Lời Sống

Tháng Hai 2015

 

“Anh em hãy đón nhận nhau như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa”

                                                                                                              (Rm 15, 7)

Vì muốn đến Roma rồi từ đó tiếp tục đi Tây ban nha, tông đồ Phao-lô gửi trước một lá thư cho các cộng đoàn Kitô hiện diện ở thành phố này. Ở đây rất sớm những cộng đoàn này sẽ chứng kiến sự gắn bó thành thực và sâu xa với Tin mừng của con số vô kể những vị tử đạo, nhưng như ở những nơi khác, không thiếu những căng thẳng, hiểu lầm và cả đến sư cạnh tranh. Thực vậy, các Kitô hữu ở Roma cho thấy họ đến từ một nguồn gốc xã hội, văn hoá và tôn giáo rất khác nhau. Có những người đến từ Do-thái giáo, từ thế giới Hi lạp và từ tôn giáo cổ xưa của Roma, có lẽ từ thuyết khắc kỷ hoăc từ những định hướng triết lý khác. Những người này mang theo những truyền thống tư tưởng và những xác tín luân lý của riêng mình. Một số người được coi là “yếu đuối”, vì họ theo những thói quen ăn uống riêng, chẳng hạn ăn chay, hay theo những lịch chỉ dẫn những ngày đặc biệt ăn chay; những người khác được gọi là  “khỏe mạnh” vì được tự do khỏi những ảnh hưởng này, họ không bị ràng buộc vào những cấm kỵ ăn uống hay những nghi lễ đặc biệt. Thánh Phao-lô ngỏ với tất cả một lời mời gọi khẩn cấp:

 

“Anh em hãy đón nhận nhau như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa”

 

Trước đó, trong lá thư, thánh nhân đã đi vào vấn đề trước hết nói với những người “khỏe mạnh”, để mời gọi họ “tiếp nhận” những người “yếu đuối”, “mà không tranh luận những quan điểm”; sau đó đối với những người “yếu đuối” để đến lượt mình, họ đón nhận những người “khỏe mạnh” mà không xét đoán, vì chính họ đã được “đón nhận” bởi Thiên Chúa.

Nhự vậy thánh Phaolô xác tín là mỗi người, cho dầu khác biệt về quan điểm và thói quen, đều hành động vì lòng mến yêu Chúa. Như thế không có lý do gì để xét đoán người nghĩ cách khác, cũng không nên làm cho người ấy vấp phạm với cách làm việc kiêu căng và với kiểu trịch thượng. Trái lại điều cần phải nhắm tới là điều tốt cho tất cả mọi người, “xây dựng lẫn nhau”, hay xây dựng cộng đoàn, sự hiệp nhất của cộng đoàn (cf 14, 1-23).

Đó là, cả trong tường hợp này, cũng áp dụng quy luật quan trọng của cuộc sống Kitô mà thánh Phaolô đã nhắc nhớ không lâu trước đó trong lá thư: “Yêu thương là chu toàn Lề luật” (13, 10). Khi không cư sử “theo lòng bác ái” (14,15), những tín hữu Kitô lúc đó đã thiếu tinh thần huynh đệ, điều phải làm sống động các thành viên của mỗi cộng đoàn.

Thánh tông đồ lấy làm gương mẫu cho việc đón nhận lẫn nhau, cách đón nhận của Đức Giêsu, khi mà, trong cái chết, thay vì theo sở thích của mình, Người đã nhận lấy cho mình những yếu đuối của chúng ta (cf 15, 1-3). Từ trên thập giá Người lôi kéo tất cả đến với mình, và đón nhận ông Gioan, người Do thái, cùng với người đội trưởng, một người Roma, bà Maria Ma-đa-lê-na cùng với tên tội phạm bị đóng đinh thập giá với Người.

 

“Anh em hãy đón nhận nhau như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm rạng danh Thiên Chúa”

 

Cả trong những cộng đoàn Kitô chúng ta, cho dầu “tất cả mọi người đều được Thiên Chúa yêu thương và được kêu gọi nên thánh” (1, 7), thì, cũng giống như những cộng đoàn ở Roma, không thiếu những bất toàn và những đối nghịch giữa cách nhìn khác nhau và những văn hóa thường cách xa nhau. Thường thường những người chủ trương truyền thống và những người đổi mới kình chống nhau  - để dùng một kiểu nói có lẽ đơn giản thái qúa nhưng có thể hiểu được ngay -, những người có đầu óc mở rộng hơn và những người khác đóng kín hơn, những người để ý đến một Kitô giáo xã hội hơn hoặc tinh thần hơn. Những khác biệt được bồi dưỡng bởi những xác tín chính tri và bởi những nguồn gốc xã hội khác nhau. Hiện tượng di dân hiện nay thêm vào những cộng đoàn phụng vụ của chúng ta, và vào những nhóm giáo hội khác nhau sau này tạo thành sự đa dạng văn hóa và nguồn gốc địa lý.

Chính những động lực đó có thể nẩy sinh nơi những quan hệ giữa các Kitô hữu thuộc các Giáo hội khác nhau, nhưng cũng cả trong gia đình, nơi những môi trường làm việc hay những môi trường chính trị.

Lúc đó cám dỗ xét đoán người không nghĩ như chúng ta đi vào và cám dỗ cho là mình cao hơn, trong một thái độ đối nghịch khô cằn và lọai bỏ lẫn nhau.

Mô hình thánh Phaolô đưa ra không phải là chủ trương san bằng, mà là sự hiệp thông giữa những khác biệt làm cho nên phong phú. Không phải tình cờ mà hai chương trước, trong cùng lá thư, thánh nhân nói đến sự hợp nhất của thân thể và sự khác biệt của các phần thể, cũng như những đặc sủng khác nhau làm cho phong phú và sinh động cộng đoàn (cf 12, 3-13). Mô hình đó, để dùng hình ảnh của ĐTC Phan-xi-cô, không phải là hình cầu ở đó mỗi điểm cùng cách xa trung tâm bằng nhau mà không có những khác biệt giữa các điểm với nhau. Mô hình đó là một khối đa diện, có những mặt khác nhau  và sự cấu thành không đồng đều, ở đó tất cả những phiến diện giữ được tính độc đáo của nó. “Ngay cả những người có thể bị phê bình vì những lầm lỗi của họ, cũng có một điều gì để đóng góp mà không nên để mất đi. Đó là sự kết hợp của các dân tộc, trong trật tự phổ quát, họ giữ được tính cá biệt của mình; đó là toàn bộ những người trong một xã hội đang tìm kiếm lợi ích chung, một xã hội thực sự kết hợp lại mọi người”[1].

 

“Anh em hãy đón nhận nhau như Đức Kitô đã đón nhận anh em, để làm vinh danh Thiên Chúa”

 

Lời sống này là một lời mời gọi khẩn thiết để nhìn nhận điều tích cực nơi người khác, ít là vì sự kiện Đức Kitô cũng đã hiến mạng sống mình cho người mà tôi muốn xét đoán. Đó là một lời mời gọi lắng nghe, bỏ sang một bên những cơ cấu tự vệ, mở rộng đến việc thay đổi, đón nhận với lòng tôn trọng và mến yêu những khác biệt, để đi đến chỗ làm thành một cộng đoàn đông đảo và hiệp nhất với nhau.

Lời này đã được Giáo hội tin lành tại Đức quốc chọn lựa để những thành viên của mình sống, và nên ánh sáng cho họ trong cả năm 2015. Chia sẻ lời này, ít là trong tháng này, giữa các thành viên của các Giáo hội khác nhau, đã là một dấu chỉ cho việc đón nhận lẫn nhau.

Như thế chúng ta có thể làm rạng danh Thiên Chúa bằng một tâm hồn và một tiếng nói (15,6), bởi vì, như chị Chiara Lubich đã nói tại nhà thờ chính toà  thánh Phêrô của giáo hội cải cách ở Genève rằng: “Thời hiện đại […] đòi mỗi người chúng ta một tình thương, đòi sự hiệp nhất, hiệp thông, liên đới. Và cũng mời gọi các Giáo hội  tái tạo lại sự hiệp nhất tan vỡ từ nhiều thế kỷ. Đó là việc cải cách các cuộc cải cách mà Trời đòi nơi chúng ta. Đó là bước đầu tiên và cần thiết tiến về tình huynh đệ đại đồng với tất cả mọi người nam và người nữ trên thế giới. Thực vậy thế giới sẽ tin, nếu chúng ta hiệp nhất”

 

Fabio Cardi



[1] Evangelii gaudium, 236


LỜI SỐNG 2015