Lời Sống

Tháng 7, 2018

 

"Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối."

(2 Co-rin-tô 12:9)

 

Trong lá thư thứ hai gửi cho cộng đoàn Cô-rin-tô, thánh Phaolô đối chất với một số người tranh luận về tính cách hợp pháp của hoạt động tông đồ của thánh nhân, nhưng ngài không tự bào chữa bằng cách kể ra những công lao và thành công của mình. Trái lại thánh nhân đặt nổi công trình Thiên Chúa đã thực hiện nơi mình và qua mình.

Thánh Phao-lô đề cập đến một kinh nghiệm thần bí của mình, đến mối tương quan sâu xa với Thiên Chúa[1], nhưng là để chia sẻ ngay sau đó về một sự khó khăn lớn, điều có thể giới hạn thánh nhân trong trách nhiệm rao giảng Tin mừng. Vì thế ngài tâm sự là đã xin Chúa giải thoát mình khỏi cản trở này, nhưng câu trả lời thánh nhân nhận được từ chính Chúa thì đảo ngược mọi sự:

 

"Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối."

 

Tất cả chúng ta đều cảm nghiệm sự mong manh về thể xác, tâm lý và tinh thần của mình và của người khác, và thấy chung quanh một nhân loại thường đau khổ và hoang mang. Chúng ta cảm thấy mình yếu đuối và không có khả năng giải quyết những khó khăn như vậy, cả đến việc đương đầu với chúng, cùng lắm là chỉ giới hạn vào việc không làm hại ai mà thôi.

Trái lại kinh nghiệm của thánh Phaolô mở rộng cho chúng ta một chân trời mới: đó là khi nhận ra và chấp nhận sự yếu đuối của mình, chúng ta có thể phó thác hoàn toàn nơi tay Chúa Cha, Đấng yêu mến ta với chính con người ta và muốn nâng đỡ chúng ta trong cuộc hành trình của ta. Vì vậy tiếp tục lá thư, thánh nhân còn khẳng định: “Chính khi tôi yếu là lúc tôi mạnh”[2]

Về điều này, chị Chiara Lubich đã viết: “[…] Lý trí của chúng ta phản đối lại một khẳng định như vậy, vì nhìn thấy ở đó sự nghich lý tỏ tường hoặc chỉ là một sự mâu thuẫn táo bạo. Trái lại nó nói lên một trong những sự thật của đức tin Kitô. Chúa Giêsu đã giải thích cho chúng ta điều đó qua cuộc sống của Người và nhất là qua cái chết của Người. Khi nào Người đã hoàn tất công trình Chúa Cha trao phó? Khi nào Người đã cứu độ nhân loại? Khi nào Người đã thắng vượt tội lỗi? Khi Người chết trên thập giá, bị nghiền nát, sau khi đã kêu lên: "Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Chúa bỏ rơi con? " Chúa Giêsu mạnh mẽ nhất khi Người yếu đuối nhất. Chúa Giêsu đã có thể khởi sự một dân mới của Thiên Chúa chỉ bằng lời giảng dạy của mình hoặc bằng cách thêm vào một vài dấu lạ hoặc một vài cử chỉ khác thường. Trái lại không. Không, bởi vì Giáo hội là công trình của Thiên Chúa và chính trong đau khổ và duy chỉ trong đau khổ những công trình của Thiên Chúa mang lại kết qủa. Như vậy trong sự yếu đuối của chúng ta, trong kinh nghiệm về sự mong manh của ta dấu ẩn một dịp duy nhất: dĩp để nghiệm được sức mạnh của Đức Kitô chết đi và phục sinh […][3]

 

"Ơn của Thầy đã đủ cho con, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối."

 

Đó là cái nghịch lý của Tin mừng: những ai hiền lành thì được hứa cho đất làm gia nghiệp[4]; trong bài ca Chúc tụng[5], Đức Maria ca ngợi quyền năng của Chúa, có thể biểu lộ hoàn toàn và mãi mãi trong lich sử từng người và trong lịch sử nhân loại, chính nơi sự bé nhỏ và trong sự phó thác hoàn toàn nơi hành động của Thiên Chúa.

Khi bình giải về kinh nghiệm này của thánh Phaolô, chị Chiara còn gợi lên rằng: “[…] sự chọn lựa mà người Kitô chúng ta phải làm là tuyệt đối theo nghĩa nghịch lại với sự chọn lựa mà người ta thường làm. Ở đây thực sự ta đi ngược giòng. Nói chung lý tưởng của cuộc sống trên đời hệ tại thành công, quyền thế, uy tín… Trái lại thánh Phaolo dạy chúg ta là cần phải tự hào về những yếu đuối […] Chúng ta hãy tin tưởng vào Thiên Chúa. Người sẽ tác động trên sự yếu đuối của ta, trên cái hư không của ta. Và khi chính Người tác động, thì chúng ta có thể chắc chắn là Người làm được những công trình có giá trị, chúng chiếu giãi sự thiện lâu dài và đáp ứng những nhu cầu đích thực của từng người và của cộng đoàn”[6].

 

Letizia Magri

 



[1] Cf. 2Cor 11:1-7a

[2] Cf. 2Cor 12:10

[3] Cf. Chiara Lubich, La forza del dolore, Città Nuova, 44, [2000], 12, p.7

[4] Cf. Mt 5:4

[5] Cf. Lc 1:46-55

[6] Cf. Chiara Lubich, Dio opera sulla nostra debolezza, Città Nuova, 26, [1982], 11/12, p. 59.


LỜI SỐNG 2018