“Bấy giờ ông Phêrô lên tiếng nói: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ở công chính, thì bất họ thuộc dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận….

Ông Phêrô còn đang nói những điều đó, thì Thánh Thần đã ngự xuống trên tất cả những người đang nghe lời Thiên Chúa. Những tín hữu thuộc giới cắt bì cùng đến đó với ông Phêrô đều kinh ngạc, vì thấy Thiên Chúa cũng ban Thánh Thần xuống trên cả các dân ngoại nữa, bởi họ nghe những người này nói các thứ tiếng và tán dương Thiên Chúa. Bấy giờ ông Phêrô nói rằng: “Những người này đã nhận được Thánh Thần cũng nhưng chúng ta, thì ai có thể ngăn cản chúng ta lấy nước làm phép rửa cho họ? Rồi ông truyền làm phép rửa cho họ nhân danh Ðức Giêsu Kitô. Sau đó họ xin ông ở lại ít ngày.”

(Công vụ Tông đồ 10:34-35.44-48)

 

Lời Sống

Tháng 5, 2006


“Thiên Chúa không thiên vị ai, nhưng Người tiếp nhận người kính

    sợ Thiên Chúa cùng ăn ở công chính, bất kỳ họ thuộc dân tộc nào”

               (CVTÐ 10:34-35).

 

          Thiên Chúa có lòng đại lượng vô biên. NgườI không chia rẽ các dân tộc và các quốc gia, các tiếng nói cùng các chủng tộc. Chúng ta đều là con cái của Người, cùng có phẩm giá như nhau.

          Chính những tín hữu Kitô đầu tiên tại Gê-ru-sa-lem cũng cảm thấy khó hiểu được tâm thức mở rộng cùng phổ quát ấy. Bởi vì họ tất cả đều thuộc về cùng một dân tộc, ý thức mình là dân được tuyển chọn, nên họ khó có được mối liên hệ huynh đệ đích thực với những thành phần thuộc các dân khác. Và họ phẫn nộ khi được biết là ông Phêrô, tại thành phố cảng Cê-sa-rê-a, đã vào nhà ông Co-nê-li-ô, một sĩ quan người Rôma, một ngoại kiều. Không được chung chạ với ngoại kiều!

          Người “cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5:45). Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi người, không phân biệt một ai.

          Ðó là điều ông Phêrô đã khẳng định trước mặt người lính Rôma, đang khi chính ông cũng phải thắng vượt những thành kiến làm cho mình xa cách với những người thuộc các dân khác:

 

“Thiên Chúa không thiên vị ai, nhưng Người tiếp nhận ngườI kính

   sợ Thiên Chúa cùng ăn ở công chính, bất kỳ họ thuộc dân tộc nào”

 

          Nếu Thiên Chúa hành sử như thế, thì chúng ta, những con cái của Người, cũng phải hành sử như Người và mở rộng lòng, phải đập nát mọi cản trở, giải phóng ta khỏi mọi cảnh nô lệ.

          Phải, bởi vì chúng ta thường là nô lệ cho những chia rẽ giữa người nghèo với người giầu, giữa các thế hệ, giữa người da trắng với người da đen, giữa các nền văn hoá cùng quốc tịch. Có biết bao định kiến đối với người nhập cư, ngoại kiều. Biết bao thành ngữ chỉ về người khác với ta. Từ đó sinh ra tình trạng không an toàn, thái độ sợ hãi bị mất đặc tính của mình, thái độ thiếu nhân nhượng…

          Cũng có thể có những hàng rào tinh vi hơn giữa gia đình chúng ta và những gia đình hàng xóm, giữa những người thuộc nhóm tôn giáo của ta và những người thuộc tôn giáo khác, giữa những phường ở cùng một thành phố, giữa các đảng phái, giữa những hội thể thao… Và chúng đưa đến thái độ ngờ vực, oán hận mù quáng cùng sâu xa, thái độ thù nghịch không nhân nhượng…

          Với một Thiên Chúa, Ðấng không phân biệt người ta, tại sao chúng ta lại không ghi khắc vào lòng tình huynh đệ đại đồng? Là con cái cùng một Cha, chúng ta có thể khám phá ra mỗi người ta gặp đều là anh chị em với mình.

 

“Thiên Chúa không thiên vị ai, nhưng Người tiếp nhận ngườI kính

    sợ Thiên Chúa cùng ăn ở công chính, bất kỳ họ thuộc dân tộc nào”

 

          Vậy nếu tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau, thì ta phải thương yêu mọi người không ngừng nghỉ, khởi sự từ người ở gần ta. Lúc đó lòng thương yêu của chúng ta không còn phải là lòng thương yêu mơ mộng, mà cụ thể, bằng cách phục vụ.

          Một lòng thương yêu có khả năng đến với người khác, bắt đầu cuộc đối thọai, đồng hóa mình với những hoàn cảnh đau thương của họ, nhận lấy những gánh nặng, những bận tâm của họ. Ðến chỗ người khác cảm thấy họ được thông cảm và tiếp nhận trong sự khác biệt của mình, và tự do nói lên tất cả sự phong phú họ mang trong lòng.

          Một tình thương nâng đỡ những mối liên hệ sống động giữa những người thuộc những niềm xác tín khác nhau, dựa trên “khuôn vàng thước ngọc” nằm trong tất cả các sách thánh cùng ghi khắc trong lương tâm là: “Hãy làm cho người khác điều bạn muốn người ta làm cho mình”.

          Một tình thương đưa các tâm hồn đến chỗ hiệp chung của cải, mến yêu quê hương người khác như quê hương mình, xây dựng những cơ cấu mới, trong niềm hi vọng là có thể làm cho những cụộc chiến tranh, khủng bố, tranh chấp, nạn đói cùng hàng ngàn sự dữ trên thế giới phải lùi bước.

 

 

“Thiên Chúa không thiên vị ai, nhưng Người tiếp nhận ngườI kính

   sợ Thiên Chúa cùng ăn ở công chính, bất kỳ họ thuộc dân tộc nào”

 

          Một trong những người bạn đầu tiên của tôi ở Rôma là chị Fiore đã cùng cảm nghiệm được điều đó với một thiếu nữ người thổ dân nước Guatemala tên là Moira, thuộc dòng dõi dân Maya Kacjchichel. Cô có 11 người em. Thổ dân ở đây rất kỳ thị và điều này tạo nên thái độ tự ti mặc cảm rất sâu đậm khi họ gặp những người lai và nhất là người da trắng.

          Cô Moira kể về cuộc gặp gỡ với chị Fiore là “Chị Fiore không thiên vị”, chị nói với cõi lòng người dân, làm đổ xuống mọi hàng rào ngăn cách: “Tôi sẽ không bao giờ quên thái độ đón tiếp vui vẻ của chị. Tình thương của chị đối với tôi phản ánh tình thương Thiên Chúa.

          Văn hoá của tôi và sự giáo dục gia đình đã làm cho tôi quen với những thái độ thường đóng kín và cứng ngắc, đến độ làm cho người ở gần tôi phải đi xa. Chị Fiore đã là thầy dậy tôi, là người hướng dẫn, là mẫu gương cho tôi… và chị đã giúp tôi vượt ra khỏi chính mình để tin tưởng đi đến với người khác.

          Chị cũng đã đề nghị tôi đi học lại và đã nâng đỡ cùng khuyến khích tôi, đang khi vì những khó khăn về văn hóa và phương pháp, tôi muốn bỏ tất cả. Tôi đã có thể theo học lấy bằng thơ ký xí nghiệp.

          Ðặc biệt là chị đã truyền đạt cho tôi ý thức về phẩm giá làm người của tôi. Chị đã làm cho tôi thắng vượt thái độ tự ti là thái độ tôi mang trong mình như một vết nhơ, vì là thổ dân. Từ khi còn nhỏ tôi mơ ước đấu tranh giành lại dân của tôi, nhưng chị Fiore đã làm cho tôi hiểu rằng tôi phải khởi sự từ chính mình. Ðó là trở nên “con người mới”, nếu tôi muốn làm nẩy sinh ‘một dân tộc mới’.

          Khi yêu mến Lý tưởng, với Thiên Chúa là Ðấng không thiên vị người nào, như cô Moira ta có thể có được những giấc mơ mới: “Khi thưa vâng với Thiên Chúa tôi đã có thể mở ra một lối đi để đưa Lý tưởng này đến cho toàn thể dân của tôi và có thể nói được là tôi đã thấy lý tưởng ấy được thực hiện phần nào trong gia đình tôi”.

 

Chiara Lubich

Lm. JB Vượng, chuyển ngữ

 

 

 

 


Trở Về Mục Lục | Trở Về Trang Nhà