sàng tuân phục Thánh Ý Chúa trong mọi sự nữa. Đúng thế, như Chúa Giêsu khẳng định trong Phúc Âm Thánh Luca đoạn 8 câu 21, mẹ của Người là những ai nghe lời Thiên Chúa mà giữ lấy, thì một khi chúng ta sống đời Xin Vâng như Mẹ chúng ta quả thực cũng là Mẹ Chúa Kitô, tức cũng có liên hệ thần linh với Con Thiên Chúa, ở chỗ nên một với Người trong Thánh Ý Cha của Người, nhờ đó chúng ta có khả năng thần linh để sinh Người ra cho các linh hồn được ơn cứu độ.

Tóm lại, thân phận và ơn gọi của loài người nói chung và của phụ nữ nói riêng đã được hoàn toàn sáng tỏ nơi vai trò Mẹ Maria làm Mẹ Thiên Chúa, tức là loài người chúng ta được dựng nên là để lãnh nhận hay để thông phần vào Sự Sống Thần Linh của Thiên Chúa qua các Bí Tích Thánh, cũng như được kêu gọi để chia sẻ Sự Sống Thần Linh này ra cho các linh hồn, bằng Chứng Từ Đức Tin của mình. Thật vậy, nếu trong Mầu Nhiệm Tạo Dựng, Thiên Chúa đóng vai chủ động trong việc tự ý tạo thành và loài người đóng vai nam nhân nơi Adong xuất hiện một cách thụ động, thì trái lại, trong Mầu Nhiệm Nhập Thể và Cứu Thế, Thiên Chúa đóng vai thông ban một cách nhưng không và loài người đóng vai nữ nhân nơi Maria một cách chủ động và tích cực cộng tác. Ôi, cao cả biết bao, mầu nhiệm biết bao, tuyệt vời biết bao: thân phận con người được dựng nên để được làm Mẹ Thiên Chúa! Vậy, cùng với Mẹ Maria chúng ta hãy dâng lời "Ngợi Khen" "Thiên Chúa là Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều trọng đại, Danh Ngài là Thánh" (Lk 1:49).

Như thế, qua Trinh Nữ Maria Mẹ Thiên Chúa, thân phận phụ nữ đâu có bị lép vế trước nam nhân, vì không được làm linh mục chẳng hạn. Điều quan trọng ở đây là, dù làm linh mục hay không, con người nam nữ chúng ta cũng phải nên giống Người Trinh Nữ Xin Vâng ấy, phải đóng đúng vai trò tạo vật của mình trước nhan Thiên Chúa như Mẹ, chúng ta mới sống trọn thân phận làm người của mình trước nhan Thiên Chúa vậy. Amen.

(Trên đây là bài chia sẻ do Đaminh Maria Cao Tấn Tĩnh soạn viết cho Tin Mừng Sự Sống, Chương Trình Phát Thanh hằng tuần vào Chúa Nhật 31/12/2000, từ 6 đến 7 giờ sáng trên băng tần 106.3 FM Nam California, và từ 5 đến 6 giờ sáng trên làn sóng 1430 AM Bắc California, cũng như vào Thứ Bảy 30/12/2000, từ 7 đến 8 giờ tối qua đài Tiếng Nói Việt Nam Hải Ngoại ở New Orleans Louissiana)


Trở Về Mục Lục