Lời Sống

Tháng Giêng 2016

“Anh em đã được kêu gọi để loan truyền những kỳ công của Người”

(cf. 1Pr 2, 9)

 

Khi Chúa hành động, Người thực hiện những công việc kỳ diệu. Khi vừa tạo nên vũ trụ, Người thấy nó “tốt đẹp”, đang khi đó, sau khi đã dựng nên người nam và người nữ, trao phó cho họ trông coi mọi tạo vật, Người thấy việc đó “rất tốt đẹp” (cf St 1, 31). Nhưng công trình của Người vượt trên tất cả mọi sự, là công trình Đức Giêsu thực hiện: với cái chết và cuộc sống lại, Người đã tạo nên một thế giới mới và một dân tộc mới. Một dân tộc  mà Đức Giêsu đã ban cho sự sống từ trời, một tình huynh đệ đích thực, qua việc đón nhận lẫn nhau, chia sẻ, hiến ban chính mình. Lá thư của thánh Phê-rô làm cho các KItô hữu đầu tiên ý thức rằng tình thương của Thiên Chúa đã làm cho họ trở nên “giống nòi được tuyển chọn, hàng tư tế vương giả, dân tộc thánh, dân của Chúa” (xin đọc tất cả câu 9-10).

Nếu cả chúng ta, như các Kitô hữu đầu tiên, chúng ta cũng thực sự ý thức được mình là ai, ý thức về những gì lòng thương xót của Thiên Chúa đã thực hiện nơi chúng ta, giữa chúng ta và chung quanh ta đến thế nào, thì chúng ta sẽ kinh ngạc, không thể cầm hãm được niềm vui và sẽ cảm thấy cần phải chia sẻ niềm vui đó cho người khác, phải “loan truyền những công việc kỳ diệu của Chúa”.

Nhưng điều đó thật khó, hầu như không thể thực hiện được, là làm chứng một cách có hiệu qủa cho vẻ đẹp của xã hội mới, xã hội mà Đức Giêsu đã hiến mạng sống mình cho họ, đang khi ta vẫn sống cô lập với nhau. Như vậy thường tình thì lời mời gọi của thánh Phê-rô được dành cho toàn thể dân chúng. Chúng ta không thể cho người ta thấy là ta cãi cọ nhau và theo phe đảng, hoặc chỉ dửng dưng với nhau, và sau đó lại loan truyền: “Chúa đã tạo dựng một dân tộc mới, đã giải phóng chúng tôi khỏi lòng ích kỷ, khỏi những hận thù và những giận dữ, đã ban cho chúng tôi lòng thương yêu nhau làm lề luật, tình thương làm cho chúng tôi nên một tâm, một lòng…” Giữa dân Kitô chúng ta có những khác biệt trong cách suy nghĩ, trong những truyền thống và văn hóa, nhưng những khác biệt này phải được đón nhận với lòng tôn trọng, bằng cách nhìn nhận vẻ đẹp của sự khác biệt lớn lao này, ý thức rằng hiệp nhất không phải là đồng nhất.

Đó là cuộc hành trình chúng ta phải đi qua trong Tuần lễ cầu nguyện cho các Kitô hữu được hiệp nhất mà tại miền bắc bán cầu được cử hành từ ngày 18 đến ngày 25 tháng giêng – và trong cả năm. Lời sống mời gọi chúng ta tìm cách hiểu biết nhau hơn, giữa các Kitô hữu thuộc các Giáo hội và các cộng đoàn khác nhau, mời gọi kể cho nhau những công trình kỳ diệu của Chúa. Lúc đó chúng ta có thể “loan truyền”, một cách có thể tin được, những công cuộc như thế, bằng cách làm chứng rằng  chúng ta hiệp nhất với nhau, chính trong sự khác biệt này, và chúng ta nâng đỡ nhau cách cụ thể.

Chị Chiara Lubich đã mạnh mẽ khuyến khích cuộc hành trình này: “Tình thương là sức mạnh mãnh liệt trên thế giới: chung quanh ngườI nào sống tình thương đó, thì nó làm nẩy sinh cuộc cách mạng Kitô hòa bình, để lặp lại cho các Kitô hữu ngày nay điều mà nhiều thế kỷ trước,những KItô hữu đầu tiên đã nói: “Chúng tôi mới sinh ra ngày hôm qua, mà hôm nay đã lan tràn khắp thế giới”[1]. […] Tình yêu! Người ta cần biết bao tình yêu trên thế giới! Và nơi chúng ta, những Kitô hữu! Tất cả chúng ta cùng với các Giáo hội khác nhau, chúng ta có hơn một tỉ người. Như vậy, rất nhiều người, và chúng ta cần phải được người ta nhìn thấy. Nhưng chúng ta lại chia rẽ nhau đến độ nhiều người không nhìn thấy chúng ta, cũng không nhìn thấy Đức Giêsu qua chúng ta nữa.

Người đã nói rằng thế giới sẽ nhìn nhận chúng ta là những môn đệ của Người, và qua chúng ta họ sẽ nhìn nhận Người, qua tình thương yêu lẫn nhau, qua sự hiệp nhất: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35). […] Vì vậy, thời đại ngày nay đòi mỗi người chúng ta tình thương, đòi sự hiệp nhất, hiệp thông, tình liên đới. Và cũng kêu mời các Giáo hội lập lại sự hiệp nhất đã bị tan rã từ nhiều thế kỷ”[2].

 

Linh mục Fabio Ciardi phụ trách

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

                                                      



[1] Tertulliano, Apologetico 37,7.

[2] Chiara Lubich: Il dialogo è vita. Roma 2007, pp. 42-43.


LỜI SỐNG 2016