Lời Sống

Tháng Mười Một 2016

 

“Tôi chịu được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi” (Pl 4, 13)

 

Có những lúc ta cảm thấy  hài lòng, đầy sức mạnh và mọi sự xem ra dễ dàng và nhẹ nhàng. Những lúc khác ta bị tấn công bởi những khó khăn làm cho ngày sống nên cay đắng. Đó có thể là những thất bại nhỏ trong việc mến yêu những người bên cạnh ta, việc không thể chia sẻ với người khác lý tưởng sống của mình. Hoặc bệnh tật ập đến, những eo hẹp về kinh tế, những thất vọng trong gia đình, những nghi ngờ và dằn vặt nội tâm, mất  viêc làm, những tình cảnh chiến tranh, chúng đè bẹp ta và xem ra không có lối thoát. Điều nặng nề hơn cả trong những tình huống đó là ta cảm thấy bị bó buộc phải một mình đối phó với những thử thách của cuộc sống, không được sự hỗ trợ của  người có khả năng đem lại cho ta sự giúp đỡ quyết định.

Có ít người như tông đồ Phao-lô đã sống hết mình những niềm vui và đau khổ, những thành công và hiểu lầm. Như thế thánh nhân đã biết can đảm theo đuổi sứ mạng của mình, mà không đầu hàng sự thất vọng. Thánh nhân là một siêu anh hùng sao? Không, lúc đó ngài cảm thấy mình yếu đuối, mong manh, không thích hợp, nhưng có một bí mật mà ngài tâm sự với những bạn hữu ở Phi-líp-pi: “Tôi chịu được mọi sự trong Đấng ban sức mạnh cho tôi”. Thánh nhân đã khám phá ra trong chính cuộc sống mình sự hiện diện liên tuc của Chúa Giêsu. Cả khi bị tất cả mọi người bỏ rơi, thánh Phao-lô không bao giờ cảm thấy  lẻ loi: Chúa Giêsu vẫn ở bên cạnh thánh nhân. Người đã hoàn toàn đi vào cuộc sống thánh nhân và trở nên sức mạnh của ngài.

Bí mật của thánh Phao-lô cũng có thể trở nên bí mật của ta. Tôi cũng có thể làm đươc mọi sự, khi trong đau khổ tôi nhận ra và đón nhận sự gần gũi mầu nhiệm của Chúa Giêsu, Đấng hầu như đồng hóa và nhận lấy cho mình đau khổ đó. Tôi có thể làm được mọi sự, khi tôi sống trong sự hiệp thông với những người khác, bởi vì lúc đó Chúa Giêsu đến giữa chúng ta, như Người đã hứa (xem Mt 18, 20), và tôi được nâng đỡ bởi sức mạnh của hiệp nhất. Tôi có thể làm được mọi sự, khi đón nhận và đem ra thực hành những lời Tin mừng: chúng làm cho tôi nhận ra con đường tôi được mời gọi theo đuổi mỗi ngày, chúng dậy tôi phải sống thế nào, chúng đem lại cho tôi niềm tin tưởng.

Tôi sẽ không chỉ có được sức mạnh để đối phó với những thử thách riêng tư, hay trong cuộc sống gia đình, mà cả với những thử thách của thế giới chung quanh. Đó có thể xem ra là một điều ngây thơ, một điều không tưởng, vì những vấn đề của xã hội và của các quốc gia thật lớn lao. Nhưng chúng ta có thể chịu đươc “mọi sự” với sự hiện diện của Đấng Toàn năng; “mọi sự” và duy chỉ điều tốt mà trong tình yêu nhân từ Người đã nghĩ ra cho tôi và cho những người khác qua tôi. Và nếu điều đó không được thực hiện ngay lập tức, thì ta vẫn có thể tiếp tục tin tưởng và hy vọng nơi dự án yêu thương của Thiên Chúa, Đấng nắm trọn trường cửu và rồi sẽ chu toàn.

Chỉ cần làm việc “tay đôi”, như chị Chiara Lubich đã dạy: “Tôi không thể làm được gì trong trường hợp đó, cho người thân đó đang gặp nguy hiểm hay bệnh tật, cho cảnh huống rối rắm đó… Nhưng tôi vẫn có thể làm điều Chúa muốn cho tôi trong giây phút này: đó là học hành tốt, quét dọn tốt, cầu nguyện tốt, coi sóc cẩn thận các con nhỏ của tôi… Rồi Chúa sẽ nghĩ đến việc gỡ rối mớ bòng bong đó, an ủi người đau khổ, giải quyết chuyện bất ngờ đó. Đó là việc làm tay đôi trong sự hiệp nhất hoàn toàn, điều đòi nơi ta đức tin mạnh nơi tình yêu Thiên Chúa đối với con cái Người, và trong hành động của ta điều đó để cho chính Chúa có thể tin tưởng nơi ta. Niềm tin tưởng lẫn nhau này làm được những việc lạ lùng. Ta sẽ thấy rằng ở đâu ta không tới được, thì một Đấng khác đã thực sự đến được, Người đã thực hiện tốt hơn ta bội phần”[1].

 

Fabio Ciardi



[1] Chiara Lubich, Scritti Spirituali/2, Città Nuova, Roma 19972, pp. 194-195.


LỜI SỐNG 2016