Lời Sống

Tháng Ba 2019

“Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Luca 6, 36)

 

Theo tường thuật của Tin mừng Luca, sau khi loan báo cho các môn đệ những mối phúc, Chúa Giêsu đưa ra lời mời gọi cách mạng là mếu yêu tất cả mọi người như anh em, cả khi người đó là kẻ thù.

Chúa Giêsu biết rõ điều đó và giải thích: chúng ta là anh em với nhau vì cùng có một người Cha duy nhất, Đấng luôn luôn tìm kiếm con cái mình.

Người muốn có quan hệ với chúng ta, kêu gọi trách nhiệm của ta, nhưng cùng lúc tình yêu của Người là tình yêu săn sóc, chữa lành, nuôi nấng. Đó là thái độ của người mẹ có lòng trắc ẩn và dịu hiền.

Đó là lòng nhân từ của Thiên Chúa đối với mỗi con người, với tất cả sự mỏng dòn của họ; hơn nữa Người ưa chuộng người sống ngoài lề, bị gạt ra ngoài và bị từ bỏ.

Lòng nhân từ là tình yêu đổ đầy tâm hồn và sau đó chuyền sang người khác, những người hàng xóm cũng như những người xa lạ, ra xã hội chung quanh.

Vì là những người con của Thiên Chúa, nên chúng ta có thể nên giống như Người về cá tính đặc trưng của Người: là mến yêu, đón tiếp, biết chờ đợi thời giờ của người khác.

“Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”

Rất tiếc trong cuộc sống riêng tư và xã hội chúng ta sống trong một bầu khí càng ngày càng thù nghịch và cạnh tranh, nghi ngờ lẫn nhau, phán đoán không để khiếu nại, sợ hãi người khác; những hận thù  chồng chất, chúng dẫn đến những cuộc tranh chấp và chiến tranh.

Là tín hữu Kitô chúng ta có thể đưa ra một chứng tá nhất quyết ngược lại: đó là thực hiện một tác động giải thoát khỏi chính mình và khỏi những chi phối, và khởi sự xây dựng lại những liên hệ bị rạn nứt hoặc đổ vỡ trong gia đình, tại nơi làm việc, trong cộng đồng giáo xứ, trong đảng phái chính trị.

Nếu làm tổn thương người nào, chúng ta hãy can đảm xin lỗi và bắt đầu lại. Đó là một hành động có phẩm cách cao.

Và nếu có người nào thực sự làm thương tổn ta, thì chúng ta hãy tìm cách tha thứ cho họ, dành cho người đó một chỗ mới trong lòng, cho phép người đó chữa lành vết thương.

Nhưng tha thứ là gì?

“Tha thứ không phải là quên đi […] không phải là yếu đuối, […] không hệ tại việc khẳng định là không quan trọng điều nghiêm trọng, hay cho điều xấu là tốt, […] không phải là thái độ dửng dưng. Tha thứ là một hành động của ý chí và tinh thần sáng suốt, như vậy là hành động tự do hệ tại việc tiếp nhận người anh em theo như chính con người của họ, mặc cho điều ác người đó đã làm cho ta, như Thiên Chúa đón nhận chúng ta là những kẻ tội lỗi, mặc cho những khuyết điểm của ta. Tha thứ hệ tại việc không đáp lại sự xúc phạm bằng việc xúc phạm, mà làm như thánh Phao-lô dạy: “Đừng để sự ác thắng được mình, nhưng lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12, 21)”[1]

Tấm lòng rộng mở này không tự nhiên mà có được. Mà phải được chinh phục mỗi ngày, phải liên tục phát triển đặc tính là con cái Thiên Chúa của chúng ta.

Trước hết đó là một ơn Chúa Cha ban, mà chúng ta có thể và phải xin chính Người.

“Anh em hãy có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ”

Một người trẻ Phi-luật-tân đã kể: “Tôi mới mười một tuổi khi cha tôi bị giết, nhưng không được xét xử, vì chúng tôi là người nghèo. Khi lớn lên tôi học Luật, ước mong đem lại công lý cho cái chết của cha tôi. Nhưng Thiên Chúa có một chương trình khác dành cho tôi: một hôm một bạn đồng nghiệp mời tôi đến dự cuộc họp với những những người dấn thân sống Tin mừng. Chính tôi cũng bắt đầu sống như vậy.

Một hôm tôi xin Chúa Giêsu dạy tôi biết sống cụ thể lời Người dạy “Hãy yêu mến kẻ thù của anh em”[2] vì lúc đó tôi cảm thấy lòng thù ghét những người đã giết ba tôi vẫn còn trong tôi. Ngày hôm sau tại nơi làm việc tôi gặp người trưởng nhóm người đã giết ba tôi. Tôi mỉm cười chào và hỏi thăm về gia đình ông. Lời chào của tôi đã làm ông bỡ ngỡ, và tôi còn bỡ ngỡ hơn nữa về điều mình đã làm.

Lúc đó lòng thù hận trong tôi đang tan dần, biến thành lòng mến yêu. Nhưng đó mới chỉ là bước đầu: tình yêu thì sáng tạo! Tôi nghĩ là mọi người trong nhóm đó đều cần phải nhận được sự tha thứ của chúng tôi. Cùng với em trai, chúng tôi đến tìm họ để lập lại mối giao hảo và làm chứng cho họ thấy là Thiên Chúa yêu thương họ! Một người trong nhóm họ đã xin lỗi chúng tôi về điều anh đã làm và xin cầu nguyện cho anh và gia đình anh”.

                                                                                      Letizia Magri

 

 



[1] Cf. C. Lubich, Costruire sulla roccia, Città nuova, Roma 19934, p.56

[2] Cf. Mt 5, 44; Lc 6, 27.


LỜI SỐNG 2019