Lời Sống

Tháng Tư 2015

 

“Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh

em bé nhỏ nhất của Ta là các ngươi đã làm cho chính Ta”

(Mt 25, 40)

 

Tại sao những lời này của Chúa Giêsu lại gần gũi với chúng ta như vậy và thường trở lại trong những Lời sống chúng ta chọn cho mỗi tháng? Có lẽ bởi vì chúng là trung tâm của Tin mừng. Đó là những lời mà Chúa sẽ ngỏ với chúng ta, khi vào cuối đời chúng ta đến trước mặt Người. Cuộc khảo sát quan trọng nhất trong đời, mà chúng ta có thể chuẩn bị ngày này qua ngày khác sẽ liên quan đến những lời này.

Người sẽ hỏi ta có cho người đói khát ăn uống không, ta có đón tiếp khách lạ không, ta có cho người rách rưới ăn mặc không, có thăm viếng người bệnh tật và tù tội không… Đó là những cử chỉ nhỏ mọn, nhưng chúng có một giá trị vĩnh cửu. Không gì là nhỏ mọn điều làm vì tình thương, điều làm vì Chúa.

Thực vậy, Chúa Giêsu đã không chỉ nên gần gũi với người nghèo và người sống bên lề xã hội, Người đã chữa người bệnh tật, an ủi người khổ đau, mà Người còn yêu chuộng họ hơn, đến độ gọi họ là những người anh  em, đến độ đồng hóa với họ bằng một tình liên đới nhiệm mầu.

Ngày nay Chúa Giêsu cũng tiếp tục hiện diện nơi người chịu bất công và bạo lực, nơi người tìm việc làm hay sống trong tình cảnh bấp bênh, nơi người bị bó buộc phải rời bỏ quê hương vì chiến tranh. Biết bao người đang chịu đau khổ chung quanh ta vì nhiều lý do khác và khẩn khoản, không bằng lời nói, xin ta giúp đỡ. Họ là Chúa Giêsu, Người xin chúng ta một tình thương cụ thể, có khả năng tạo nên những “việc thương người” mới, đáp lại những nhu cầu mới.

Không ai bị loại bỏ. Nếu một người già cả và bệnh tật là Chúa Giêsu thì làm sao không làm cho người ấy được nhẹ bớt? Nếu tôi dạy tiếng nói cho một đứa bé nhập cư, thì tôi dậy cho Chúa Giêsu. Nếu tôi giúp mẹ lau chùi nhà, thì tôi giúp Chúa Giêsu. Nếu tôi đem đến niềm hi vọng cho một người tù, hay an ủi người đang sầu khổ hoặc tha thứ cho người làm hại tôi, thì tôi lập mối liên hệ với Chúa Giêsu. Và mỗi lần kết qủa sẽ không chỉ là mang lại niềm vui cho người khác, mà chính ta cảm nhận được một niềm vui lớn. Khi cho đi thì ta nhận lại, ta cảm nhận một sự tràn đầy trong lòng, ta cảm thấy hạnh phúc, bởi vì, cho dầu không biết, ta đã gặp gỡ Chúa Giêsu: như chị Chiara Lubich đã viết, người khác là lối đi để đến với Thiên Chúa.

Như vậy, Chị đã gợi lại ảnh hưởng của Lời sống này ngay từ kinh nghiệm ban đầu của Chị: “Tất cả cách thế cũ của chúng tôi để hiểu về người thân cận và yêu thương người đó đã xụp đổ. Nếu Đức Kitô, một cách nào đó, ở nơi mọi người, thì không thể kỳ thị, không thể chọn lựa. Những ý niệm nhân loại để phân loại người ta: người cùng quốc gia hay người xa lạ, người già hay trẻ, người đẹp hay xấu, người dễ ghét hay dễ thương, người giầu hay nghèo, đều thất bại, Đức Kitô ở đàng sau mỗi người, Đức Kitô ở nơi mỗi người. Và lúc đó mỗi người anh em đều thực sự là một “Kitô khác” (...).

“Khi sống như vậy chúng tôi nhận ra là người thân cận, đối với chúng tôi, là con đường để đến với Thiên Chúa. Hơn thế, người anh em, đối với chúng tôi, giống như một cái cổng cần phải đi qua để gặp được Thiên Chúa.

“Ngay từ những ngày đầu chúng tôi đã nghiệm được điều đó. Một sự kết hiệp đặc biệt với Thiên Chúa vào ban tối, khi cầu nguyện, hay khi tịnh tâm, sau khi đã mến yêu Người nơi những người anh em suốt ngày sống! Ai đã đem lại cho chúng tôi niềm an ủi đó, sự hợp nhất nội tâm thật mới lạ, thật tuyệt vời đó, nếu không phải là Đức Kitô, Đấng đã sống lời “hãy cho đi thì anh em sẽ được cho lại” (Lc 6, 38) trong Tin mừng của Người đó sao? Chúng tôi đã mến yêu Người suốt cả ngày nơi những người anh em và đây lúc này Người yêu thương chúng tôi” (Scritti spirituali/4, Città Nuova, Roma2, p. 204-205).                                                                                 

 

Lm. Fabio Ciardi phụ trách

                           


LỜI SỐNG 2016