Lời Sống

Tháng Giêng 2018

“Lạy Chúa, tay hữu Ngài biểu dương sức mạnh”

(Xuất hành 15:6)

Lời sống tháng này gợi lại một câu trong ca vịnh của ông Mô-sê, một đoạn trong Cựu ước ở đó dân Is-ra-ên ca tụng việc Chúa can thiệp trong lịch sử dân này. Đó là một bài ca nói lên hành động quyết định của Thiên Chúa để cứu dân Người, trong tiến trình dài từ cuộc giải phóng khỏi ách nô lệ Ai-cập cho đến cuộc tiến vào Đất hứa.

Đó là một cuộc hành trình trải qua khó khăn cùng đau khổ, nhưng được thực hiện dưới sự hướng dẫn chắc chắn của Thiên Chúa, cùng qua sự cộng tác của một số người, như ông Mô-sê và Gio-suê, những người đặt mình phục vụ cho chương trình cứu độ của Chúa.

“Lạy Chúa, tay hữu Ngài biểu dương sức mạnh”

Khi nghĩ đến sức mạnh, chúng ta dễ dàng gắn liền nó với sức mạnh của quyền hành, thường là nguyên do gây nên áp bức cùng xung đột giữa người ta với nhau và giữa các dân tộc. Trái lại lời Chúa cho chúng ta thấy rằng quyền năng đích thực là tình thương, như đã được biểu hiện nơi Chúa Giêsu. Người đã trải qua toàn thể kinh nghiệm của con người, cho đến cái chết, để mở ra con đường giải phóng và gặp gỡ Chúa Cha. Nhờ Người quyền năng tình yêu của Thiên Chúa đã được tỏ hiện cho con người.

“Lạy Chúa, tay hữu Ngài biểu dương sức mạnh”

Nếu nhìn vào chính mình, thì chúng ta phải thẳng thắn nhận biết những giới hạn của ta. Sự dòn mỏng của con người, trong tất cả những diễn tả của nó - về thể lý, luân lý, tâm lý, xã hội - đều là một thực tại không thể chối cãi được. Nhưng chính ở đó mà chúng ta có thể nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa. Đúng vậy, Người, muốn cho tất cả mọi người, là con cái của Người, được hạnh phúc, và vì vậy Người luôn luôn sẵn sàng ban ơn giúp đỡ quyền năng cho những ai nhã nhặn đặt mình trong tay Người để xây dựng ích chung, hòa bình, tình huynh đệ.

Câu trích dẫn này đã được khôn khéo chọn lựa để cử hành trong tháng này Tuần lễ cầu nguyện cho sự hiệp nhất các người Kitô. Biết bao đau khổ ta đã gây nên cho nhau trong những thế kỷ qua, đào nên những chia cách và nghi ngờ, chia rẽ các cộng đoàn và các gia đình.

“Lạy Chúa, tay hữu Ngài biểu dương sức mạnh”

Với lời cầu nguyện chúng ta cần xin ơn hiệp nhất, như một ơn của Chúa; cùng lúc ta cũng có thể dâng lên chính bản thân làm khí cụ của tình yêu Người để xây nên các nhịp cầu. Nhân một hội nghị tại Hội đồng đại kết các giáo hội tại Genève vào năm 2002, Chị Chiara Lubich, được mời phát biểu tư tưởng cùng kinh nghiệm của mình, chị đã nói:

“Cuộc đối thoại được thực hiện theo cách này là: trước hết chúng ta đặt mình trên cùng một bình diện với bất kỳ người nào đối diện; sau đó ta lắng nghe người đó, bằng cách làm cho mình nên hoàn toàn trống rỗng … Theo cách đó ta đón nhận người kia nơi mình và hiểu được người đó … Vì khi được lắng nghe với tình thương, người kia cũng được khuyến khích lắng nghe lời của ta”[1].

Trong tháng này, chúng ta hãy đi sâu vào những mối giao tiếp hàng ngày của ta, để thắt chặt hoặc lấy lại, những quan hệ quý trọng và huynh đệ với những người khác, với các gia đình và với những nhóm thuộc các giáo hội khác với giáo hội của mình.

Và tại sao không thêm lời cầu nguyện và hoạt động của ta cả cho những rạn vỡ  bên trong chính cộng đoàn giáo hội của mình, cũng như trong chính trị, trong xã hội dân sự, nơi các gia đình? Chúng ta cũng sẽ có thể vui mừng làm chứng rằng: “Lạy Chúa, tay hữu Ngài biểu dương sức mạnh”.

 

          Letizia Magri

 

 



[1] Cf. Chiara Lubich, L’unità e Gesù crocifisso e abbandonato fondamento per una spiritualità di comunione, Genève, 28 ottobre 2002.


LỜI SỐNG 2018