Lời Sống

Tháng Mười Một 2014

 

“Chúa quả là nguồn sống” (Tv 36,10)

 

[…]

Lời Kinh thánh này nói với chúng ta một điều thật quan trọng và sống động, để nên một khí cụ hoà giải và hiệp thông.

Trước hết lời này dạy ta rằng chỉ có một nguồn sống duy nhất là Thiên Chúa. Từ nơi Người, từ tình yêu sáng tạo của Người, nẩy sinh vũ trụ và lấy đó làm nhà cho con người.

Chính Người ban cho chúng ta sự sống với tất cả mọi hồng ân của nó. Người soạn thánh thi là người biết những cam go và những khô cằn của sa mạc và biết một nguồn nước có ý nghĩa gì, với sự sống nẩy sinh chung quanh, thì người đó không thể tìm được một hình ảnh nào đẹp hơn để ca ngợi công cuộc tạo dựng phát sinh, như một giòng sông, từ cõi lòng Thiên Chúa.

Vậy nên từ cõi long nẩy sinh bài ca chúc tụng và cảm tạ. Đó là bước đầu tiên phải làm, giáo huấn đầu tiên phải đón nhận nơi lời Thánh vịnh: ca ngợi và cảm tạ Thiên Chúa vì công trình của Nguời, vì những kỳ công của vũ trụ và vì con người sống động là vinh quang của Người và là thụ tạo duy nhất biết thưa với Người rằng:

 

“Chúa quả là nguồn sống”

 

Nhưng đối với tình yêu của Chúa Cha, việc nói lên Lời từ đó tất cả mọi sự đều được tạo dựng thì chưa đủ. Người còn muốn rằng chính Lời của Người nhận lấy xác thịt chúng ta. Thiên Chúa, Đấng duy nhất đích thực, đã trở thành con người nơi Đức Giêsu và đã đưa xuống trần gian nguồn sự sống.

Nguồn mọi sự thiện, mọi sinh vật và mọi hạnh phúc đã đến ở giữa chúng ta, ngõ hầu ta có được nguồn ấy, nói được là, ở tầm tay. Đức Giêsu dạy: “Phần tôi, tôi đến, để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10,10). Người đã lấy chính mình đổ đầy mọi thời gian và không gian của cuộc sống chúng ta. Và Người đã muốn ở lại với chúng ta mãi mãi, ngõ hầu ta có thể nhận biết và yêu mến Người dưới rất nhiều hình dạng.

Đôi khi ta tự nghĩ: “Thật đẹp biết mấy được sống vào thời Đức Giêsu!” Nên tình thương của Người đã sáng tạo ra một cách thế không để ở lại trong một xó nhỏ bé của xứ Pa-lét-tin, nhưng ở trên tất cả mọi điểm trái đất: Người hiện diện trong Thánh thể, theo lời hứa của Người. Và chúng ta có thể đến uống ở đó để nuôi dưỡng và canh tân cuộc sống chúng ta.

 

“Chúa quả là nguồn sống”

 

Một nguồn mạch khác nơi ta kín múc được sự hiện diện của Thiên Chúa là người anh em, chị em. Mỗi người bên cạnh, nhất là người thiếu thốn, ở bên cạnh ta, nếu ta mến yêu họ, thì ta không thể coi người đó là người nhận ơn của ta, mà là người làm ơn cho ta, vì người đó mang lại cho ta Thiên Chúa. Thực vậy, khi mến yêu Đức Giêsu nơi người đó [Khi ta đói (…) khi ta khát (…), khi ta là khách lạ (…), khi ta ngồi tù (…)] (xem Mt 25, 31-40) thì chúng ta nhận được tình yêu của Người, sự sống của Người, vì chính Người hiện diện nơi các anh chị em ta, là nguồn cho những điều đó.

Một nguồn đầy nước cũng là sự hiện diện của Thiên chúa ở trong chúng ta. Người luôn nói với ta và tùy ở ta biết lắng nghe tiếng của Người, đó là tiếng lương tâm. Khi nào ta càng nỗ lực yêu mến Chúa và người bên cạnh, thì tiếng của Người càng mạnh và ở trên tất cả mọi tiếng nói khác. Nhưng có một giây phút đặc ân, ở đó hơn bao giờ hết chúng ta có thể có được sự hiện diện của Người trong ta: đó là khi chúng ta cầu nguyện và tìm cách đi sâu vào mối quan hệ trực tiếp với Người, Đấng ngự trong đáy tâm hồn ta. Người như mạch nước sâu không bao giờ cạn, luôn luôn phục vụ ta và ta có thể làm thỏa cơn khát của ta mọi lúc. Chỉ cần đóng lại trong giây lát những cánh cửa của tâm hồn và trầm tĩnh lại, để tìm được nguồn suối ấy, cho dầu ở giữa sa mạc khô cằn nhất. Cho đến khi đạt được sự kết hiệp với Chúa, ở đó ta cảm nhận rằng mình không còn cô đơn nữa, mà ta là hai: Người ở trong tôi và tôi ở trong Người. Hoặc nhờ ơn Người, chúng ta là một như nước và nguồn, như bông hoa và hạt giống.

 

[…] Như vậy lời Thánh vịnh nhắc nhở ta rằng chỉ có Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống và như vậy sự hiệp thông toàn thiện, niềm bình và niềm vui. Khi càng uống ở nguồn nước ấy, thì ta càng sống vì nước hằng sống là Lời Người, thì ta càng xích gần lại nhau hơn và sống như anh chị em với nhau.  Lúc đó sẽ xẩy ra như Thánh vịnh tiếp: “Nhờ ánh sáng của Ngài, chúng con được nhìn thấy ánh sáng”, ánh sáng mà nhân loại chờ mong.

 

Chiara Lubich