Lời Sống

Tháng Mười Một 2019

“Vui với người vui, khóc với người khóc” (Rm 12, 15)

Sau khi giải thích cho các tín hữu Kitô ở Roma những hồng ân lớn Thiên Chúa đã ban cho nhân loại nơi Chúa Giêsu và với ơn Thánh thần, tông đồ Phaolô chỉ dạy phải làm thế nào đáp lại ơn đã lãnh nhận, nhất là trong mối tương quan giữa họ với nhau và với mọi người.

Thánh Phaolô mời gọi họ đi từ lòng mến yêu đối với những người chia sẻ cùng một đức tin đến lòng yêu mến theo Tin mừng đối với tất cả mọi người, bởi vì đối với các tín hữu lòng mến yêu không có biên giới, cũng không thể bị giới hạn.

Một chi tiết đáng chú ý là chúng ta thấy đầu tiên đó là việc chia sẻ niềm vui với người anh em. Đúng vậy, theo thánh Gioan Kim-khẩu, vị giáo phụ lớn của Giáo hội, lòng ghen ghét làm cho việc chia sẻ niềm vui của người khác nên khó hơn là chia sẻ nỗi khổ của họ nhiều.

Sống như vậy có thể xem ra là một trái núi không thể vượt qua, một đỉnh cao không thể đạt được. Nhưng điều này trở nên có thể, bởi vì các tín hữu được nâng đỡ bởi tình yêu của Đức Kitô, tình yêu không gì và không một thụ tạo nào có thể tách rời họ được (Cf. Rm 8, 35).

“Vui với người vui, khóc với người khóc”

Khi giải thích câu này của thánh Phaolo, chị Chiara Lubich đã viết: “Để mến yêu theo Kitô thì cần phải “trở nên một” với mỗi người anh em […]: đi sâu vào tâm trí của người khác; thực sử hiểu những vấn đề của họ, những đòi hỏi của họ; chia sẻ những đau khổ của họ, những niềm vui của họ; cúi xuống người anh em; một cách nào đó trở nên người khác. Đó là Kitô giáo, Chúa Giêsu đã trở nên người phàm, đã trở nên như chúng ta để làm cho chúng ta nên Thiên Chúa; theo cách đó người bên cạnh sẽ cảm thấy mình được thấu hiểu, được nhẹ nhõm.[1]

Đó là lời mời gọi đặt mình “vào chỗ của người khác”, như diễn tả cụ thể của một lòng bác ái đích thực. Có lẽ tình yêu của một người mẹ là thí dụ tốt hơn cả để diễn giải cách cụ thể Lời sống tháng này: người mẹ biết chia sẻ niềm vui với đứa con vui chơi và tiếng khóc với đứa con đau khổ, không phán đóan và định kiến.

“Vui với người vui, khóc với người khóc”

Để sống lòng mến yêu với chiều kích này, mà không đóng kín trong những bận tâm của mình, trong những lợi lộc của mình, trong thế giới của mình, thì có một bí mật: đó là tăng cường sự kết hợp với Thiên Chúa, mối quan hệ với Đấng là chính nguồn của Tình yêu. Thực vậy người ta nói là vòm lá của cái cây thường đi đôi với đường kính của rễ cây. Đối với chúng ta cũng như vậy: nếu ta làm tăng thêm mỗi ngày mối quan hệ của ta với Thiên Chúa, thì cũng tăng thêm nơi ta niềm ao ước chia sẻ niềm vui và mang gánh nặng của những người quanh ta: cõi lòng chúng ta sẽ mở ra và càng ngày càng có khả năng chứa đựng những gì người anh em bên ta trong giây phút hiện tại đang trải qua. Rồi lòng mến yêu người anh  em sẽ làm cho ta đi xa hơn nữa trong sự mật thiết với Thiên Chúa.

Khi sống như vậy chúng ta sẽ thấy sự thay đổi tại môi trường nơi ta sống, bắt đầu từ những mối quan hệ trong gia đình, nơi trường học, tại chỗ làm việc, trong cộng đoàn, và chúng ta sẽ nghiệm được với lòng biết ơn là lòng mến yêu thành thực và nhưng không, sớm muộn sẽ đáp lại và trở thành hỗ tương.

Đó là kinh nghiệm đặc biệt của hai gia đình, một Kitô giáo và một Hồi giáo, đã chia sẻ những khó khăn và niềm hi vọng với nhau. Khi anh Ben lâm bệnh nặng, chị Tatiana và anh Phaolô ở bệnh viện với vợ của anh là Basma và hai đứa con cho đến giây phút cuối cùng. Cho dầu trong nỗi đau đớn vì chồng mất, chị Basma cùng với những người bạn Kitô giáo cầu nguyện cho một người khác đang bệnh nặng, với chiếc thảm hướng về Mecca. Chị Basma tâm sự: “Niềm vui lớn nhất là chị cảm thấy mình thuộc về cùng một thân thể, ở đó mỗi người giữ nơi mình lòng tốt của người khác”.

Letizia Magri

 



[1] C. Lubich, L’amore reciproco: nucleo fondamentale della spiritualità dell’unità, Convegno degli ortodossi, Castel Gandolfo, 30 marzo 1989, p.4.





LỜI SỐNG 2019