Lời Sống

Tháng Giêng 2017

“Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi” (cf. 2Cr 5, 14-20)

 

“Tối hôm qua em đi ăn ở quán với một bà bạn của má. Em gọi món phụ là một dĩa đậu Hà-lan, để rồi sau đó ăn bánh ngọt là món em thích nhất. Nhưng má nói không được. Lúc đó em sửa soạn phụng phịu, nhưng nhớ là chính Chúa Giêsu đang ở bên cạnh má và như thế em liền mỉm cười”. “Hôm nay, sau một ngày mệt nhọc, em về nhà. Đang khi coi TV, đứa em của em giật lấy cái bấm đổi đài. Em rất bực tức, nhưng rồi em bình tĩnh trở lại và để cho đứa em coi TV”. “Hôm nay ba bảo em một điều và em đã sẵng giọng trả lời. Em thấy ba không được hài lòng. Lúc đó em xin lỗi và ba đã tha lỗi cho em”.

Đó là những kinh nghiệm về Lời sống được các em nhỏ lớp năm ở một trường tiểu học Roma kể. Có lẽ không có một liên hệ trực tiếp giữa những kinh nghiệm và Lời sống mà các em đang sống lúc đó, nhưng đó chính là hoa qủa của Tin mừng khi được đem ra sống: nó thúc đẩy ta mến yêu. Bất kỳ một Lời nào ta đưa ra sống, thì những hiệu quả đều như nhau: nó thay đổi cuộc sống của ta, đem vào tâm hồn ta sự thúc đẩy chú ý đến những nhu cầu của người khác, để rồi ta đặt mình phục vụ những người anh chị em. Điều đó không thể khác được: việc đón nhận và sống Lời Chúa làm nẩy sinh trong ta Chúa Giêsu và đưa ta đến chỗ hành sử như Người. Đó là điều thánh Phao-lô làm cho ta hiểu, khi thánh nhân ở đây viết cho các tin hữu tại Cô-rinh-tô.

Điều thúc đẩy thánh tông đồ rao truyền Tin mừng và hoạt động cho sự hiệp nhất của các cộng đoàn ngài lập nên, là kinh nghiệm sâu xa thánh nhân đã trải nghiệm với Chúa Giêsu. Thánh nhân cảm nghiệm mình được Người yêu thương, cứu độ; Người đã đi vào cuộc sống thánh nhân đến độ không điều gì, không một ai có thể tách rời ra được: lúc đó không còn phải là Phao-lô sống nữa, bởi vì Chúa Giêsu sống trong thánh nhân. Ý tưởng Chúa đã yêu thương thánh nhân đến độ ban sự sống cho ngài làm cho thánh nhân điên lên được, nó không để cho ngài yên và mạnh mẽ thôi thúc ngài không thể cưỡng lại là cũng phải làm như vậy với cùng một lòng mến yêu.

Có phải tình yêu Đức Kitô cũng thôi thúc chúng ta với cùng một sức mạnh như vậy không?

Nếu thực sự chúng ta đã nghiệm được tình yêu của Người, thì ta không thể không mến yêu và can đảm đi vào nơi có chia rẽ, xung khắc, oán thù, để mang đến sự đồng thuận, an bình, hiệp nhất. Tình yêu cho phép ta đưa tâm hồn vượt trên cản trở, để đi đến chỗ tiếp xúc trực tiếp với người khác, trong sự hiểu biết, chia sẻ, để cùng nhau tìm ra giải pháp. Đó không phải là một hành động không bắt buộc. HIệp nhất phải được theo đuổi bằng mọi cách, mà không để cho mình bị cản trở bởi sự khôn ngoan giả hiệu, bởi khó khăn hay bởi những xung đột có thể xẩy ra.

Điều đó xem ra khẩn trương nhất là trong lãnh vực đại kết. Lời sống này đã được chọn cho tháng này, tháng chúng ta cử hành Tuần lễ cầu nguyện cho hiệp nhất, chính là để nó được các Kitô hữu thuộc các giáo hội và cộng đoàn khác nhau cùng đem ra sống, để tất cả cùng cảm nhận mình được thúc đẩy bởi tình yêu Đức Kitô, để đi đến với nhau, để hàn gắn lại sự hiệp nhất.

Chị Chiara Lubich đã khẳng định trong cuộc khai mạc Hội đồng đại kết Âu châu tại Graz, Áo quốc, ngày 23 tháng sáu, 1997 như sau:

“Chỉ có người nào biết mến yêu người khác với chính tình yêu của Thiên Chúa mới nên tín hữu Kitô đích thực, với lòng mến yêu làm cho họ nhìn thấy Đức Kitô nơi mỗi người, lòng mến yêu hướng tới mọi người – Chúa Giêsu đã chết cho toàn thể nhân loại -, lòng mến yêu luôn đưa ra sáng kiến, yêu thương trước; lòng mến yêu làm cho ta yêu thương mỗi người như chính mình, làm cho ta nên một với người anh chị em trong đau khổ và trong niềm vui. Và các Giáo hội cũng cần phải yêu thương với lòng mến yêu này”.

Chúng ta cũng hãy sống tính triệt để của tình yêu cách đơn sơ và nghiêm chỉnh của các trẻ em ở trường tiểu học tại Roma.

                                                                                                          Fabio Ciardi