Lời Sống

Tháng Bảy 2019

“Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy” (Mt 10, 8)

 

Trong Tin mừng Mát-thêu, Chúa Giêsu ngỏ lời mời gọi mạnh mẽ này với các môn đệ mình, những người “được sai đi”.

Chính Người đã gặp một nhân loại bơ vơ, đau khổ và Người trạnh lòng thương.

Vì thế Người muốn qua các tông đồ làm tăng thêm công cuộc cứu độ, chữa lành, giải phóng của mình. Các tông đồ họp lại chung quanh Chúa Giêsu, lắng nghe những lời Người dạy và nhận lấy một sứ mạng, một mục tiêu cho cuộc sống của mình, vì thế các ông lên đường để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với mỗi người.

 

“Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy”

 

Nhưng các tông đồ đã được “cho không” điều gì để các ông phải cho đi?

Các tông đồ, qua những lời giảng dạy, qua những thái độ, những chọn lựa của Chúa Giêsu và qua toàn thể cuộc sống của Người, đã cảm nhận lòng thương xót của Thiên Chúa. Mặc cho những yếu đuối và những giới hạn của mình, các ông đã nhận được Luật mới là yêu thương và đón nhận nhau.

Trên hết các ông đã nhận được ân sủng mà Thiên Chúa muốn ban cho tất cả mọi người: đó là chính Thiên Chúa, cuộc đồng hành của Người trên cảc nẻo đường đời, ánh sáng Người ban để các ông biết chọn lựa. Đó là những hồng ân vô giá, vượt trên khả năng đáp trả của chúng ta, đó chính là những hồng ân được “cho không”.

Những ân sủng đó các tông đồ và tất cả các tín hữu Kitô đều đã nhận được, để rồi họ trở nên những máng chuyển những ơn này cho tất cả những người họ gặp mỗi ngày.

 

“Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy”

 

Chị Chiara Lubich đã viết như vậy vào tháng mười năm 2006:

“Suốt toàn thể Tin mừng Chúa Giêsu mời gọi người ta cho đi: cho người nghèo, cho người nào xin, cho người muốn vay mượn; cho của ăn cho người đói khát, áo mặc cho người xin; cho cách nhưng không… Chính Chúa Giêsu là người đầu tiên đã ban: sức khỏe cho người đau yếu, tha thứ cho người tội lỗi, sự sống cho tất cả chúng ta.  Nghịch lại với bản năng ích kỷ chiếm đoạt là lòng quảng đại; với sự tập trung vào những nhu cầu của mình là sự chú ý đến người khác; nghịch lại văn hóa chiếm hữu là văn hoá cho đi […]. Lời sống tháng này có thể giúp chúng ta khám phá lại giá trị của mỗi hành động của ta: từ công việc ở nhà hay ngoài đồng và tại xưởng làm, đến việc giải quyết những giấy tờ văn phòng, từ những bài vở ở trường, đến những trách nhiệm trong lãnh vực dân sự, chính trị và tôn giáo. Tất cả có thể được biến đổi nên việc phục vụ một cách chú ý và ân cần. Tình yêu sẽ cho chúng ta những con mắt mới để đoán ra điều người khác cần và để đáp lại với tính sáng tạo và lòng quảng đại. Kết qủa? Những ân sủng sẽ chuyền đi, vì lòng yêu thương đòi lòng yêu thương. Niềm vui sẽ thêm nhiều và “cho đi thì có phúc hơn là nhận” (TĐCV 20, 35)

Thật đúng như Vergence, một em bé gái tại Congo đã kể: “Một hôm trên đường đi học em thật đói bụng. Em gặp cậu em, cậu cho em tiền để mua bánh, nhưng sau đó em thấy một người rất nghèo. Em nghĩ ngay là phải cho ông ta mấy đồng đó. Nhưng đứa bạn cùng đi bảo em đừng làm như vậy, mà hãy nghĩ đến chính mình! Lúc đó em tự nhủ ngày mai em sẽ có của ăn, còn ông ta thì sao? Thế là em đem cho người đó số tiền mua bánh và em cảm thấy trong lòng rất vui.”

 

“Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy

 

Cái lô-gic của Tin mừng luôn luôn là nhận được để chia sẻ, không khi nào tích trữ cho mình. Đó cũng là lời mời gọi tất cả chúng ta là nhận biết điều chúng ta đã có được: nghị lực, tài năng, khả năng, của cải vật chất, và đem chúng phục vụ người khác.Theo nhà kinh tế học Luigino Bruni, “Tính nhưng không là […] một chiều kích có thể đi với bất ký hành động nào. Vì thế  nó không phải là “miễn phí”, mà là ngược lại, bởi vì tính nhưng không không phải là một giá tương đương với dê-rô, mà là một giá vô cùng mà ta chỉ có thể đáp lại bằng một hành động cho không”.

Như vậy tính cho không vượt trên lô-gíc của thị trường, của chủ nghĩa tiêu thụ và chủ nghĩa cá nhân và mở ra sự chia sẻ, ra tính xã hội, đến tình huynh đệ, đến nền văn hóa mới là cho đi. Kinh nghiệm xác nhận rằng tình thương yêu vô vị lợi chính là sự khiêu khích, với những hậu quả tích cực, bất ngờ, lan tràn như vết dầu loang cả trong xã hội. Đó là những gì đã xẩy ra tại Phi-lip-pine, với sáng kiến khởi đầu năm 1983. Trong thời gian đó, tình trạng chính trị và xã hội của nước này rất khó khăn và rất nhiều người dấn thân tìm ra một giải quyết tích cực. Một nhóm người trẻ quyết định góp phần của họ vào việc đó một cách độc đáo: họ mở tủ nhà và lôi ra những gì họ không cần đến nữa. Họ đem bán tất cả tại chợ bán đồ cũ, và có được một số vốn nhỏ và họ khởi sự từ nhưng không một trung tâm xã hội lấy tên là Bukas Palad, nghĩa là “bàn tay mở rộng”. Câu Tin mừng gợi hứng cho họ chính là ““Anh em đã được cho không thì cũng phải cho không như vậy”, từ đó câu này trở thành khẩu hiệu cho sáng kiến của họ. Công cuộc này qui tụ một số bác sĩ, với đóng góp chuyên môn vô vị lợi, và nhiều người khác cũng mở rộng lòng, vòng tay và cửa nhà. Như thế đã nảy sinh và phát triển một hoạt động xã hội rộng lớn nhằm lợi ích cho những người bần cùng nhất, ngày nay vẫn còn cống hiến những dịch vụ tại nhiều thành phố khác của nước Phi-líp-pine. Nhưng mục tiêu quan trọng nhất đã đạt được và củng cố trong những năm này là làm cho chính những người mà chương trình phục vụ trở thành những người chủ động. Thực vậy họ tìm lại được phẩm giá làm người của họ và kiến tạo những mối liên hệ tôn trọng và liên đới.

Với mẫu gương và sự dấn thân của họ, những người đó đồng hành với rất nhiều người khác để ra khỏi sự bần cùng và nhận lấy trách nhiệm của cuộc chung sống mới cho mình và gia đình họ, cho khu phố và cộng đoàn của họ, cho thế giới.

 

Letizia Magri

 


LỜI SỐNG 2019