Lời Sống

Tháng Mười Hai 2014

 

“Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”

                                                                                                (Lc 3, 11)

 

Trong mùa Vọng này, thời gian chuẩn bị chúng ta mừng lễ Giáng sinh, một lần nữa gương mặt của thánh Gioan làm phép rửa lại được đề ra cho chúng ta. Ngài được Thiên Chúa sai đến để dọn đường cho Đấng Messia. Với tất cả những ai tuốn đến với thánh nhân, ngài đều đòi hỏi một cuộc đổi đời sâu xa: “Anh em hãy sinh những hoa quả xứng với lòng xám hối” (Lc 3,8). Và họ hỏi ngài: “Chúng tôi phải làm gì?” (Lc 3,10), thánh nhân trả lời:

 

“Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”

 

Tại sao lại lấy của tôi cho người khác? Vì người khác được Thiên Chúa dựng nên như tôi, nên họ là anh chị em tôi; nên họ là phần thể của tôi. “Tôi không thể gây thương tích cho bạn mà không làm hại đến mình”[1], ông Gandhi nói như vậy. Chúng ta đã viết vào trong máu của ta lề luật yêu thương linh thiêng. Đức Giêsu, khi đến giữa chúng ta, đã mạc khải cho ta tỏ tường điều đó, khi Người ban cho ta điều răn mới: “Anh em hãy thương yêu nhau như Thầy đã thương yêu anh em” (xem Ga 13,34). Đó là “lề luật của Trời, là sự sống của Ba ngôi cực thánh được đưa đến trần gian, là trung tâm của Tin mừng. Như ở trên Trời Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh thần sống hiệp thông trọn vẹn, đến chỗ nên một (xem Ga 17,11), thì cũng vậy dưới đất chúng ta cũng nên chính mình theo mức độ ta sống lòng yêu thương lẫn nhau. Và như Chúa Con thưa với Chúa Cha: “Tất cả những gì của con đều là của Cha và tất cả những gì của Cha đều là của Con” (Ga 17,10), thì cũng vậy lòng thương yêu giữa chúng ta được thể hiện hoàn toàn ở nơi nào ta không chỉ chia sẻ những của cải thiêng liêng, mà cả những của cải vật chất.

Những nhu cầu của người bên cạnh ta là những nhu cầu của tất cả mọi người. Có người thiếu việc làm sao? Tôi cũng thiếu. Có người có mẹ bị bệnh sao? Tôi giúp đỡ bà ta như mẹ tôi vậy. Những người khác đói ăn sao? Đó cũng như tôi đói ăn, và tìm cách kiếm cho họ của ăn như cho chính mình vậy.

Đó là kinh nghiệm của các tín hữu KItô đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem: “Các tín hữu lúc đó đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung” (Cv 4,32). Lúc đó việc thông công của cải giữa các tín hữu, cho dầu không bắt buộc, vẫn được thực hành một cách nghiêm chỉnh. Như tông đồ Phao-lô giải thích sau này, đó không phải là làm cho người nào sống eo hẹp , để nâng đỡ người khác, “nhưng để có sự đồng đều” (Cr 8,13).

Thánh Ba-si-li-o thành Xe-da-rê-a nói: “Bánh mà bạn cất giữ là của người đói khát; chiếc áo choàng mà bạn cất giữ trong rương là của người trần truồng; số  tiền mà bạn cất giấu là của người thiếu thốn.”[2]

Và thánh Au-gu-ti-no nói: “Của cải dư thừa đối với người giầu có là của người nghèo”[3].

“Cả người nghèo cũng có của để giúp đỡ lẫn nhau: người này có thể cho người què mượn chân mình, người khác cho người mù mượn mắt mình để dẫn đường; người khác cũng có thể đến thăm người bệnh nạn.”[4]

Ngày nay chúng ta cũng có thể sống như các tín hữu KItô đầu tiên. Tin mừng không phải là một ảo tưởng. Các Phong trào trong Giáo hội chẳng hạn cho thấy điều đó, chúng được Chúa Thánh thần làm nẩy sinh trong Giáo hội để làm cho sống lại cách mới mẻ tính triệt để của Tin mừng nơi các tín hữu KItô đầu tiên và để đáp lại những thánh đố lớn lao của xã hội ngày nay, nơi những bất công và nghèo khổ bá chủ.

Tôi còn nhớ thời ban đầu của Phong trào Focolare, lúc đó đặc sủng mới đổ vào tâm hồn chúng tôi lòng mến yêu hoàn toàn đặc biệt đối với người nghèo. Lúc đó khi gặp gỡ họ trên đường, chúng tôi ghi địa chỉ của họ vào một cuốn sổ, để sau đó đến thăm và giúp đỡ họ; họ là những Giêsu: “Các ngươi đã làm cho chính ta” (Mt 25,40). Sau khi đã thăm hỏi họ nơi những căn hộ lụp xụp, chúng tôi mời họ đến nhà ăn cơm. Chúng tôi dành cho họ chiếc khăn bàn đẹp nhất, những muỗm nĩa tốt nhất, đồ ăn chọn lựa nhất. Ở bàn ăn trong nhà focolare đầu tiên, một chị focolarina ngồi cạnh một người nghèo, một chị focolarina cạnh một người nghèo…

Đến một lúc xem ra Chúa đòi chính chúng tôi trở nên nghèo để phục vụ người nghèo và tất cả mọi người. Lúc đó, trong một căn phòng ở nhà focolare đầu tiên mỗi người đặt ở giữa phòng cái họ cho là dư thừa: một chiếc áo khoác, một đôi găng tay, một cái mũ, cả một chiếc áo choàng lông… Ngày nay, để cho người nghèo, chúng ta có những hãng xưởng đem lại công việc làm và những lợi nhuận để phân phát!

Nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm cho “người nghèo”.

 

“Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy”

 

Chúng ta có nhiều tài sản để góp chung lại, cho dầu có thể xem ra không phải như thế. Chúng ta có sự nhậy cảm phải làm cho bén nhậy, những hiểu biết phải học để có thể giúp đỡ cách cụ thể, để tìm ra cách thế sống tình huynh đệ. Chúng ta có tình cảm trong lòng để hiến tặng, lòng chân thành để nói lên, niềm vui để thông đạt. Chúng ta có thời giờ để cống hiến, lời cầu nguyện, sự phong phú nội tâm để góp chung bằng lời nói hoặc bài viết; nhưng đôi khi chúng ta cũng có những đồ vật, những chiếc bóp, chiếc bút, tiền nong, nhà cửa, xe cộ để cống hiến… Có thể chúng ta tích trữ rất nhiều đồ vật vì nghĩ rằng một ngày nào đó chúng có thể hữu ích, nhưng trong lúc này có người bên cạnh đang cần đến khẩn cấp.

Cũng như mỗi cái cây chỉ hấp thụ từ đất số nước nó cần đến, cũng vậy chúng ta cũng tìm cách chỉ có cái gì cần thiết mà thôi. Và tốt hơn cả là thỉnh thoáng ta nhận thấy mình thiếu một cái gì; sống hơi nghèo nàn một chút thì hay hơn là giầu có.

Thánh Ba-si-li-ô nói: “Nếu tất cả mọi người chúng ta bằng lòng với cái cần thiết, và đem cái dư thừa cho người thiếu thốn, thì sẽ không còn người giầu lẫn người nghèo”.[5]

Chúng ta hãy thử làm, hãy khởi sự sống như vậy. Chắc chắn Đức Giêsu sẽ không quên làm cho chúng ta được gấp trăm; ta sẽ có thể tiếp tục hiến tặng. Cuối cùng Người sẽ nói với ta rằng ta đã cho bất kỳ người nào bao nhiêu, thì ta đã hiến cho Người bấy nhiêu.

 

Chiara Lubich

 



[1] Xem Wilheilm Mühs, Parole del cuore, Milano 1996, p.82

[2] Aforismi e cittazioni cristiane, Piemme, 1944, p.44

[3]Id., 45.

[4] Ibid.

[5] Aforismi e citazioni cristiane, p. 44


LỜI SỐNG 2014