“Chiều đến, khi mặt trời đã lặn, người ta đem mọi kẻ ổm đau và những ai bị quỷ ám đến cho Người. Cả thành tụ lại trước cửa. Ðức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều qủy , nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.

Sáng sớm, lúc trời còn tốI mịt, Người đã dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó. Ông Simon và các bạn kéo nhau đi tìm. Khi gặp Người, các ông thưa: “Tất cả mọi người đang tìm Thầy!” Người bảo các ông: “Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã chung quanh, để Thầy rao giảng ở đó nữa, vì Thầy đến cốt để làm việc đó.” Rồi Người đi khắp miền Galilê rao giảng trong các hội đường của họ và trừ quỷ.” (Mác-cô 1:32-39)

Lời sống

Tháng Hai 2006

“… Người đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện”

                                                                                 (Mc 1:35)

 

          Thật là một ngày thứ bảy bận rộn Ðức Giêsu đã sống tại thành phố Ca-pác-na-um! Hôm đó Người đã giảng tại hội đường làm cho tất cả mọi người kinh ngạc về những điều Người dạy.. Người đã giảI thoát một người bị quỷ ô uế nhập. Khi ra khỏi hội đường Người đến nhà ông Si-mon và An-rê và chữa lành mẹ vợ ông Si-mon ở đó. Tối đến, sau khi mặt trời lặn, người ta mang đến cho Người tất cả mọi kẻ đau yếu cùng bị quỷ ám và Người chữa lành nhiều người bị đủ chứng bệnh và xua đuổi nhiều ma quỷ.

          Sau một ngày và một đêm bận rộn như thế, ban sáng, khi trời còn tối, Ðức Giêsu thức dậy và ra khỏi nhà.

 

“… Người đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện”

 

          Ðó là lòng luyến nhớ về Trời. Người đã từ Trời đến thế gian để tỏ bày cho chúng ta tình thương của Thiên Chúa, để mở ra cho ta con đường lên Trời, để chia sẻ tất cả cuộc sống chúng ta. Người đã rảo khắp các nẻo đường xứ Pa-lét-ti-na để giảng dậy quần chúng, chữa lành mọi thứ bệnh tật nơi dân chúng, và huấn luyện các đồ đệ của mình.

          Nhưng nhựa sống, giống như nguồn nước từ cõi lòng Người trào ra, đến từ mối liên hệ bền bỉ với Chúa Cha. Người và Chúa Cha hiểu biết nhau, mến yêu nhau, ở trong nhau, và hai vị là một (Xem Ga 10:15.30.38…).

          Chúa Cha là “Ba”, nghĩa là bố, Ðấng Người thân thưa với lòng phó thác vô biên và tình thương vô tận.

 

“… Người đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện”

 

          Bởi vì Con Thiên Chúa đã đến trần gian vì chúng ta, nên chỉ một mình Người sống trong đặc ân cầu nguyện này không đủ. Khi chết đi vì chúng ta, khi cứu độ chúng ta, Người đã làm cho chúng ta nên con cái Thiên Chúa, nên những anh em của Người.

          Như vậy lời cầu nguyện ấy của Người cũng có thể nên lời cầu nguyện của ta: “Thưa Ba, lạy cha”, với tất cả những gì gồm chứa trong đó: niềm chắc chắn được che chở, sự an toàn, lòng phó thác mù quáng cho tình thương của Chúa, những an ủi thần linh, sức mạnh, lòng hăng say; lòng hăng say nẩy sinh trong tâm hồn của người chắc chắn mình được yêu thương…

          Một khi đã đi vào “căn phòng nội tâm” yên tĩnh của tâm hồn ta (Xem Mt 6:6), thì chúng ta có thể chuyện vãn với Chúa, thờ lạy Người, nói lên với Người lòng mến yêu của ta, cảm tạ Người, xin Người tha thứ, thổ lộ với Người những nhu cầu của ta và của toàn thể nhân loại, cũng như những ước mơ và mong ước của ta… Ðiều gì ta không thể nói được với một người ta biết là yêu thương ta vô vàn và là Ðấng toàn năng?

          Và chúng ta có thể thưa chuyện với Ngôi Lời, với Ðức Giêsu. Nhất là chúng ta có thể lắng nghe Người, để cho Người lặp lại với ta những lời: “Cứ yên tâm, Thầy đây, đừng sợ!” (Mc 6:50), “Thầy ở cùng anh em mọi ngày” (Mt 28:20); lời mời gọi của Người: “Hãy đến theo tôi” (Mt 19:21), “Hãy tha thứ bảy mươi lần bảy” (Xem Mt 18:22), “Hãy làm cho người khác điều anh em muốn người ta làm cho mình” (Xem Mt 7:12).

          Ðó có thể là những giây phút kéo dài, hoặc những giây phút ngắn ngủi và nhiều lần trong suốt ngày sống, giống như cái nhìn yêu thương, lời nói thầm với Người: “Chúa là gia nghiệp duy nhất của con” (xem Tv 16:2), “Con xin dâng hành động này cho Chúa”.

          Chúng ta không thể không cầu nguyện. Chúng ta không thể sống mà không thở, và cầu nguyện là hơi thở của tâm hồn, là diễn tả của lòng ta mến yêu Chúa.

          Sau cuộc chuyện vãn này, sau mối liên hệ hiệp thông cùng mến yêu này, chúng ta sẽ được nên vững mạnh, sẵn sàng đương đầu với cuộc sống mỗi ngày với sức mạnh và lòng tin tưởng mới. Chúng ta cũng tìm lại được mối liện hệ đích thực hơn với những người khác và với những sự vật chung quanh.

 

“… Người đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện”

 

          Lạy Chúa, nếu chúng con không đóng lại những cánh cửa tâm hồn với sự trầm tĩnh, thì Chúa không thể chuyện vãn với chúng con như tình thương của Chúa nhiều lần mong muốn. Nhưng một khi đã tách rời khỏi mọi sự để tịnh lại nơi Chúa, người ta sẽ không lùi lại đàng sau nữa, vì mối hiệp nhất với Chúa thì thật êm dịu cho tâm hồn và mọi cái khác chỉ là phù du.

          Lạy Chúa, những ai thành thực mến yêu Chúa, họ thường cảm nhận Chúa trong sự yên lặng của căn phòng, trong thâm sâu của cõi lòng, và cảm súc này làm cho tâm hồn cảm động như động chạm được thực sự. Và họ cảm tạ Chúa đã gần gũi họ như vậy, đã nên Mọi sự như vậy: Ðấng đem lại ý nghĩa cho sự sống và cái chết.

          Họ cảm tạ Chúa, nhưng thường họ không biết phải làm thế nào, nói lên làm sao: họ chỉ biết rằng Chúa yêu thương họ và họ mến yêu Chúa, và không có gì êm dịu như vậy trên trần gian này có thể ít là nên giống đôi chút điều đó. Ðiều họ cảm nhận trong tâm hồn, khi Chúa đến, là Trời và họ bảo “nếu Trời là như vậy thì tuyệt vời đến thế nào!”

          Lạy Chúa, họ cảm tạ Chúa vì toàn thể cuộc sống, vì đã đưa họ đến chỗ này. Và nếu bên ngoài còn có những bóng tối có thể che mờ thiên đàng đã được cảm nghiệm  trước, thì khi Chúa tỏ hiện mọi sự sẽ trở nên mơ hồ và xa xôi: đó là hư vô.

          Chúa hiện hữu.

          Ðúng như vậy.

 

Chiara Lubich


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà