Lời Sống

Tháng Năm 2015

 

“Nhưng Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng

ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô” (Eph 2,4-5)

 

Khi Thiên Chúa hiện ra với ông Mô-sê trên núi Si-nai, Người xưng danh mình và nói: “Chúa, Chúa, Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giầu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34, 6). Kinh thánh Do-thái, để chỉ bản chất của tình yêu thương xót, thường dùng một từ (rahămîm), từ này nhắc đến lòng mẹ, nơi khởi nguồn sự sống. Khi tỏ mình ra là “nhân hậu”, Thiên Chúa cho thấy sự ân cần của Người đối với mọi tạo vật, giống như sự ân cần của một người mẹ đối với con cái mình: đó là thương yêu, che chở, săn sóc. Kinh thánh còn dùng một từ khác (hesed) để nói lên những khía cạnh khác của tình yêu-thương xót: đó là lòng thành tín, nhân hậu, nhân từ, liên đới.

Cả Đức Mẹ, trong bài ca Chúc tụng cũng ca ngợi lòng thương xót của Đấng Toàn năng trải từ đời nọ đến đời kia (cf Lc 1, 50).

Chính Đức Giêsu đã nói với chúng ta về tình yêu Thiên Chúa, bằng cách mạc khải Thiên Chúa cho ta như một người “Cha” gần gũi và chú ý đến mọi nhu cầu của ta, sẵn sàng tha thứ, ban phát mọi sự chúng ta cần: “Người cho mặt trời mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mc 5, 45). Tình yêu của Người thực sự là một tình yêu “phong phú” và “lớn lao”, như thư gửi các tín hữu ở Ê-phê-xô xác định, mà Lời sống này trích dẫn từ đó:

 

“Nhưng Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu

chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô”

 

Lời này của thánh Phaolô hầu như là một tiếng kêu vui mừng, phát sinh từ sự chiêm ngắm tác động lạ lùng  Thiên Chúa đã thực hiện cho chúng ta: đó là chúng ta đã chết và Người đã làm cho chúng ta sống lại, ban cho ta một cuộc sống mới.

Câu này bắt đầu với từ “nhưng”, để chỉ cho ta thấy sự đối nghịch với những gì thánh nhân đã nhận thấy trước: đó là tình cảnh bi thương của nhân loại bị đè bẹp bởi sự sa ngã và tội lỗi, bị những ước muốn ích kỷ và xấu xa cầm giữ, sống dưới ảnh hưởng của sức mạnh sự dữ, đưa đến sự phản nghịch Thiên Chúa. Trong tình cảnh này nhân loại đáng chịu cơn thịnh nộ của Người (cf Eph 2, 1-3). Trái lại Thiên Chúa, thay vì sửa phạt – đây là sự kinh ngạc lớn của thánh Phaolô - Người lại ban cho họ sự sống: Người không để mình bị cơn thịnh nộ hướng dẫn, mà bởi lòng thương xót và tình thương. Đức Giêsu đã cho ta trực cảm được cách hành sử này của Thiên Chúa, khi Người kể dụ ngôn người cha với hai người con, người cha rộng tay đón nhận đứa con trẻ hơn đã sa vào một cuộc sống vô nhân. Cũng vậy, với dụ ngôn người mục tử nhân lành, đi tìm con chiên lạc và mang nó trên vai đưa về nhà; hay dụ ngôn người Sa-ma-ri-ta-nô nhân hậu, săn sóc vết thương cho người rơi vào tay kẻ cướp (cf Lc 15, 11-32; 3-7; 10,30-37).

Thiên Chúa, người Cha hay thương xót, được biểu trưng trong những dụ ngôn, không chỉ đã tha thứ cho chúng ta, mà còn ban cho chúng ta chính sự sống của con mình là Đức Giêsu, đã ban cho chúng ta trọn vẹn sự sống thần linh.

Từ đó nẩy sinh bài ca tạ ơn:

 

“Nhưng Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu

chúng ta đã chết vì sa ngã, Người cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Đức Kitô”

 

Lời sống này phải làm nẩy sinh nơi chúng ta cùng một niềm vui và lời cảm tạ của thánh Phaolô và của cộng đoàn Kitô đầu tiên. Đối với mỗi người chúng ta Thiên Chúa cũng tỏ ra “giầu lòng thương xót” và “rất mực mến yêu, sẵn sàng tha thứ và tái tin tưởng chúng ta. Không hoàn cảnh tội lỗi nào, đau khổ nào, cô đơn nào, mà Người không hiện diện ở đó, mà không ở bên cạnh chúng ta để đồng hành với ta, mà không đặt tin tưởng nơi chúng ta, không ban cho ta khả năng chỗi dậy và sức mạnh để bắt đầu lại luôn luôn.

Trong dịp đọc kinh “Truyền tin” đầu tiên, ngày 17 tháng ba cách đây hai năm, ĐTC Phan-xi-cô đã bắt đầu nói về lòng thương xót của Thiên Chúa, một đề tài mà sau đó đã trở nên quen thuộc với ngài. Trong dịp đó Ngài nói: “Gương mặt của Thiên Chúa là gương mặt của một người cha hay thương xót, luôn kiên nhẫn… thấu hiểu ta, chờ đợi ta, tha thứ cho ta không biết mệt mỏi …”. Ngài kết thúc lời chào ngắn đầu tiên đó bằng cách nhắc nhở rằng: “Thiên Chúa là Cha thương yêu, luôn tha thứ, có lòng thương xót đối với mọi người. Và chúng ta cũng học biết nên những người thương xót đối với tất cả mọi người”.

Chỉ dẫn cuối cùng này đề ra cho chúng ta một cách thế cụ thể để sống Lời sống tháng này.

Nếu Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu thương chúng ta, thì  chúng ta cũng được mời gọi có lòng thương xót đối với người khác. Nếu Người yêu thương những người độc ác, những người thù nghịch với Người, thì chúng ta cũng phải học biết mến yêu những người “không đáng yêu”, cả những kẻ thù. Đức Giêsu đã chẳng nói với ta: “Phúc thay ai xót thương người, vì sẽ được Thiên Chúa xót thương” sao? (Mt 5, 7); Người đã chẳng đòi chúng ta “có lòng nhân từ, như Cha anh em là Đấng nhân từ” sao? (Lc 6,36). Thánh Phaolo cũng mời gọi các cộng đoàn của mình, đã được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu thương, mặc lấy “lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa, nhẫn nại” (Cl 3, 12).

Nếu chúng ta đã tin vào tình yêu của Thiên Chúa, thì đến lượt mình chúng ta cũng có thể yêu thương với tình thương nên gần gũi với mọi tình cảnh đau đớn và thiếu thốn, tình thương bào chữa mọi sự, tình thương che chở, tình thương biết săn sóc.


Khi sống như vậy chúng ta sẽ có thể nên những chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa và giúp những người ta gặp khám phá ra rằng Thiên Chúa giầu lòng thương xót và rất mực yêu thương họ.

 

Fabio Ciardi

 

 

 


LỜI SỐNG 2015