Lời Sống

Tháng Tư 2019

 

Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.” (Ga 13,14)

Tin mừng Gioan, khi nhắc lại những giờ phút cuối cùng sống với Chúa Giêsu trước khi Người chết, đã đặt việc rửa chân cho các môn đệ vào trung tâm điểm. Tại Đông phương thời xưa, đó là một dấu chỉ thái độ đón tiếp đối với người khách thường do đầy tớ làm, sau khi đi đường bụi bặm,

Chính vì thế, lúc đầu các môn đệ từ chối không chấp nhận cử chỉ này của Thầy mình, nhưng sau đó cuối cùng Người giải thích:

Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em,

thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.”

Với hình ảnh thật ý nghĩa này, tông đồ Gioan cho chúng ta thấy toàn thể sứ mạng của Chúa Giêsu: Người là Thầy và là Chúa, Người đã đi vào lich sử con người để gặp gỡ mỗi người, để phục vụ chúng ta và đưa chúng ta đến với Chúa Cha.

Ngày qua ngày, trong tất cả cuộc sống dương thế, Chúa Giêsu đã cởi bỏ mọi dấu chỉ sự cao cả của Người và bây giờ sửa soạn hiến mạng sống mình trên thập giá. Và chính lúc này Người trao cho các môn đệ, làm của kế thừa, lời mà Người coi trọng hơn cả:

Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em,

thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.”

Đó là một lời mời gọi rõ ràng và đơn giản; mọi người chúng ta đều có thể hiểu được và đem ra thực hành ngay lập tức, trong mọi hoàn cảnh, mọi bối cảnh xã hội và văn hóa.

Các Kitô hữu, những người đã được mạc khải về tình yêu Thiên Chúa qua cuôc sống và những lời dạy của Chúa Giêsu, họ “mắc nợ” những người khác: đó là bắt chước Chúa Giêsu đón nhận và phục vụ người anh em, để nên những người loan báo Tình yêu. Như Chúa Giêsu trước hết họ mến yêu cách cụ thể và tiếp đến kèm theo thái độ đó bằng những lời hi vọng và thân thiện.

Và chứng tá này càng hiệu nghiệm hơn, khi chúng ta càng chú ý đến những người nghèo, với tinh thần nhưng không, bằng cách từ chối những thái độ luồn cúi đối với người có quyền hành và uy tín.

Trước cả những tình trạng phức tạp và đau thương, vươt tầm tay, có một điều mà chúng ta có thể và phải làm đế góp phần vào “sự thiện”: đó là không sợ bẩn tay và không chờ đợi đáp trả, với lòng quảng đại và trách nhiệm.

Hơn nữa, Chúa Giêsu không chỉ đòi ta một mình làm chứng cho Tình yêu, trong những môi trường sống của ta, mà còn như một cộng đoàn, như dân Chúa, có luật cơ bản là thương yêu lẫn nhau.

Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em,

thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.”

Sau những lời này, Chúa Giêsu nói tiếp: “Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em… Anh em đã biết những điều đó, nếu anh em thực hành, thì thật phúc cho anh em![1]

Khi giải thích câu này trong Tin mừng, Chị Chiara Lubich đã viết như sau: […] “Thật phúc cho anh em: Như vậy việc phục vụ lẫn nhau, lòng thương yêu nhau mà Chúa Giêsu đã dạy với cử chỉ làm đảo lộn này, là một trong những mối phúc Chúa Giêsu đã dạy[…] Vậy trong tháng này làm thế nào  chúng ta sống được lời này? Việc bắt chước mà Chúa Giêsu đòi chúng ta không hệ tại việc lặp lại cử chỉ của Người, cho dầu chúng ta cũng phải luôn luôn giữ lời này trước mắt như mẫu gương sáng ngời và không thể sánh bằng. Bắt chước Chúa Giêsu có nghĩa là hiểu rằng những Kitô hữu chúng ta có được ý nghĩa nếu chúng ta sống “cho” người khác, nếu chúng ta coi cuộc sống mình như công cuộc phục vụ người anh em, nếu chúng ta  đặt toàn thể cuộc sống của ta trên nền tảng này. Lúc đó chúng ta sẽ thực hiện được điều mà Chúa Giêsu coi trọng nhất. Chúng ta sẽ chú trọng vào Tin mừng. Chúng ta sẽ thực sự được chúc phúc”.[2]

 

                                                                                      Letizia Magri

 

 

 



[1] Cf. Ga 13, 15.17.

[2] C. Lubich, Parola di Vita aprile 1982, in Parola di vita, a cura di Fabio Ciardi (Opere di Chiara Lubich 5, Città Nuova, Roma 2017.


LỜI SỐNG 2019