Lời Sống

Tháng Mười 2016

“Hãy bỏ qua điều sai trái cho kẻ khác, thì khi bạn cầu khẩn, tội lỗi bạn sẽ được tha” (Huấn ca 28,2)

 

Trong một xã hội đầy bạo lực như xã hội nơi chúng ta đang sống, tha thứ là một vấn đề khó đối phó. Làm sao có thể tha thứ cho người phá hủy một gia đình, cho người phạm những tội ác không thể kể ra hay cho người động chạm đến những điều cá nhân, làm hại đến công danh của ta, phản bội lòng tin tưởng của ta?

Hành động phản xạ đầu tiên là trả thù, lấy ác đền ác, khởi đầu cho hận thù và bạo lực leo thang, làm cho xã hội nên man dã. Hoặc cắt đứt mọi mối quan hệ, giữ lòng oán thù và mối ác cảm, trong một thái độ làm cho cuộc sống nên cay đắng và phá hoại các mối quan hệ.

Lời Chúa mạnh mẽ đi vào những tình trạng xung đột khác nhau và thẳng thắn đề ra giải quyết khó khăn và can đảm nhất: đó là tha thứ.

Lần này lời mời gọi đến với chúng ta từ ông Ben Sira, một nhà hiền triết của dân Israel thời xưa, ông cho thấy sự vô lý trong lời cầu xin tha thứ dâng lên Thiên Chúa từ một người không biết tha thứ. “Thiên Chúa tha thứ tội lỗi cho ai? – chúng ta đọc trong một bản văn Do thái cổ - Cho người biết tha thứ”[1]. Đó là điều chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta trong lời kinh ta thưa với Chúa Cha: “Lạy Cha… xin tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”[2].

Chúng ta cũng sai lỗi, và mỗi lần chúng ta đều muốn được tha thứ! Ta hãy nài xin và hi vọng là mình có thể bắt đầu lại lần nữa, và Chúa còn tin tưởng nơi chúng ta. Nếu đối với chúng ta là như vậy, thì đối với người khác cũng sẽ như thế sao? Ta không phải mến yêu người bên cạnh như chính mình đó sao?

Chị Chiara, người liên tục gợi cho chúng ta hiểu Lời Chúa, đã giải thích lời mời gọi tha thứ như sau: đó “không phải là quên đi, nghĩa là không màng gì đến lầm lỗi vì sợ kẻ phạm lỗi mạnh hơn mình. Tha thứ không hệ tại việc khẳng định là không quan trọng điều trầm trọng, hay điều xấu là tốt. Tha thứ không phải là dửng dưng. Tha thứ là một hành động của ý chí và minh bạch, như vậy đó là hành động tự do, hệ tại việc đón nhận chính người anh em, mặc cho điều ác người đó đã làm cho ta, như Thiên Chúa đón nhận chúng ta là kẻ tội lỗi, mặc cho những khuyết điểm của ta. Tha thứ là không đáp lại sự xúc phạm bằng một xúc phạm, mà làm như thánh Phao-lô đã nói: “Đừng để cho điều ác thắng vượt mình, mà thắng vượt điều ác bằng điều thiện”[3]

Tha thứ hệ tại việc mở ra cho người làm điều sai trái cho ta khả năng có thể lập mối quan hệ mới với ta, như vây đó là khả năng cho người đó và cho bạn để bắt đầu lại cuộc sống, để có một tương lai nơi sự dữ “không nói lời quyết định”.

Lời sống sẽ giúp chúng ta chống lại cám dỗ muốn lớn tiếng trả lời, đối lại sự dữ ngay lập tức. Lời sống sẽ giúp chúng ta nhận ra “kẻ thù” là ai với cái nhìn mới, bằng cách nhận ra người đó là anh em, cho dù là anh em độc ác, đang cần được mến yêu, và giúp người đó thay đổi. Đó sẽ là cách “trả thù bằng mến yêu” của ta.

“Bạn sẽ bảo: ‘Nhưng điều đó khó khăn’ - Chị Chiara nói tiếp trong lời chú giải -. Điều đó dễ hiểu. Nhưng đó là cái đẹp của Kitô giáo. Không phải vì lý do nào khác mà Bạn theo một Thiên Chúa, Đấng, khi chết đi trên thập giá, đã xin Chúa Cha tha cho kẻ đưa mình đến cái chết. Hãy can đảm. Hãy khởi sự một cuộc sống như vậy. Tôi cam đoan với Bạn một niềm an bình chưa bao giờ nhận được và nhiều niềm vui chưa hề biết đến”[4]

         

Lm. Fabio Ciardi

 

 

 

 

 



[1] Cf. Talmud babinonese, Megillah 28a.

[2] Mt 6, 12.

[3] Rm 12,21

[4] Costruire sulla roccia, Città Nuova, Roma 1983, p. 46-58.


LỜI SỐNG 2016